Chỉ vì những tin nhắn do các tài khoản mạo danh trên mạng xã hội, nam sinh lớp 10 ở Bình Thuận bị sốc tâm lý.
Hàng xóm đến động viên gia đình em M. khi em đang suy sụp vì mắc tiếng oan. Ảnh: Người đưa tin
Liên quan đến vụ tố cô giáo ở Bình Thuận vào nhà nghỉ với nam sinh lớp 10, gia đình học sinh T.C.M đang phải “kêu cứu” vì tai bay vạ gió đổ ập xuống đầu con trai họ.
Bởi vì em M. hoàn toàn không có liên quan gì đến vụ việc này, thế nhưng qua những gì tô vẽ trên mạng xã hội, em trở thành nhân vật chính trong câu chuyện, bị ném đá nặng nề.
Tất cả chỉ vì M. có một bức ảnh chụp chung với cô giáo H. trên trang cá nhân của cô, và một số người có dã tâm “câu like” đã lập tài khoản giả mạo của em M., dùng tin nhắn để phao tin đồn nhảm, dựng nên những câu chuyện bậy bạ mà trong đó, em M trở thành nhân vật chính.
Bản thân M. và gia đình em hiện đang hết sức khổ sở vì những thông tin bịa đặt này. Phóng viên báo Người đưa tin đã tìm về tận nhà em để tìm hiểu vụ việc cho biết chỉ sau vài ngày khi vụ việc bị phát tán, em M. đã tiều tụy hẳn đi, em đã bỏ ăn, không muốn đi học.
Thậm chí, M. còn bị các bạn học sinh cùng khóa lớp 10 và các khóa trên dùng những từ ngữ miệt thị làm em bị sốc tâm lý nặng.
Mẹ của M. đi chợ thì bị mọi người chỉ trỏ bàn tán, mẹ của em cũng đang tuyệt vọng khi thấy con mình tự dưng bị dính vào câu chuyện này. Một người hàng xóm bức xúc nói:
“Tôi ở gần nhà M. từ lúc em ấy còn nhỏ xíu cho tới bây giờ, em là một đứa trẻ ngoan và học rất giỏi.
Cư dân mạng chưa hiểu ngọn ngành câu chuyện đã đi bêu rếu em trên các trang mạng là xúc phạm danh dự của em, đã làm tổn thương tâm lý cho em cũng như gia đình em".
Đó là một câu chuyện khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều trong thời đại mạng xã hội phát triển như ngày hôm nay.
Mỗi người dùng mạng xã hội là một kênh thông tin, những người dùng mạng xã hội có bệnh dễ tin nhau, dễ like (thích) và share (chia sẻ) những thông tin gây sốc trên mạng vì tính hiếu kỳ.
Nhưng những thông tin ấy không hề được kiểm chứng, cũng không ai nghĩ đến việc phải kiểm chứng, và cứ thế, có những người bị oan khuất vì những thông tin này mà không có cách nào “gột rửa”.
Hội chứng được nói vui là “tay nhanh hơn não” này, khá nhiều người dùng mạng xã hội đang mắc phải. Mỗi người ném đi một hòn đá trên mạng, không cần biết hậu quả thế nào, nhưng với gia đình những nạn nhân của trò “ném đá” trên mạng như gia đình em M., họ đang thực sự rơi vào bi kịch.
Hãy nghĩ đến những nạn nhân nhỏ tuổi như em M., đang ở tuổi vị thành niên, trước cú sốc tâm lý này, ai có thể biết được em sẽ có những hành động dại dột nào. Và những người đã mạnh tay “ném đá” em trên mạng, có lẽ cũng chẳng cần biết đến tấn bi kịch khổ ải mà một nam sinh 16 tuổi đang phải gánh chịu, bởi trên mạng lại đang có những vụ việc mới hấp dẫn hơn khiến họ quan tâm.
Không gian ảo trên mạng là như vậy. Nhiều người cư xử rất bồng bột, dễ dàng đưa ra những lời xúc phạm người khác (không cần biết thông tin có chính xác hay không) vì nghĩ rằng đó chỉ là “mạng ảo”, chỉ là gõ phím mà thôi. Nhưng mặt trái của những đợt “ném đá” trên mạng này, là những di chứng tâm lý nặng nề cho nạn nhân nếu họ bị oan ức, như trường hợp của em M.
Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi like hay share những thông tin trên mạng xã hội, hãy nghĩ thật kỹ trước những “hòn đá” mà bạn định ném vào ai đó. Bởi rất có thể họ là một người đang chịu tiếng oan, họ vô tội, họ không thể xuất hiện trước mặt bạn để lên tiếng kêu oan cho mình, nhưng những “hòn đá” bạn ném đi, đã hoàn toàn có đủ mức sát thương để dẫn tới những hậu quả đau lòng.
Diễn biến mới vụ cô giáo bị chồng tố vào khách sạn với nam sinh lớp 10
Sáng nay (8-3), lãnh đạo Bình Thuận cho biết vừa nhận được báo cáo của hiệu trưởng trường THPT nơi công tác của cô giáo ... |
Bộ GD&ĐT nói gì về vụ cô giáo ở cùng phòng khách sạn với nam sinh?
Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT, cho biết công an đang vào cuộc xác minh vụ cô giáo ở cùng phòng với nam sinh ... |