Nếu người lao động ngày nào cũng làm 8,9 giờ thì có đảm bảo hạnh phúc?

Về nâng khung giờ làm thêm, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chúng ta nên có lộ trình chuyển thời gian làm việc từ 48h xuống 40h trong vòng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44h, sau đó đến năm 2030 quy định mọi lao động chỉ làm 5 ngày/tuần.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích, kết quả nghiên cứu, khảo sát tại nhiều quốc gia cho thấy, nếu người lao động làm từ 40 giờ/tuần trở lên thì năng suất sẽ không tăng.

Ở nước ta, từ năm 1960, tại miền Bắc, công chức làm 8 tiếng 6 ngày/tuần. Đến năm 1999 chuyển sang làm 5 ngày/tuần. Hiện ở Việt Nam hiện có 2 nhóm người: Người làm trong cơ quan nhà nước làm 5 ngày/tuần, người làm trong doanh nghiệp là 6 ngày/tuần (48 giờ).

Cũng theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, trên thế giới, từ năm 2000 đến nay có xu hướng giảm dần giờ làm việc.

 

Đại biểu Quốc hội - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu thảo luận

"Trong 36/38 nước thuộc tổ chức Kinh tế thế giới chỉ có 2 nước người lao động làm việc trên 40 giờ/ tuần là Mehico và Hàn Quốc, những quốc gia còn lại thời gian làm việc đều dưới 40 giờ. Tại Đức, người lao động làm việc 5 ngày, 26h/tuần song vẫn có năng suất lao động cao nhất thế giới" - Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu ví dụ.

Qua phân tích trên, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chúng ta nên có lộ trình chuyển thời gian làm việc từ 48h xuống 40h trong vòng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44h, sau đó đến năm 2030 quy định mọi lao động chỉ làm 5 ngày/tuần.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cần phải làm rõ: Người lao động làm thêm giờ làm gì? Về ngắn hạn, khi làm thêm giờ, chủ sử dụng lao động có thêm lợi nhuận, người lao động có thêm thu nhập, nhưng hậu quả trước mắt là sức khỏe giảm sút, năng suất không tăng.

"Cuốn sách "Người Việt Nam muốn gì" cho thấy, về kinh tế, trên 95,4 % người được hỏi mong muốn có gia đình hòa thuận, 73% mong muốn con cháu ngoan và tiến bộ. Ngoài ra, họ còn mong muốn có thu nhập, có việc làm, có nhà, nhưng mong muốn về gia đình là lớn nhất. Nếu người lao động làm thêm 300 giờ/năm, nghĩa là mỗi tuần họ làm thêm 6 giờ, mỗi ngày thêm 1 giờ (làm từ 9-10 giờ/ngày). Việc phải làm việc nhiều giờ liên tục quanh năm như vậy sẽ khiến người lao động khó có thể đảm bảo hạnh phúc gia đình. Thế giới đã bỏ quy định này cách đây 133 năm" - Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, tuy nói người lao động tự nguyện làm thêm giờ nhưng điều này không thực tế, chỉ là nhu cầu của 1 bộ phận. "Một xưởng may nếu 1 nửa công nhân nghỉ, 1 nửa số công nhân đồng ý làm thêm sẽ không làm ra được chiếc áo hoàn thiện. Để tăng năng suất lao động phải đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị mới. Việc tăng giờ làm sẽ làm giảm năng suất. Mục tiêu của chúng ta là tăng năng suất lao động, tăng cường đổi mới công nghệ, giảm giờ làm.

Không đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) tán thành với việc nâng khung thỏa thuận làm thêm giờ theo đề xuất của Chính phủ, song theo vị Đại biểu này, tăng giờ làm thêm chỉ được áp dụng đối với 1 số ngành nghề. Bên cạnh đó, mở rộng khung làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động, tiền lương tính lũy tiến.

"Đề nghị Chính phủ có quy định đảm bảo tốt công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lạm dụng việc làm thêm giờ, đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu để hướng tới tăng lương giảm giờ làm khi nền kinh tế phát triển hơn" - Đại biểu Đào Tú Hoa nhấn mạnh.

Ai cũng cần được nghỉ ngơi
Nghèo không nên nghỉ nhiều
Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất nghỉ thêm 3 ngày trong năm
/ anninhthudo.vn