Nâng khống ở Bệnh viện Bạch Mai: 300%, 4 lần, rồi còn bao nhiêu nữa?

Thuốc là loại hàng hoá “không mặc cả”. Y tế là loại dịch vụ “tiền đâu, ký đi, không nói nhiều”. Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ đang chứng mình một thực tế: Bệnh nhân, ngay cả thập tử nhất sinh - cũng đang bị “làm thịt” không thương tiếc.

Hãy để ý đến tội danh mà Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vừa khởi tố: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sự vụ đơn giản: Công ty thiết bị y tế BMS và Bệnh viện Bạch Mai hợp tác khai thác robot phẫu thuật. BMS cung cấp robot, Bạch Mai sử dụng điều trị cho bệnh nhân. Chi phí phẫu thuật, từ khoản chi trả của bệnh nhân, được thoả thuận ăn chia 50:50.

Từ tháng 3.2017, Bệnh viện Bạch Mai sử dụng robot phẫu thuật khớp, não, cột sống cho bệnh nhân.

Một công bố từ chính Bệnh viện Bạch Mai vào tháng 6.2018 cho biết: Chỉ trong năm đầu tiên thực hiện liên kết, đã có khoảng 500 bệnh nhân phẫu thuật dùng robot.

Xã hội hoá y tế với việc tư nhân, doanh nghiệp mua sắm thiết bị, đặt máy, “ăn chia” với các bệnh viện thật ra không mới, cũng chẳng sai.

Cái sai, chỉ là vì tham và ác quá thôi.

Bởi chẳng hạn, một robot Rosa có giá chỉ 7,6 tỉ đồng (cả chi phí chuyển giao cũng chưa tới 10 tỉ), nhưng lại được BMS kê khống lên đến 39 tỉ khi đưa vào Bệnh viện.

Tham, vì một thiết bị đã đội giá gấp tới 4 lần.

Còn ác, là vì mọi chi phí đều đổ lên đầu bệnh nhân. Những người phải phẫu thuật cột sống, phẫu thuật não- đứng giữa lằn ranh sống chết, đứng trước nguy cơ khánh kiệt - cả gia đình.

Sau vụ CDC Hà Nội, với việc nâng giá hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 từ 2,3 lên 7 tỉ đồng, dư luận choáng váng trước tỉ lệ khống 300%.

Nhưng rồi thì đến con robot phẫu thuật khống giá gấp 4 lần... đang cho thấy không có giới hạn cuối cùng của lòng tham và sự độc ác.

Việc khởi tố vụ án, “nhập kho” kẻ ác hôm nay sẽ thật sự giúp ích được cho những bệnh nhân khỏi lâm cảnh khánh kiệt, tán gia bại sản nếu như sau đó, chỉ rõ được những lỗ hổng, đặt ra vấn đề kiểm soát và cả việc chịu trách nhiệm trong xã hội hoá y tế.

Chứ một công ty, bắt tay với một đơn vị thẩm định, để bóp hầu, bóp họng bệnh nhân mà vẫn tồn tại suốt bao năm qua, thì đó mới là điều khủng khiếp.

Khủng khiếp, còn ở chỗ bệnh nhân thì không có quyền mặc cả. Ở chỗ, không biết còn nơi nào khống. Không biết khống, nâng giá đến bao nhiêu nữa.

Bệnh viện Bạch Mai nói gì về ca nhiễm mới COVID-19? Bệnh viện Bạch Mai nói gì về ca nhiễm mới COVID-19?
Nữ quái giả bác sĩ bệnh viện Bạch Mai chiếm đoạt trăm triệu đồng Nữ quái giả bác sĩ bệnh viện Bạch Mai chiếm đoạt trăm triệu đồng
Năm 2021 sẽ kê đơn thuốc điện tử, hết cảnh bán thuốc tràn lan Năm 2021 sẽ kê đơn thuốc điện tử, hết cảnh bán thuốc tràn lan

/ laodong.vn