“Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” từng mầm sống nhỏ bé mà quý giá vô hạn, để rồi, dù đó là đứa trẻ thứ 100 và nhiều lần hơn nữa thì họ cũng vẫn khóc khi hay tin 1 sinh linh nhỏ bé đang dần thành hình. Đó là công việc của những y, bác sĩ ở khoa Hiếm muộn - bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, một trong những trung tâm thực hiện thành công thụ tinh trong ống nghiệm nhiều năm qua, nơi đồng hành cùng hàng trăm ông bố, bà mẹ trên hành trình tìm kiếm những đứa con thân yêu.
Hình ảnh bác sĩ Trần Đình Vinh - Giám đốc bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng đón đứa trẻ đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Đà Nẵng khiến ai cũng xúc động khi nhớ lại.
Gom nỗ lực tạc hình hài “con”
Chẳng có tiếng khóc trẻ nhỏ, tiếng chuyện trò của những bà mẹ sắp đến ngày sinh hay hình ảnh những ông bố đứng ngồi không yên ở phòng chờ như những khoa, phòng khác, từ hành lang đến phòng khám của khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng là sự lặng lẽ. Đan xen ở đó là nỗi mong đợi, khát khao cháy bỏng mà ai cũng sợ nếu lớn tiếng, bước mạnh chân sẽ đánh rơi 1 cơ hội.
“Tìm con là hành trình mà không ai có thể biết và nói trước được đâu là điểm kết thúc cũng như mọi điều sẽ diễn ra. Hành trình đó có thể là 1 tháng nhưng cũng có thể là 10 năm hoặc hơn thế nữa. Và để có được 1 đứa trẻ chào đời là 1 sự nỗ lực được tính bằng giây phút” - bác sĩ Nguyễn Thị Phương Lê - Trưởng Khoa Hiếm muộn - chia sẻ.
Nói như vậy là bởi, theo bác sĩ Lê, điều trị hiếm muộn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ tâm sinh lý, tuổi tác, thời điểm đi khám và điều trị của các cặp vợ chồng. Riêng với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm - “điểm neo đậu cuối cùng” với các ông bố, bà mẹ bị hiếm muộn là công việc hết sức quan trọng mà từ chuyên viên đến các bác sỹ phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. “Để có mầm sống tốt, không chỉ cần trứng và tinh trùng phải tốt và kỹ thuật nuôi cấy phôi cũng phải song hành. Môi trường nuôi phôi gần như tối om, ánh sáng chỉ đủ để làm việc, nhiệt độ không được dưới 37 độ, rồi độ ẩm, nồng độ oxy,.... được theo dõi sát sao. Tất cả phải tạo nên môi trường giống như cơ thể người mẹ” - bác sỹ Lê cho hay.
Và từ lúc nuôi phôi đến khi đưa vào cơ thể mẹ, trải qua hàng trăm thao tác, mỗi kỹ thuật viên, bác sỹ muốn làm được phải “luyện” qua nhiều năm. “Đến việc cầm chiếc đĩa chứa phôi cũng phải tập. Đi sao nhẹ nhàng nhưng phải làm nhanh để phôi không ở môi trường bên ngoài quá lâu. Mà vấp một cái là mất cả trăm triệu của bệnh nhân. Rồi thao tác làm phải cực kỳ chính xác để tỷ lệ thành công cao nhất” - bác sỹ Lê kể.
Tính toán kỹ lưỡng, thận trọng là vậy, nhưng không phải kết quả nào cũng được như mong muốn. Dấn thân vào nghề, các bác sỹ luôn tự nhắc: “Khi còn có hy vọng, dù là rất nhỏ, nếu gia đình đồng thuận, chúng tôi vẫn sẽ ở bên đồng hành”. Sau hơn 3 năm, đến nay đã có 370 trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, gần 100 bà mẹ đang mang thai chờ ngày sinh.
Và dù đã nhận tin hàng trăm lần nhưng mỗi khi 1 bà mẹ báo đã mang thai thì niềm hạnh phúc với các y bác sĩ như vẫn vẹn nguyên. “Ca nào cũng như ca đầu tiên, đứa trẻ nào ra đời cũng như thành quả đầu tiên vậy. Có những ca khó lắm, khó đến nỗi cả người nhà và bác sỹ đều bật khóc khi hay tin “con” đã đến cuộc đời. Đó là điều vượt ngoài sự mong đợi, ngoài mọi dự tính”.
Nhìn bác sĩ Lê kìm nén cảm xúc khi kể lại những câu chuyện, tôi hiểu, điều vượt xa hơn mọi dự tính mà họ đang nhắc hẳn là 1 tình yêu thương. Nó phải lớn đến nỗi khiến họ vẫn xúc động khi nhắc đến. Sự nỗ lực được tính bằng mỗi bước chân, từng thao tác, từng hơi thở của các y, bác sĩ cùng với khát vọng, sự bền bỉ vượt qua những nhọc nhằn của người cha mẹ, tất cả tạc nên hình hài những đứa con thân yêu.
Muốn được khóc hạnh phúc nhiều lần hơn nữa
Tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm tại khoa Hiếm muộn của bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng đạt 35 - 45%. Đây là 1 tỷ lệ khá cao trên mặt bằng chung của cả nước. Vậy nhưng, với những cặp vợ chồng, tỷ lệ này lại có thể được hiểu rằng, thất bại luôn chiếm ưu thế trong mỗi ca thực hiện. Nói vậy để thấy, nỗi vất vả của nghề với những y, bác sỹ khoa Hiếm muộn không chỉ ở kỹ thuật, chuyên môn mà còn là áp lực rất lớn từ người bệnh. Không ít lần, họ phải nghe những lời nặng nhẹ, sự đòi hỏi, thậm chí là truy cứu trách nhiệm của người bệnh khi ca thụ tinh không thành. “Chúng tôi hiểu họ đã kỳ vọng rất nhiều nhưng không được như ý muốn. Chúng tôi rõ hơn ai hết khao khát được làm cha mẹ nhưng như đã nói, hành trình tìm con không có đích, vậy nên sự nỗ lực phải tích góp mỗi ngày” - bác sĩ Lê tâm sự.
May mắn hơn, bên cạnh đó, cũng có những gia đình rất hiểu, hợp tác với bác sỹ. Đến nỗi, sự mong mỏi của những người cha mẹ lây sang cả bác sỹ. Có những ngày khám, thấy bệnh nhân vừa lên là ai cũng hồi hộp, bởi không biết được nghe tin vui hay buồn đây, liệu lần này có thành công không! Đến lúc nhận tin “Em xét nghiệm dương tính (mang thai) rồi bác sĩ ơi” thì tất cả vỡ oà.
Hành trình tìm con dài lắm và những câu chuyện về từng trường hợp bệnh với bác sĩ Lê dường như cũng chẳng có điểm dừng nào. Đó là 1 người mẹ bị đa nhân xơ, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đến 3, 4 lần mới mang thai. Từ khi thai được 3 tháng đến nay, người mẹ đã phải nghỉ làm, tự nguyện xin nằm viện để dưỡng thai, đợi ngày con ra đời trong sự hồi hộp của cả khoa. Rồi chỉ vừa mới đây, 1 người vợ bị mù cùng người chồng làm nghề bán chổi đến khám. Vậy nhưng ngay buổi đầu tiên, khi đề cập kinh phí tầm soát, họ đã không thể thực hiện được. Người vợ rất tha thiết, xin “có mấy cũng làm” nhưng người chồng lại từ chối và ra về.
“Kỷ lục” nhất mà bệnh viện trong những năm qua là tiếp nhận trường hợp 1 cặp vợ chồng từng làm thụ tinh ống nghiệm 7 lần. 12 năm, họ lặn lội vào Sài Gòn rồi về lại và hành trình ấy vẫn chưa kết thúc. “Vậy để thấy mong mỏi có con của các gia đình lớn đến chừng nào. Có những ca, họ phải đi vay tiền để có con nhưng không thành công, có những gia đình chia tay vì con cái. Cũng có những đôi vợ chồng dành cả cuộc đời để tìm con. Càng gặp, càng thấy, chúng tôi càng mong có nhiều lần được khóc cùng người bệnh khi đón thêm những thành viên mới. Biết là nặng gánh hơn đó nhưng mà hạnh phúc thì chẳng biết nói sao cho đủ” - nói về hạnh phúc có, vất vả có, nhưng sao trong chia sẻ của bác sĩ Lê, tôi nhận thấy 1 hành trình dài vô hạn. Ở đó có sự mong chờ của hàng trăm người cha mẹ với 1 ê kíp y, bác sĩ chỉ vỏn vẹn chưa đầy 20 con người.
Được biết, chi phí y tế cho mỗi ca thụ tinh ống nghiệm của các trung tâm tại Việt Nam có mức thấp hơn ở nước ngoài từ 10 đến 50 lần. Ngoài các yếu tố về giá thuốc, máy móc thì một phần những khoản chi được cắt giảm ấy chính là công sức của các y, bác sĩ. Hiểu rõ hơn ai hết những điều đó, bác sĩ Trần Đình Vinh - Giám đốc bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng - cho hay, các cặp vợ chồng bị hiếm muộn ở miền Trung và riêng Đà Nẵng trước đây muốn thực hiện giấc mơ có con phải vào TPHCM, ra Hà Nội, thậm chí ra nước ngoài. Không chỉ tốn kém chi phí y tế, việc gác lại công việc khiến cuộc sống của họ bị xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình điều trị rất nhiều.
Qua 1 quá trình chuẩn bị rất dài hơi về cơ sở vật chất, con người, đến nay, Đà Nẵng đã có thêm địa chỉ để các gia đình hiếm muộn tìm kiếm cơ hội để chữa trị. Là một trong những người trực tiếp đón đứa trẻ đầu tiên được hỗ trợ sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ Vinh tâm sự: “Đã làm nghề thì phải đi tận cùng đến mọi vấn đề, đạt được những đỉnh cao trong nghề nhưng hơn hết, trong cuộc đời đỡ đẻ, điều làm cho 1 bác sĩ sản hạnh phúc nhất khi bế đứa trẻ từ bụng mẹ, lau miệng, lau mũi cho các em. Cảm xúc ấy như đã thấm vào máu, hàng trăm ca vẫn hạnh phúc.
Tương lai bệnh viện đang còn hướng đến những kỹ thuật mới trong điều trị hiếm muộn như chuẩn đoán trước làm tổ để làm sao phôi thai được khoẻ mạnh. Những điều này đòi hỏi những điều kiện về cơ sở và pháp lý kèm theo. Công việc sẽ rất nhiều, gánh nặng ấy đặt lên vai bác sĩ cũng nhiều nhưng như đã nói, hạnh phúc của nghề cũng không biết bao nhiêu là kể”.
Bác sĩ nêu lợi ích kê đơn thuốc có số chứng minh nhân dân của bố hoặc mẹ
Từ ngày 1.3, quy định về đơn thuốc trong điều trị ngoại trú với trẻ dưới 72 tháng tuổi phải có số chứng minh nhân ... |
Bác sĩ Mỹ và Việt Nam phối hợp tiến hành ca mổ khó
Dù ca mổ khó và tương đối phức tạp, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng chỉ tốn gian ngắn, hạn chế chảy máu, ... |