Bé gái 19 tháng tuổi ở Hà Nội suýt chết đuối sau khi ngã vào xô nước thải điều hòa, may mắn được người nhà sơ cứu kịp thời và qua cơn nguy kịch.
Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhi 19 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng ngưng thở, tím tái sau tai nạn đuối nước hy hữu - ngã vào xô nước thải điều hòa đặt ở đầu hồi nhà.
Bé gái nặng khoảng 12kg, cao 90cm, rất hiếu động và thích nghịch nước. Trong lúc nhà có khách, bé một mình đi ra khu vực đầu hồi - nơi đặt chiếc xô cao khoảng 40-45cm, chứa 10-15cm nước thải từ điều hòa. Khi người lớn phát hiện, bé rơi vào trạng thái tím tái, không thở.
Người ông bế dốc ngược cháu, lắc mạnh. May mắn, người thân có kiến thức sơ cứu đến kịp thời, thực hiện ép tim và thổi ngạt. Sau 5-7 phút, bé nôn ra nước, thức ăn và bắt đầu thở trở lại dù vẫn hôn mê.

BSCKII Phạm Công Khắc, Trung tâm Nhi khoa thăm khám cho bệnh nhi. (Ảnh: Nguyên Hà)
Bệnh nhi sau đó được đưa đến bệnh viện huyện trong tình trạng có mạch, được đặt nội khí quản, bóp bóng có oxy rồi chuyển đến Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai. Chẩn đoán cho thấy phổi bé bị tổn thương do hít sặc, các bác sĩ phải an thần, thở máy và hồi sức tích cực.
BSCKII Phạm Công Khắc, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chính việc sơ cứu đúng cách đã cứu sống đứa trẻ. Gia đình bé có người làm trong ngành y nên xử lý kịp thời, đúng trình tự.
Ông khuyến cáo, khi trẻ đuối nước, người lớn cần ngay lập tức đưa trẻ ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặt trên nền cứng, giữ đầu ngửa và nâng cằm để thông đường thở. Thổi ngạt 5 lần, sau đó ép tim 30 lần – thổi ngạt 2 lần và tiếp tục chu kỳ cho đến khi trẻ có dấu hiệu sống. Việc dốc ngược trẻ hay chạy vòng quanh là sai lầm thường gặp, khiến việc cứu chữa bị trì hoãn và dễ gây tổn thương thêm.
Theo bác sĩ Khắc, nhiều người nghĩ đuối nước chỉ xảy ra ở ao hồ, sông suối, trong khi thực tế, chỉ với 10cm nước trong xô, chậu, bể bơi mini, bể cá cảnh… cũng có thể cướp đi mạng sống của một đứa trẻ.
Phụ huynh tuyệt đối không để trẻ chơi một mình gần khu vực có nước. Các vật dụng chứa nước phải được đậy kín, đặt ở nơi cao. Trẻ em khi đi bơi cần có người lớn giám sát và nên được học bơi càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Khắc đề xuất đẩy mạnh truyền thông, đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng để không có thêm những tai nạn thương tâm từ những điều tưởng chừng vô hại trong chính ngôi nhà của mình.
https://vtcnews.vn/nga-vao-xo-chua-nuoc-thai-dieu-hoa-be-gai-19-thang-suyt-mat-mang-ar944335.html