Năm câu hỏi bỏ ngỏ trước đề xuất thay đổi chữ quốc ngữ

Bày tỏ trân trọng nghiên cứu của PGS Bùi Hiền, tác giả Nguyễn Châu chỉ ra bất hợp lý về sự tương đồng với ngôn ngữ khác, tính khả thi...

VnExpress xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Châu.

Thực sự cái mới lúc đầu bao giờ cũng gây bỡ ngỡ, lạ lẫm, thậm chí là không thể chấp nhận được với rất nhiều người, đặc biệt với những thứ gắn bó với cả xã hội trong thời gian rất dài. Chính vì vậy, đề xuất bộ chữ tiếng Việt mới của phó giáo sư Bùi Hiền đã dậy sóng cả tuần nay. Nhưng đây là một ý tưởng khoa học của một nhà khoa học và đáng trân trọng.

Tuy nhiên, ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng là cả một nền văn hóa dân tộc. Nó còn cả sự liên kết với ngôn ngữ khác trên thế giới. Có thể ban đầu (đầu thế kỷ 17), linh mục người Bồ Đào Nha Francisco de Pina (1585-1625) đề xuất phiên âm tiếng Việt bằng các ký tự Latinh, sau đó được linh mục người Pháp Alexandre de Rhodes (1591-1660) hệ thống hóa và hoàn chỉnh với mục đích truyền giáo, nhưng nhờ đó chúng ta đã có hệ thống chữ viết riêng để biểu đạt tiếng Việt.

Cá nhân tôi thấy đề xuất phó giáo sư Bùi Hiền của có một số điểm chưa ổn, cần trả lời thỏa đáng.

Thứ nhất, phó giáo sư nói là giảm bớt số lượng từ 38 chữ cái đơn và tổ hợp 2-3 chữ cái xuống còn 31, tôi thấy không đúng lắm. Riêng phần phụ âm thôi tôi thấy đề xuất mới là tăng thêm ký tự phải học như: J, F, W, N. Những phụ âm mà phó giáo sư nói là bớt đi NG, NH, TH, TR... thực chất là phụ âm ghép trên cơ sở các chữ cái cơ bản của tiếng Việt hiện tại. Như vậy, thực chất là tăng thêm số chữ cái cơ bản phải học.

Thứ hai, nếu nói là để học cho nhanh, không phải nhớ nhiều, để tránh nhầm lẫn, thì tôi nghĩ rằng chỉ cần thống nhất lại cách viết một số từ là đủ, ví dụ:

- SỸ hay SĨ, QUÝ hay QUÍ, KỶ hay KỈ, nên thống nhất là I..

- NGHE hay NGE, GHỀNH hày GỀNH, nên thống nhất là G...

Vì viết khác nhau nhưng đọc không hề khác nhau, nghĩa cũng không thay đổi. Còn những từ viết khác và đọc sẽ khác đi (nếu đọc đúng) thì không thể thay đổi được. Không nên cho rằng thường thì người ta vẫn phát âm giống nhau, ví dụ: TRÂU - CHÂU, SÂU - XÂU, RẶN - DẶN, RUN - GIUN... Hơn nữa nghĩa của chúng rất khác nhau, nên càng không thể đồng nhất.

Thứ ba, không thể viện vào lý do phức tạp mà chúng ta chậm phát triển. Nếu nói vậy tạo sao Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... vẫn phát triển hơn chúng ta?

nam cau hoi bo ngo truoc de xuat thay doi chu quoc ngu

Bảng chữ cái mới theo đề xuất của phó giáo sư Bùi Hiền.

Thứ tư là sự tương đồng với các ngôn ngữ khác. Chữ viết tiếng Việt không chỉ biểu diễn được đầy đủ các âm, vần, thanh trong tiếng Việt mà còn có sự liên quan với các ngôn ngữ sử dụng hệ chữ cái Latinh (chiếm phần lớn trên thế giới) để diễn đạt. Điều đó đã giúp cho người Việt chúng ta dễ dàng hơn rất nhiều khi học các ngôn ngữ khác cùng hệ chữ cái này. Ví dụ khi chúng ta học tiếng Anh rất dễ để cho người Việt phát âm các từ như:

- RUN (chạy); JUMP (nhảy)... chúng ta sẽ khó phát âm nếu khi học tiếng Việt quy hết R, GI thành D.

- TRAIN (đào tạo, tàu hỏa); CHANCE (ngẫu nhiên)... chúng ta sẽ khó phát âm nếu khi học tiếng Việt quy hết CH, TR thành C.

- SUGAR (đường), SURFACE (bề mặt)... chúng ta sẽ khó phát âm nếu khi chúng ta học tiếng Việt quy hết S, X thành S.

- Thực sự khó khăn hơn nữa với các đề xuất W thay cho TH; Q thay cho NG và NGH, X thay cho KH.

Và còn rất nhiều ví dụ ở nhiều ngôn ngữ khác. Hơn nữa các đề xuất thay thế tên gọi, cách phát âm của các ký tự mới hoàn toàn xa lạ với hệ thống chữ cái gốc Latinh sẵn có. Tôi nghĩ đây là một khó khăn cho người học ngoại ngữ; đồng thời cũng là khó khăn hơn cho người nước ngoài học tiếng Việt. Như vậy, quá trình hội nhập của chúng ta càng trở nên khó khăn hơn.

Thứ năm, nếu sự thực thay đổi này được áp dụng thì các văn bản tiếng Việt hiện tại trở về trước trở thành cổ và sẽ chỉ có các nhà khoa học mới dùng. Những tài liệu đó lại phải dịch ra tiếng Việt mới (ví dụ các bộ luật, tài liệu khoa học...); tiền phải in lại và đổi tiền; tên các tổ chức, cơ quan... bị thay đổi, cần phải làm lại biển hiệu... Có nghĩa là hệ lụy là rất lớn khó có thể đong đếm được.

Một điều nữa, phó giáo sư nói rằng nghiên cứu này đã được bắt đầu từ cách đây gần 40 năm (khoảng những 1977-1982) làm cho tôi nhớ lại sự thất bại của lần cải cách chữ viết của những năm 1981-1982. Khi đó các nhà giáo dục bắt các cháu học viết chữ một kiểu chẳng ra viết, chẳng ra in. Với lý do bớt nét để tiết kiệm mực, tiết kiệm thời gian viết, nhưng sau đó khoảng 7-10 năm (khoảng những năm 1990-1995) lại quay trở về viết như cũ.

Tôi đồng ý đề xuất của phó giáo sư Bùi Hiền là một ý tưởng khoa học và đáng trân trọng. Song có lẽ mục tiêu không rõ ràng, phương pháp nghiên cứu chưa phù hợp dẫn đến kết quả không được như mong muốn. Tác giả cũng chưa xem xét kỹ về ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu.

nam cau hoi bo ngo truoc de xuat thay doi chu quoc ngu \'Ném đá\' khoa học

Mấy hôm trước thấy bạn bè trích dẫn và bình luận về nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ của PGS Bùi Hiền, tôi còn ...

nam cau hoi bo ngo truoc de xuat thay doi chu quoc ngu Chữ quốc ngữ xa xôi

Trên cung đường dọc miền núi phía Bắc, lòng tôi nảy sinh một câu hỏi.

/ VnExpress