Nga - Trung tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ sau khi Nhà Trắng công bố cuộc gặp đầu tiên giữa Joe Biden và Vladimir Putin sẽ diễn ra vào tháng tới.
Cuộc gặp tại Geneva ngày 16/6 được nhiều người coi là cành ô liu Biden chìa ra với Putin, một số nhà quan sát cho rằng đây có thể là nỗ lực của Washington nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh.
Tổng thống Putin tại Moskva ngày 9/5. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc điện đàm hôm 25/5 với phụ tá ngoại giao hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Dương Khiết Trì, Putin nói rằng quan hệ giữa hai nước "đang ở mức tốt đẹp nhất trong lịch sử" và nhấn mạnh điều cần thiết là hai lãnh đạo duy trì liên lạc chặt chẽ, theo Xinhua.
Putin cũng đưa ra bình luận tương tự cách đây một tuần khi ông và ông Tập khởi động dự án xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân mới ở Trung Quốc bằng công nghệ Nga. Tổng thống Nga cũng cam kết làm việc với Trung Quốc để duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu và bảo vệ chủ nghĩa đa phương.
Trong cuộc điện đàm với Putin, ông Dương Khiết Trì, người đang thăm Moskva để đàm phán chiến lược và an ninh, tái khẳng định cam kết của Trung Quốc trong việc tăng cường quan hệ. Họ cũng đề cập đến "một số vấn đề toàn cầu cấp bách".
Trong chuyến thăm, ông Dương hôm 25/5 đồng chủ trì các cuộc tham vấn an ninh chiến lược song phương thường niên, cơ chế đối thoại được thiết lập vào năm 2005, cùng với Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev.
Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh và Moskva đang xích lại gần nhau hơn khi đối mặt với áp lực gia tăng từ phương Tây. Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, cho rằng cuộc gặp Biden - Putin sắp tới tại Geneva cho thấy Washington đang cố gắng xoa dịu căng thẳng với Moskva.
"Chính quyền Biden đã làm dịu lập trường và cố gắng ổn định quan hệ với Nga kể từ khi họ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moskva vào tháng 4. Rõ ràng là Washington sẽ tập trung hơn vào Trung Quốc", ông nói.
Vladimir Portyakov, Phó Giám đốc Viện Các vấn đề Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cũng mô tả thượng đỉnh Biden - Putin là nỗ lực để "làm chậm đà mối quan hệ Nga - Trung và nếu thành công thì sẽ kéo Nga và Trung Quốc xa rời nhau".
Artyom Lukin, phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông Nga, nhận định rằng cả Trung Quốc và Nga đều cần nhau. Trong khi Moskva ngày càng dựa vào Bắc Kinh về mặt kinh tế sau khủng hoảng Covid-19, Bắc Kinh phụ thuộc vào Nga về công nghệ quân sự cao cấp.
Lukin đánh giá thượng đỉnh Geneva có khả năng khiến quan hệ Mỹ - Nga cải thiện trong ngắn hạn, nhưng những căng thẳng và bất đồng sâu sắc khiến việc nối lại tình hữu nghị khó có thể xảy ra.
Phương Vũ (Theo SCMP)
G7 đồng loạt chỉ trích Nga - Trung nhưng ít hành động ngăn chặn |
Cáo buộc Mỹ hành xử ‘phá hoại’, Nga - Trung kêu gọi họp thượng đỉnh |