Tất cả những ai, dù lạc quan nhất thì vào đầu năm 2018 cũng không dám nghĩ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ hoàn thành các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh.
Bởi lẽ, ai cũng nhìn thấy những khó khăn, thách thức đang chờ đợi. Giá dầu vẫn giảm thê thảm (tuy vào giữa năm có phục hồi khá nhưng đến nay lại giảm mạnh). Nhiều giếng dầu sản lượng suy giảm do khai thác đã quá lâu. Nhiều dự án không triển khai được với đủ các nguyên nhân bất khả kháng. Một số đơn vị dịch vụ kỹ thuật lâm vào cảnh “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” bởi không có công việc do dự án chưa triển khai, hoặc phải dừng, giãn tiến độ… Đã thế, nhiều cơ chế, chính sách về ngành dầu khí không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi. Rồi bên cạnh đó, một số vụ việc tiêu cực liên quan tới cán bộ cao cấp của Tập đoàn phải xử lý bằng pháp luật đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Tập đoàn và tâm tư tình cảm của người dầu khí.
Vậy mà kết thúc năm 2018, PVN đã giành được thắng lợi trên tất cả lĩnh vực, nhưng tập trung vào 5 dấu ấn.
Dấu ấn thứ nhất, Tập đoàn cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy Công ty mẹ. Đáng chú ý, PVN là đơn vị đầu tiên của ngành công thương thực hiện tái cơ cấu bộ máy quản lý, quản trị, và là doanh nghiệp đầu tiên hoàn thành hợp nhất các ban của Đảng với ban chuyên môn có nhiệm vụ tương đồng.
Việc thay đổi, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nhân sự của bộ máy điều hành Tập đoàn là đòi hỏi cấp thiết để củng cố, nâng cao vai trò và hiệu quả của bộ máy điều hành phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, và cũng là Tập đoàn tự hoàn thiện mình; đáp ứng các mục tiêu phát triển trong các giai đoạn tiếp theo. Trước đây, Công ty mẹ có 32 ban, Văn phòng nay thu gọn 17 phòng. Lãnh đạo cấp trưởng, phó ban từ 111 người giảm còn 64 người. Việc sắp xếp lại này bước đầu đã có hiệu quả: Tốc độ xử lý công việc nhanh hơn, trách nhiệm của người lãnh đạo được nâng cao, chấm dứt hiện tượng đùn đẩy, né tránh… Và do cách làm rất dân chủ, công khai và minh bạch nên không xảy ra hiện tượng khiếu nại, kiện tụng hoặc mất đoàn kết nội bộ. Dường như ai cũng hiểu được sự cần thiết phải tái cơ cấu bộ máy, dù việc đó có ảnh hưởng tới vị trí công tác của mình.
Sau 10 năm triển khai “Văn hóa doanh nghiệp PVN”, Tập đoàn đã hoàn thiện và ban hành Cẩm nang văn hóa dầu khí. Cùng với đó, lần đầu tiên, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ lãnh đạo, quản lý Tập đoàn được quy định một cách cụ thể, nhằm nâng cao vai trò gương mẫu của lãnh đạo các cấp. Ngọn lửa Dầu khí được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, tạo nên bản sắc của văn hóa Dầu khí, là giá trị mà người dầu khí phải trân trọng, gìn giữ và phát triển.
Dấu ấn thứ hai là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở cả chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất Chính phủ giao Tập đoàn đều về đích trước kế hoạch năm. Tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 5% kế hoạch năm. Sản xuất đạm ước tính cả năm đạt 1,63 triệu tấn, vượt 5,7% kế hoạch năm. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 626,8 nghìn tỷ đồng, vượt 96 nghìn tỷ đồng, tương đương vượt 18,1% kế hoạch năm, tăng 25,9% so với năm 2017. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 121,3 nghìn tỷ đồng, vượt 47,5 nghìn tỷ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với năm 2017.
Về cơ bản, các đơn vị trong Tập đoàn đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Thậm chí, có đơn vị đã nộp ngân sách cao tới mức kỷ lục như ở Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông POC - mỗi lao động ở đây nộp ngân sách 60 tỷ đồng; hoặc như PV Trans, đạt kỷ lục tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước 7 năm liền và đứng đầu cả nước về vận chuyển hàng lỏng. Hay như Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) - đứng đầu về doanh thu của PVN với hơn 70 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là trên 10 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 3.500 tỷ…
Dấu ấn thứ ba là Tập đoàn đã tiến hành cổ phần hóa và chuyển đổi thành công Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng Công ty Dầu Việt Nam và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đây là 3 doanh nghiệp cổ phần hóa có quy mô vốn lớn của PVN với giá trị phần vốn góp của nhà nước được kiểm toán xác định là 89 nghìn tỷ đồng. Qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) thành công 3 đơn vị này, PVN đã thu về 16.500 tỷ đồng, trong đó thặng dư giá trị vốn nhà nước là 7.500 tỷ đồng. Tính cả giá trị cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, thì PVN đã thu về 18.600 tỷ đồng, chiếm tới 83% giá trị thực hiện của cả nước (22.500 tỷ đồng). Sau khi cổ phần hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều khởi sắc.
Dấu ấn thứ tư là chính thức vận hành thương mại Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng giá trị đầu tư lên tới 9 tỷ USD (PVN có 25% vốn) và công suất chế biến là 200 nghìn thùng dầu thô một ngày (tương đương 10 triệu tấn dầu thô một năm). Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Và trong tương lai, sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển về kinh tế của tỉnh Thanh Hóa và các vùng xung quanh, giống như ảnh hưởng của Lọc dầu Dung Quất với với tỉnh Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung. Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cùng với nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đang vận hành sẽ đáp ứng hơn 80% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường bên ngoài.
Và dấu ấn thứ năm, đó là Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTEX), Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoạt động trở lại. Đây là những dự án mà mấy năm nay “như cái gai đâm bàn chân người dầu khí”. Được sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn, các nhà máy này đã hồi sinh khá mạnh mẽ. Sau hơn nửa năm vận hành trở lại, PVTEX đã đưa ra thị trường 2.200 tấn sản phẩm sợi DTY các loại đến tay khách hàng với chất lượng được khách hàng tin tưởng và đưa vào sử dụng sản xuất ổn định. Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất cũng đã được khởi động, vận hành lại, hoạt động ổn định, bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt. Việc nhà máy hoạt động, bên cạnh sản xuất xăng E5, góp phần bảo vệ môi trường thì còn giúp người dân quanh vùng xóa đói giảm nghèo nhờ trồng sắn. Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đã hoàn thành bảo dưỡng, sẵn sàng vận hành trở lại.
Là Tập đoàn kinh tế lớn nhất nước, và có bề dày truyền thống đi từ không đến có, từ vị trí người làm thuê cho đến khi làm chủ được hoàn toàn các khâu từ thăm dò, khai thác đến tồn trữ, vận chuyển và chế biến dầu khí - Đó chính là ý chí, bản lĩnh người dầu khí, và là văn hóa dầu khí. Và những thành công của năm 2018 sẽ là động lực mạnh để PVN hoàn thành thắng lợi các kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vượt mọi chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh năm 2018
Ý thức đầy đủ về trách nhiệm của Tập đoàn đối với đất nước, với phương châm hành động “Bản lĩnh - Đoàn kết - ... |
Hội nghị kiểm điểm Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2018
Căn cứ Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 24-9-2018 của Ban Tổ chức Trung ương và Quy định số 913 QĐi/ĐU ngày 16-11-2018 của Đảng ủy ... |
VEA kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Ngày 29/11, tại hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng ... |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được vinh danh là doanh nghiệp đứng đầu trong Bảng xếp hạng Profit500 – Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt N
Chiều ngày 29/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã ... |