Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm đến Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/2 (giờ địa phương) cho biết Washington sẽ tiếp tục viện trợ thêm cho Ankara để giúp nước này sớm phục hồi sau hậu quả của trận động đất.
Một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2, giết chết hơn 45.000 người và khiến hơn một triệu người mất nhà cửa, với thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hàng tỷ USD.
Ngoại trưởng Mỹ đã đến Căn cứ Không quân Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/2, tại đây, ông cùng quan chức nước sở tại thảo luận các biện pháp hỗ trợ thêm của Washington.
Ông Blinken cùng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đi trực thăng để thị sát sự tàn phá do trận động đất gây ra ở tỉnh Hatay, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Gần hai tuần sau trận động đất, các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ cũng dần kết thúc, tuy nhiên, ông Blinken cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra “sự hỗ trợ dài hạn” cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Kể từ sau trận động đất, Mỹ đã huy động một đội tìm kiếm và cứu nạn đến Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các vật tư y tế, máy móc phá bê tông và khoản tài trợ bổ sung trị giá 85 triệu USD, bao gồm cho cả nước láng giềng Syria.
Tổng thống Joe Biden dự định trích 50 triệu USD từ Quỹ Hỗ trợ Người tị nạn và Di cư Khẩn cấp (ERMA) để ứng phó với hậu quả của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Với 50 triệu USD bổ sung được chuyển giao thông qua Bộ Ngoại giao và USAID, tổng hỗ trợ nhân đạo của Mỹ để hỗ trợ ứng phó động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên đến 185 triệu USD, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ngoại trưởng Blinken dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/2 cũng như gặp Tổng thống Tayyip Erdogan.
Chuyến thăm đầu tiên của ông Blinken tới Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách ngoại trưởng đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng thực tế lại diễn ra hai năm sau khi ông nhậm chức.
Điều này hoàn toàn trái ngược với một số người tiền nhiệm của ông, như các cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Rex Tillerson, những người đã đến thăm Ankara trong vòng 3 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ.
Các nhà phân tích cho rằng sự chậm trễ này là biểu hiện của mối quan hệ song phương đã xấu đi kể từ năm 2019 khi Ankara mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.
Các chuyên gia cho biết, dù Mỹ đánh giá cao những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phản đối Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Washington vẫn lo ngại về mối quan hệ thân thiết của Ankara với Moscow.