Quốc hội Mỹ đang thúc đẩy dự luật buộc Bộ Quốc phòng nước này sản xuất tên lửa tầm trung, động thái vi phạm một hiệp ước từ thời Liên Xô.
Quốc hội vượt mặt Tổng thống
Tờ Độc lập của Nga vừa có bài bình luận "Tên lửa - Vòng xoáy đối đầu mới giữa Nga và Mỹ" sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký luật về các biện pháp siết chặt trừng phạt Nga khiến quan hệ song phương rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội Mỹ đang soạn thảo một loạt dự luật rất có thể buộc Lầu Năm Góc bắt đầu sản xuất tên lửa tầm trung bất chấp các quy định của Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Các nhà lập pháp Mỹ giải thích sự cần thiết phải có bước đi như thế là do Nga vi phạm các quy định của hiệp ước này.
INF được Liên Xô trước đây và Mỹ ký năm 1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Nội dung chính của văn kiện này nghiêm cấm các bên sản xuất, tàng trữ hoặc thử nghiệm mọi tên lửa tầm trung, kể cả thông thường và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn từ 500-5.000 km.
Washington cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước sau khi tiến hành một vụ thử tên lửa hồi tháng 7/2014. Tuy nhiên, Moscow phủ nhận cáo buộc này.
Quốc hội Mỹ đang có hàng loạt hành động "vượt mặt" Tổng thống Trump trong chính sách với Nga |
Trong luật được thông qua tháng trước về chi tiêu quốc phòng của Mỹ có đề cập đến chương trình chế tạo tên lửa đặt trên mặt đất.
Những điều khoản tương tự nghi ngờ Hiệp ước tên lửa Mỹ- Liên Xô có trong văn bản dự luật về chính sách quốc phòng, sắp tới sẽ được các thành viên Thượng viện thảo luận. Văn kiện này cũng kêu gọi người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis tiến hành chế tạo tên lửa với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Những sáng kiến lập pháp gây tranh cãi này cũng nói đến tên lửa phi hạt nhân, tuy nhiên trong văn kiện INF không phân biệt giữa các đầu đạn.
Những người phản đối những hành động lập pháp như thế lo ngại rằng việc bật đèn xanh cho sản xuất tên lửa tầm trung sẽ làm gia tăng nguy cơ đụng độ bằng vũ khí hạt nhân khi quan hệ giữa hai cường quốc đang ở trong bối cảnh hết sức phức tạp.
Thượng nghị sĩ bang Vermont ông Patrik Lihi cảnh báo: "Hiện các tên lửa tầm ngắn và tầm trung không còn có giá trị răn đe, trong khi xác suất những tính toán sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả không thể tưởng được tăng lên".
Hiện cũng có nhiều ý kiến cho rằng các nhà lập pháp Mỹ đang vượt quá quyền hạn của mình. Thượng viện chịu trách nhiệm phê chuẩn các hiệp ước, nhưng chỉ có Tổng thống mới có thể quyết định rút khỏi hay không. Về phần mình, Hạ viện nói chung không thể tán thành hay không tán thành những hiệp định như thế.
Giới chuyên gia cho rằng Mỹ "lách" INF bằng các tên lửa Tomahawk phóng từ biển |
Tờ Độc lập dẫn lời các chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí tin rằng những biện pháp tương tự của Quốc hội Mỹ mang giá trị quân sự đáng ngờ.
Họ cảnh báo rằng những hành động chế tạo loại vũ khí bị INF cấm, chưa chắc đã gây ảnh hưởng được đối với Nga. Bên cạnh đó, đang có lo ngại rằng giữa Moscow và Washington đang nổi lên cuộc chạy đua vũ khí mới.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, ông Daryl Kimball, dự báo: "Những quy định trong các dự luật của Quốc hội Mỹ cho phép cung cấp tài chính cho hệ thông vũ khí, đặt nền tảng cho việc triển khai hệ thống vũ khí hạt nhân mới ở châu Âu.
Chúng tôi cho rằng chương trình nghiên cứu khoa học như thế không thể nào làm thay đổi hành vi của Nga, và ngược lại, tạo cho Nga cái cớ rất tốt để chế tạo nhiều vũ khí hơn".
Ông Kimball tin tưởng rằng không có đồng minh châu Âu nào của Mỹ muốn triển khai tên lửa trên lãnh thổ của mình. Hiện, các sáng kiến lập pháp liên quan đến INF có số người phản đối nhiều hơn ủng hộ. Một số trợ lý các nghị sĩ cho biết các nhà lập pháp đang nỗ lực nhằm loại bỏ hoàn toàn những quy định này ra khỏi các dự luật.
Răn đe cả Mỹ và châu Âu
Phản ứng trước các động thái của Quốc hội Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3/8 tuyên bố Moscow sẽ không rút khỏi INF và hy vọng Mỹ cũng sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình về thỏa thuận trong bối cảnh hiện nay.
Phó Giám đốc Viện các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), chuyên gia quân sự Vladimir Evseev nhấn mạnh: "Việc chế tạo tên lửa tầm trung tại Mỹ bất chấp INF chứng minh việc Mỹ chưa tiêu hủy một phần tên lửa như thế, và Mỹ coi chúng như các mục tiêu để hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa. Bên cạnh đó, Mỹ còn vi phạm một số quy định của INF.
Một cơ sở trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Romania |
Tất cả những điều này sẽ tạo ra tình huống mà nhờ đó Mỹ không hủy bỏ hiệp ước INF trên thực tế, nhưng sẽ ngừng thực hiện. Lập trường như thế là hành động khiêu khích nhưng đó là đặc điểm của nước Mỹ. Cái gọi là thỏa thuận hạt nhân với Iran là một ví dụ điển hình. Mỹ không rút khỏi hiệp định này vì đây là hiệp định đa phương, nhưng trong khi đó người Mỹ đang phá hoại hiệp định này, áp đặt trừng phạt với một lý do khác, và điều này sẽ làm INF mất hết giá trị trên thực tế".
Tờ Độc lập cáo buộc trong bất cứ trường hợp nào, những hành động đơn phương như thế của Quốc hội Mỹ cho thấy Mỹ mà đại diện là cơ quan lập pháp đang vi phạm luật pháp quốc tế. Những hành động như vậy sẽ làm giảm uy tín cơ quan lập pháp Mỹ và vị thế lãnh đạo của nước Mỹ. Với vị thế lãnh đạo cộng đồng quốc tế mà Mỹ cố tình thực thi chính sách vi phạm hiệp ước, thì điều đó cho thấy Mỹ “không xứng đáng" với vai trò này.
Nhận định về phản ứng của Nga, nhà phân tích quân sự Vladimir Evseev không cho rằng phía Moscow sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa rời rạc và thiếu chín chắn.
Nga có nhiều lựa chọn để đáp trả mối đe dọa tên lửa của Mỹ |
Theo ông, Nga có nhiều phương án để đáp trả những hành động của Mỹ. Điều quan trọng với Nga không phải là những gì Mỹ nói, mà là những gì Mỹ đang làm. Đặc biệt, điều này đang trở nên quan trọng dưới thời Tổng thống Donald Trump, khi Tổng thống nói một đằng, Ngoại trưởng nói một nẻo, người đứng đầu Lầu Năm Góc lại có ý kiến khác.
Theo đó, Nga cần phải phán xét theo hành động. Khi biết được Mỹ chế tạo loại tên lửa như thế, Nga sẽ tiến hành các biện pháp loại bỏ mối đe dọa này bằng những hành động tương thích.
Theo chuyên gia Nga, một khi Mỹ tìm cách triển khai các tên lửa trên lục địa châu Âu, Nga sẽ tìm được khả năng tiêu diệt các vị trí triển khai loại tên lửa này. Cảnh báo được chuyên gia này đưa ra là các nước châu Âu muốn triển khai tên lửa Mỹ trên lãnh thổ của mình cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng.