Nhiều xe, ít hàng, không ít doanh nghiệp (DN) vận tải phải tự “phá giá” hoặc chấp nhận những điều khoản bất lợi trong hợp đồng chuyên chở hàng hoá để rồi “méo mặt” khi bị om hàng, hoặc gặp sự cố.
Xếp hàng chờ qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh KH |
Chia sẻ với Báo Lao Động ngày 21.11, anh T.Tuấn - chủ xe kiêm lái xe container chở thanh long xuất khẩu cho biết đã bị kẹt tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn gần 10 ngày do chủ hàng ở Lạng Sơn không chịu nhận hàng.
Anh Tuấn lý giải, do xe nhiều, hàng ít nên cứ có khách là nhà xe phải chạy và theo hợp đồng, nhà xe phải chịu hết các chi phí và chủ hàng đầu ra ở Lạng Sơn sẽ thanh toán cước phí khi bán được hàng. “Vì họ chưa bán được hàng nên chúng tôi cứ phải nằm đây chờ và gánh mọi chi phí phát sinh” - anh Tuấn than thở.
Theo chủ xe này, tổng chi phí vận chuyển từ Bình Thuận ra Lạng Sơn lên tới 55-57 triệu đồng trong đó riêng tiền làm dịch vụ tại 2 cửa khẩu, tiền bốc xếp hàng hoá cũng như bến bãi đã lên tới 11 triệu đồng. Ngoài tiền phí BOT vào khoảng 5 triệu đồng, các chủ xe còn phải “chung chi” cho các chốt CSGT dọc đường và mỗi ngày bị kẹt tại cửa khẩu, chi phí phát sinh lên tới 1 triệu đồng.
Dù không bị mắc kẹt nhưng anh N.Thuận một chủ xe chở nông sản đến Tân Thanh, Lạng Sơn thừa nhận do ít khách, các nhà xe buộc phải chấp nhận cước thấp và bị chủ hàng ép. Các nhà xe chỉ hoà vốn hay có lãi nếu kiếm được hàng chở lượt về.
“Thời cao trào vài năm trước, cước chuyển hàng từ Bình Thuận ra Lạng Sơn phải được 120 triệu đồng lượt đi mà chi phí của nhà xe lại thấp. Còn này chi phí đủ loại tăng lên trong khi cước lại giảm xuống. Nếu xe nằm lâu thì không được tính thêm cước trong khi hàng hư hỏng do chờ đợi thì lái xe bồi thường” - anh Thuận than thở.
Tại các cửa khẩu Tân Thanh, Na Hinh hay Hữu Nghị ở Lạng Sơn, lượng xe đến và nằm lại khá nhiều dù thủ tục thông quan được rút ngắn nhiều so với trước.
Tại cửa khẩu Na Hinh, lái xe lại gặp khó vì quy định chở hàng phía Trung Quốc. Một xe container 50 tấn thường phải mất 2-3 ngày mới bốc dỡ hết hàng vì phía Trung Quốc chỉ chấp nhận sang tải 4 tấn/xe dù là xe tải to hay nhỏ. Việc phải nằm lâu tại cửa khẩu khiến các DN vận tải khó càng thêm khó.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - thừa nhận nhiều DN vận tải hàng hoá đang gặp khó dù cước vận tải không thấp so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân khiến các DN gặp khó là do chi phí không chính thức khá cao lại khó thống kê và đẩy tổng chi phí tăng lên.
Bên cạnh đó, ông Hiệp nhận định trong vài năm trở lại đây nhiều DN thấy lợi nên ồ ạt đầu tư mua xe, đặc biệt là xe container đẩy lượng cầu lên cao trong khu cung bị san sẻ do đó cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Theo ông Hiệp, để không tự làm khó chính mình, các DN vận tải cần có sự liên kết để bảo vệ mức cước vận tải tránh tình trạng “phá giá”. Chủ tịch Hiệp hội này cho rằng các công ty phải có cam kết nhất định và đưa ra mức cước phù hợp, không làm quá mức thị trường đảm bảo lợi nhuận mà không phá giá.
Việc nhiều DN hiện nay gặp khó một phần là hệ quả của quá trình phát triển mà không tôn trọng quy luật thị trường, ồ ạt đầu tư không có chiến lược rồi lại phá giá để kiếm khách.
Lái xe Uber có phải là người làm công của Uber?
Một tháng sau khi chính quyền thành phố London cấm Uber hoạt động, tới lượt Australia có thể đưa ra lệnh cấm đối với mô ... |
Đề xuất chọn thiết kế lá cọ cho nhà ga sân bay Long Thành
Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải lựa chọn đơn vị tư vấn lập thiết kế ... |
PV Trans hoàn thành kế hoạch năm 2017 trước 2 tháng
10 tháng năm 2017, thị trường vận tải biển gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của ... |
(https://laodong.vn/kinh-te/nang-chi-phi-it-khach-doanh-nghiep-van-tai-gap-kho-577794.ldo)