Nếu không muốn khen thưởng... mất giá

TS Nguyễn Văn Hoà - cố vấn của Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) - nhấn mạnh, nếu không muốn khen thưởng “mất giá”… thì cần đánh giá đúng năng lực thực sự và hiệu quả công việc chứ không phải dựa trên thành tích thi cử, điểm số.

Thưa TS Nguyễn Văn Hoà, việc nhiều học sinh nhận được giấy khen ở từng khía cạnh đang là chủ đề được quan tâm. Thậm chí, nhiều người bày tỏ quan điểm phản đối cho rằng, đó là “lạm phát khen”. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Phải khẳng định chắc chắn một điều, khen thưởng không có gì là không tốt cả, đặc biệt đối với trẻ em. Người lớn không nên “hà tiện” lời khen với trẻ. Qua kinh nghiệm dạy học nhiều năm, tôi cho rằng, một đứa trẻ khó có thể giỏi được toàn diện. Theo quan điểm thông minh đa trí tuệ, mỗi đứa trẻ chỉ có thể giỏi được một mặt, một lĩnh vực thôi. Người lớn không nên coi thường bất cứ một lĩnh vực nào bởi đó mới là hoạt động thực tế của xã hội, của sự phát triển con người.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang đề cao thành tích ở các môn văn hoá, là chưa toàn diện. Môn nào cuộc sống cần thì đều là chính chứ không chỉ Toán, Văn.

Chúng ta cần khích lệ các em, đánh giá theo đúng năng lực. Học sinh giỏi mặt nào khen cái đó, điều quan trọng là khen sự tiến bộ của các em so với chính bản thân em ấy từng có. Khẳng định từng bước, khẳng định từng sự tiến bộ của học trò, khen ngợi ấy đôi khi là sự truyền lửa, truyền cảm hứng. Chỉ cần một lời khen giúp trẻ con thêm tự tin, thêm sức mạnh để vượt lên, phấn đấu tiến bộ.

Quan niệm khen dường như đã có nhiều thay đổi theo hướng quan tâm tới từng trẻ và từng sự tiến bộ, cố gắng vượt qua chính bản thân mình. Vậy nhưng tại sao lại có sự phản ứng từ xã hội như vậy, thưa ông?

- Có sự phản đối như vậy theo tôi là do xưa nay chúng ta luôn nhìn dưới góc độ phải thật là giỏi, phải giỏi các môn chính khoá mới được khen. Quan niệm này đã duy trì vài chục năm nay và không còn phù hợp trong nền giáo dục hiện đại.

Tôi rất ủng hộ việc phải khích lệ học sinh ở từng khía cạnh khác nhau mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang thực hiện tốt ở bậc tiểu học, cần phát huy và tiếp tục triển khai ở các bậc học khác.

Giấy khen đôi khi chỉ là chứng chỉ, khẳng định của thầy cô với sự tiến bộ của mỗi học trò và khi học sinh đạt được đỉnh nhất định nào đó thì tặng giấy khen, tôi cho đó là điều cần thiết. Chúng ta không nên sợ khen thưởng nhiều. Chỉ sợ khi người lớn tâng bốc, làm cho học sinh không xác định được năng lực thực của mình ở đâu thì lúc đó mới là lạm phát.

Thực tế có hiện tượng nhiều trường học khen không đúng thực lực của trẻ dẫn đến những lo ngại về lãng phí khen, làm mất dần giá trị của sự khen thưởng. Ông có thể đưa ra một vài kiến nghị để hạn chế tình trạng này?

- Lâu nay, bệnh thành tích thể hiện ở chỗ người lớn tìm mọi cách để có thành tích và để được khen thưởng nên đôi khi điều đó không thực, mang tính chất giả tạo, là cuộc tranh đua không công bằng. Đây chính là mặt hạn chế của khen thưởng. Điều này dẫn đến hiện tượng “lạm phát” giấy khen, lãng phí khen.

Điều quan trọng nhất để hạn chế tình trạng này chính là bản lĩnh, quan điểm, mục tiêu giáo dục của những người đứng đầu.

Mặt khác, chúng ta đổi mới đánh giá học sinh nhưng chưa thực sự đổi mới việc đánh giá nhà trường, hiệu trưởng, giáo viên nên còn chưa đồng bộ. Bây giờ phải đánh giá thực chất, không phải đánh giá qua thi giáo viên dạy giỏi, thành tích học sinh giỏi hay qua dự giờ, xếp loại, chấm điểm mà phải qua hiệu quả thực sự.

- Xin cảm ơn ông!

HUYÊN NGUYỄN

Hiệu trưởng không đạt Chiến sĩ thi đua Hiệu trưởng không đạt Chiến sĩ thi đua "diễn kịch" nhận danh hiệu, bệnh thành tích đã "di căn"?
Xin đừng bắt thầy cô đăng ký chỉ tiêu! Xin đừng bắt thầy cô đăng ký chỉ tiêu!
Lớp 42/43 học sinh giỏi: Phủ nhận bệnh thành tích Lớp 42/43 học sinh giỏi: Phủ nhận bệnh thành tích
/ laodong.vn