Năm dự án giao thông sử dụng vốn ODA “khủng” trong cảnh tiến độ ì ạch

Dự án WB6 - Kênh nối Đáy - Ninh Cơ có thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2023 nhưng sản lượng thi công mới đạt khoảng 67%.

Thông tin về tình hình triển khai các dự án ODA giao thông, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, hiện tại, có 5 dự án vẫn chưa đáp ứng được tiến độ theo kế hoạch.

Đứng đầu danh sách là dự án WB6 - Kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Dù có thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2023 nhưng sản lượng thi công mới đạt khoảng 67% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 13% so với kế hoạch.

Lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã kiểm tra hiện trường và có nhiều văn bản yêu cầu Ban Đường thủy, tư vấn giám sát, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để bù lại tiến độ chậm, có giải pháp điều chuyển khối lượng, bổ sung, thay thế nhà thầu thi công nếu không đáp ứng tiến độ.

"Đối với dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, tính đến nay, 1/10 gói thầu (A5) cơ bản hoàn thành, 1 gói thầu (A7) đang thi công, sản lượng 66,96% chậm khoảng 10,31%, 3 gói thầu (A2-1, A2-2, A3) đang chuẩn bị các thủ tục để tiếp tục triển khai thi công, 4 gói thầu đang xử lý các thủ tục chấm dứt hợp đồng (A1, A4, J3, A6) dự kiến trong tháng 2/2023. Sản lượng cả dự án ước đạt 80,04%, không có chuyển biến.

Năm dự án giao thông sử dụng vốn ODA “khủng” trong cảnh tiến độ ì ạch ảnh 1

Phối cảnh dự án kênh Đáy- Ninh Cơ sử dụng vốn WB

Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Dự kiến, hồ sơ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư sẽ được hoàn thiện, trình Chính phủ vào cuối tháng 2/2023 sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo thẩm định", Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.

Trong nhóm các dự án ODA đang triển khai, 2 dự án do Ban QLDA 2 phụ trách cũng chưa đáp ứng về tiến độ.

Cụ thể, dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (kế hoạch hoàn thành tháng 5/2024), công tác GPMB mới cơ bản hoàn thành 2/4 gói thầu (gói thầu XL01 và XL02).

 Đối với cầu Bến Mới-XL04 (phía Ninh Bình) công tác GPMB rất chậm; cầu Đa Phúc-XL03 chưa có mặt bằng thi công do TP Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên triển khai chậm.

Bộ GTVT đã có nhiều văn bản gửi các địa phương, song, tiến độ bàn giao mặt bằng không có nhiều chuyển biến, tiến độ triển khai dự án chậm kéo dài.

Trong khi đó, tại dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, công tác bàn giao mặt bằng dù cơ bản hoàn thành nhưng sản lượng thực hiện mới đạt 35% giá trị hợp đồng, chậm 1,6% so với kế hoạch.

Bên cạnh các dự án đường bộ, tiến độ triển khai dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét trên tuyến đường sắt Hà Nội-TP.HCM cũng chưa đáp ứng kế hoạch.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tại dự án này, Cục đang thẩm định thiết kế kỹ thuật 1/2 gói thầu, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/2/2023; 1 gói thầu còn lại tiến độ triển khai bị chậm do phải giải quyết các thủ tục liên quan đến nhà tài trợ, dự kiến trình thẩm định trong tháng 3/2023.

https://www.anninhthudo.vn/nam-du-an-giao-thong-su-dung-von-oda-khung-trong-canh-tien-do-i-ach-post529958.antd

Ngân Tuyền / anninhthudo.vn