Năm dấu hiệu cho thấy bố mẹ đang tạo áp lực lên trẻ

Việc thường xuyên bị bố mẹ so sánh với những đứa trẻ khác sẽ khiến trẻ cảm thấy bị cạnh tranh và mang "bóng ma" tâm lý. 

Trang VerywellFamily chỉ ra năm dấu hiệu cho thấy bố mẹ đang tạo căng thẳng cho trẻ.

1. Mắng mỏ trẻ nhiều hơn là khen ngợi

Nhiều phụ huynh thường lơ đi những hành vi tích cực của con, luôn nghĩ rằng trẻ em không nên được khen ngợi vì giỏi giang, thay vào đó cần tạo áp lực để trở nên tốt hơn. Sự thật là việc chỉ trích thường xuyên sẽ không thúc đẩy trẻ nhỏ, trái lại còn mang đến những phản ứng tiêu cực. Ngay người lớn cũng không thích nghe chỉ trích liên tục khi mắc lỗi thì trẻ nhỏ cũng như vậy.

Bố mẹ tốt nhất nên nỗ lực giúp con hành động tốt hơn và khen ngợi thay vì suốt ngày phê bình, mắng mỏ

.2. Quản lý hoạt động của trẻ quá chặt

Những phụ huynh hay đặt áp lực lên con thường có xu hướng thích kiểm soát. Nếu cứ rà soát mọi hoạt động hàng ngày như làm bài tập về nhà, công việc lặt vặt và cả lúc chơi để đảm bảo trẻ làm đúng mọi thứ thì bố mẹ đang gây áp lực lớn lên trẻ. 

Việc tham gia vào cuộc sống của trẻ rất quan trọng nhưng tham gia quá đà có thể cản trở sự phát triển của trẻ. Nếu muốn con làm tốt, bố mẹ nên cho phép chúng phạm sai lầm và đối mặt với hậu quả. Chứng kiến con bị điểm kém vì mải chơi, lười học có thể khó chịu với nhiều phụ huynh, nhưng điều đó có thể dạy cho trẻ một bài học nhớ đời.

Trẻ dễ bị áp lực nếu bị bố mẹ quản lý quá chặt. Ảnh: Modernmom

3. Dạy trẻ tư tưởng "Được ăn cả, ngã về không"

Tư tưởng "Được ăn cả, ngã về không" rất phổ biến trong nhiều phụ huynh, ví dụ khi con có một cuộc thi ở trường và bố mẹ nói: "Nếu không đạt điểm cao thì con sẽ chẳng còn cơ hội nào cả".

Mặc dù thực tế xã hội có rất nhiều tình huống trẻ chỉ có một cơ hội, nếu vuột mất sẽ không còn (như khi phỏng vấn với một trường đại học danh tiếng) thì kiểu nói kia của bố mẹ chỉ tạo áp lực, bóng ma tâm lý cho chúng.

Đối với nhiều phụ huynh, không chỉ sự kiện quan trọng mà cả những việc nhỏ nhặt như bài kiểm tra, cuộc thi nhỏ ở trường, cũng dạy con tư tưởng "được ăn cả ngã về không". Hãy nhớ rằng, trẻ có rất nhiều cơ hội để tỏa sáng và kết quả của hầu hết sự kiện sẽ không làm thay đổi cuộc sống của chúng.

4. So sánh con với những đứa trẻ khác

Việc bố mẹ thường xuyên nhắc: "Con nhà hàng xóm hôm nay được điểm cao", "Em họ con được chọn đi thi học sinh giỏi", hay "Nếu con học hành chăm chỉ như con bé kia có phải tốt không" sẽ khiến trẻ cảm thấy bị cạnh tranh với những đứa trẻ xung quanh và áp lực nặng nề.

Việc thường xuyên bị so sánh sẽ khiến trẻ nhụt chí và có xu hướng tự ti, nhút nhát, không dám tham gia những lĩnh vực mà chúng nghĩ bản thân kém cỏi, kém vượt trội hơn những đứa trẻ thường được bố mẹ khen.

Nếu muốn con tốt hơn, thay vì suốt ngày so sánh, bố mẹ hãy khuyến khích chúng cạnh tranh với chính mình. Hãy nói với trẻ về tầm quan trọng của việc học tập để chúng cố gắng có thành tích hôm nay tốt hơn hôm qua, và không phải bận tâm những người xung quanh như thế nào.

5. Bố mẹ thường xuyên mất bình tĩnh

Nếu dồn quá nhiều áp lực lên trẻ, điều đó có nghĩa chính bố mẹ cũng đang bị đè nén tâm lý. Và khi trẻ không đáp ứng mong đợi, bố mẹ thường bị bùng nổ cảm xúc. Việc mất bình tĩnh vì con không đạt được thành tích như mong muốn sẽ gây áp lực quá lớn lên chúng.

Bố mẹ hãy chấp nhận rằng con mình có thể không bao giờ học giỏi nhất lớp. Nếu cứ tạo áp lực cho con sẽ chỉ gây thêm căng thẳng cho tất cả mọi người. Thay vì cố gắng ép buộc chúng đáp ứng những kỳ vọng không thực tế, bố mẹ nên khuyến khích con cố gắng hết sức mình là được.

Bố mẹ phải làm gì khi phát hiện trẻ trộm tiền?
“Khó đỡ” trò nghịch ngợm của trẻ khiến bố mẹ chỉ biết “kêu trời“
Bé gái nhập cư Mỹ khóc nấc sau khi bố mẹ bị bắt
/ vnexpress.net