- Nga liên lạc loạt nước NATO, cảnh báo nguy cơ "bom bẩn" ở Ukraine
- NATO cảnh báo cuộc chiến tại Ukraine có thể kéo dài thêm nhiều năm
Quan chức NATO cảnh báo không đánh giá thấp năng lực quân sự của Nga dù Moscow đang huy động lượng lớn binh sĩ và khí tài tới chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Politico ngày 3/7 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Rob Bauer cho biết, dù Nga triển khai phần lớn lực lượng trên bộ tới tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng khả năng tác chiến của Nga vẫn rất đáng gờm nên NATO cần cẩn trọng trong việc xây dựng kế hoạch quân sự mới.
"Các kế hoạch quân sự của NATO cần xây dựng dựa trên tình trạng của quân đội Nga trước khi họ mở chiến dịch Ukraine chứ không phải tình hình hiện nay", ông Bauer nói. "Chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp người Nga và khả năng phục hồi của họ, như họ đã thể hiện trong lịch sử vài lần".
Theo ông Bauer, Nga sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm từ tình hình chiến sự Ukraine. Quan chức NATO cũng đánh giá Nga còn "rất, rất có năng lực" trong hoạt động tác chiến trên biển, trên không, trong không gian, bên cạnh năng lực hạt nhân.
Phát biểu của quan chức NATO được đưa ra trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của khối quân sự tại Vilnius (Litva), nơi lãnh đạo các nước thành viên kí kết các kế hoạch quân sự được mô tả là mang tính lịch sử, trong bối cảnh chiến sự Ukraine vẫn diễn ra ác liệt.
Khi được hỏi về cuộc phản công của Ukraine, ông Bauer nhận định Kiev đang có lợi thế nhờ vũ khí phương Tây, binh sĩ được huấn luyện tốt và tinh thần chiến đấu cao. "Tuy nhiên, vượt qua những phòng tuyến của Nga không phải điều dễ dàng", quan chức NATO nói.
Ukraine chỉ có thể nhận F-16 sau phản công
Sputnik hôm nay (4/7) dẫn lời ông Bauer cho hay, việc huấn luyện phi công Ukraine cũng như chuẩn bị hậu cần và đào tạo các kĩ thuật viên vận hành tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất sẽ "không thể được thu xếp trước khi cuộc phản công kết thúc".
"Cuộc thảo luận về cung cấp tiêm kích cho Ukraine rất quan trọng, nhưng vấn đề này sẽ không thể giải quyết trong ngắn hạn để phục vụ chiến dịch phản công hiện nay", ông Bauer nói thêm.
Ukraine nhiều tháng qua đề nghị phương Tây cung cấp tiêm kích F-16 phục vụ nỗ lực phản công. Kiev thừa hưởng lượng đáng kể máy bay quân sự sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng chúng hoặc đã bị hư hỏng, hoặc bị Nga bắn hạ trong 16 tháng giao tranh.
Giữa tháng 6/2023, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận các phi công của Ukraine đang được huấn luyện điều khiển tiêm kích F-16. Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào xác nhận sẽ chuyển giao tiêm kích F-16 của họ cho Kiev.
Tờ WashingtonPost đánh giá, phi công Ukraine sẽ mất rất nhiều thời gian học điều khiển F-16, bởi họ trước đây thường chỉ tiếp xúc với những chiếc chiến đấu cơ do Liên Xô sản xuất. Ngoài ra, Ukraine cũng chưa có đường băng phù hợp cho F-16.