- Tia hi vọng mới cho thỏa thuận hạt nhân Iran
- Thoả thuận hạt nhân Iran có thể "cán đích" trong tuần này
- Thỏa thuận hạt nhân Iran - Cuộc tranh cãi chưa có hồi kết
Nga cho biết cả hai nước đang xem xét nối lại các cuộc thanh tra theo hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 29/9 rằng Moskva và Washington đang “tham gia vào một cuộc đối thoại” nhằm khôi phục thỏa thuận START mới (New START). Đây là hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân quan trọng, trong đó đặt giới hạn về số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai, cũng như các phương tiện vận chuyển chúng.
Hai cường quốc đang xem xét nối lại các cuộc thanh tra lẫn nhau đối với các kho vũ khí hạt nhân đã triển khai. Hoạt động vốn đã bị đình chỉ vào năm 2020 vì đại dịch COVID-19.
(Ảnh minh họa)
Bà Zakharova nói với các nhà báo: “Việc nối lại đang được xem xét“, cũng như hai bên sẽ "quay trở lại thực hiện đầy đủ hiệp ước".
Người phát ngôn nói Nga và Mỹ có thể tổ chức cuộc họp trực tiếp ủy ban cố vấn song phương. Ủy ban này hiện tổ chức phiên họp từ xa, thảo luận về “các vấn đề về tổ chức và kỹ thuật cần được giải quyết".
Theo bà Zakharova, các hành động “chống Nga” của Mỹ và các đồng minh khiến một số thủ tục “thông lệ” liên quan đến hiệp ước trở nên khó khăn. Người phát ngôn tố cáo lập trường của Washington về một số vấn đề là "viển vông" và nói Moskva sẽ tìm cách "giải quyết tất cả các vấn đề quan tâm" trên cơ sở bình đẳng và phù hợp với lợi ích quốc gia của Nga.
Hiệp ước START mới năm 2010 vẫn là thỏa thuận kiểm soát vũ khí tích cực duy nhất giữa hai cường quốc hạt nhân kể từ khi Mỹ rút khỏi hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019.
Thỏa thuận ban đầu hết hạn vào đầu năm 2021 và gần như sắp đổ vỡ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý gia hạn thêm 5 năm vào tháng 1/2021. Thỏa thuận được cứu vãn vào phút cuối sau khi các cuộc đàm phán giữa Moskva và Washington bị đình trệ dưới thời người tiền nhiệm của ông Biden - Tổng thống Donald Trump.
Thỏa thuận giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân mà Mỹ và Nga có thể sở hữu là 1.550 đầu đạn mỗi bên. Các bên triển khai không quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạt nhân. Tổng số phương tiện vận chuyển hạt nhân chiến lược không được vượt quá 800.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Moskva và Washington ở mức thấp lịch sử, trong bối cảnh Nga đang tiến hành các hành động quân sự ở Ukraine, Mỹ hỗ trợ Kiev về quân sự và tài chính.
https://vtc.vn/nga-va-my-tim-cach-hoi-sinh-thoa-thuan-hat-nhan-quan-trong-ar704089.html