Theo truyền thông Nga, viễn cảnh có thể xảy ra ở Syria sau khi Nga rút quân hoàn toàn có thể dự đoán được.
Dù tuyên bố rút quân nhưng Nga sẽ không rút hoàn toàn lực lượng ra khỏi Syria. Tại đây, Nga còn 2 căn cứ quân sự, gồm căn cứ hải quân Tartus thành lập từ năm 1971 và căn cứ không quân Hmeymim thành lập năm 2015 nhằm hỗ trợ chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.
Vào tháng 1/2017, Moscow và Damascus đã ký thỏa thuận cấp phép cho nhóm tác chiến lực lượng không gian vũ trụ Nga triển khai quân ở Hmeymim thêm 49 năm nữa. Theo thỏa thuận, Nga cũng đồng thời triển khai 11 tàu ở căn cứ Tartus trong tương lai.
Tổng thống Putin ra lệnh rút phần lớn lực lượng quân đội Nga khỏi Syria sau khi hoàn thành thắng lợi chiến dịch chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông này.
Mới đây, Tổng thống Putin cũng đã đệ trình lên Hạ viện Nga thỏa thuận với Syria về việc mở rộng thời hạn căn cứ hải quân Nga ở Tartus.
"Thời hạn của thỏa thuận là 49 năm, có thể được tự động kéo dài thêm 25 năm trong trường hợp không bên nào gửi văn bản thông báo cho bên kia về việc chấm dứt thỏa thuận ít nhất 1 năm trước khi hết hạn", nội dung thỏa thuận cho biết.
Theo thỏa thuận này, Nga sẽ sử dụng miễn phí các cơ sở chung ở Syria. Căn cứ hải quân có đầy đủ quyền miễn trừ, quyền tài phán dân sự và hành chính của Syria. Tài sản và bất động sản được miễn trừ lục soát, bắt giữ và các thủ tục tố tụng khác.
Bên cạnh đó, thỏa thuận quy định Nga sẽ khai thác vận hành căn cứ hải quân và có quyền điều số quân cần thiết để duy trì căn cứ hải quân.
Dù đã rút quân khỏi Syria nhưng Tổng thống Putin cho biết, nếu tình hình khủng bố tiếp tục trở nên phức tạp, Nga sẽ hành động và cho những kẻ cực đoan hứng chịu những đòn tấn lớn.
Vì vậy, khả năng Nga quay lại chiến trường Syria để hỗ trợ công cuộc chống khủng bố vẫn có thể xảy ra.
Ông Rick Sterling, thành viên của phong trào đoàn kết Syria, một tổ chức ủng hộ chính quyền Damascus nhận định: “Nga không có kế hoạch duy trì một số lượng lớn quân đội ở Syria là điều rõ ràng, nhưng Nga vẫn có thể quay trở lại Syria khi cần. Thực tế, Nga không nằm quá xa Syria. Thành phố Sochi chỉ cách căn cứ không quân của Nga ở Syria hơn 900 km. Không quân Nga không gặp khó khăn gì trong việc di chuyển một số chiến đấu cơ và phi công về phía Nam của Nga và nếu cần họ vẫn có thể lên đường tới Syria làm nhiệm vụ”.
Hiện tại, tình hình nội bộ Syria vẫn còn ẩn chứa nhiều mối đe dọa tiềm ẩn. Một số nhóm khủng bố cực đoan vẫn còn tồn tại trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông này như nhóm Mặt trận al-Nusra tại tỉnh Idlib.
Tại đây, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng quân đội tự do Syria FSA (đối lập với Chính phủ Syria) đang phối hợp tác chiến. Dẫu vậy chưa có một thỏa thuận nào được ký kết giữa các nhóm đối lập trong nội bộ Syria.
Giới quan sát cho rằng, khi lực lượng IS đã bị quét sạch khỏi Syria, đây là thời điểm thích hợp để các nhóm đối lập và Chính phủ Syria có thể ngồi lại, đàm phán tìm ra tiếng nói chung.
Tuy nhiên, vòng đám phán gần đây nhất diễn ra ở Geneva, Thụy Sỹ kết thúc với những cáo buộc lẫn nhau giữa các bên. Vòng đàm phán tiếp theo diễn ra tại Astana, do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian được tổ chức vào tháng 12, cũng mới dừng lại ở việc thể hiện niềm hy vọng của các quốc gia này về tiến trình hòa bình ở Syria.
Tuy Nga đã rút lực lượng khỏi Syria nhưng hiện tại các đồng minh của Damascus như nhóm Hezbollah hay lực lượng đặc biệt Iran vẫn sẽ tiếp tục đồn trú trên đất Syria. Ngoài ra, các lực lượng khác như Thổ Nhĩ Kỳ, liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu vẫn tiếp tục tác chiến tại Syria. Do sự tham chiến của các lực lượng này không được Damascus công nhận nên rất khó để dự đoán thời gian rút quân của các lực lượng này.
Chính phủ Syria hiện hoàn toàn nắm trong tay quyền bảo vệ và tái thiết đất nước. Thủ tướng Syria Imad Khamis khẳng định Chính phủ nước này sẽ khôi phục các vùng lãnh thổ bị tàn phá bởi chiến tranh, cung cấp cho người dân các dịch vụ cần thiết, cũng như thiết lập kế hoạch đầu tư và phát triển.
Ông Khamis tuyên bố, Syria đủ mạnh để khôi phục lại những gì đã bị phá hủy do cuộc chiến tranh đang diễn ra trong nước dưới sự giúp đỡ của Nga và các quốc gia khác. Dẫu vậy, hẳn còn nhiều thách thức trong công cuộc tái thiết đất nước đón đợi lãnh đạo của quốc gia Trung Đông này.
TT Putin cảm ơn phi công Su-30 dũng cảm bảo vệ máy bay của ông tại Syria
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tiết lộ về quá trình ông được bảo vệ bởi các máy bay tiêm kích trong chuyến thăm tới ... |
Putin và Trump nhất trí trao đổi thông tin về Triều Tiên
Tổng thống Nga và người đồng cấp Mỹ nhất trí hợp tác tìm giải pháp tiềm năng giải quyết căng thẳng ở bán đảo Triều ... |
Các sắc thái biểu cảm của ông Putin trong cuộc họp báo thường niên
Cuộc họp báo năm nay của Tổng thống Nga được đặc biệt chú ý vì cách đây 1 tuần, ông Putin tuyên bố tiếp tục ... |