Mỹ viện trợ cho Ukraine bất chấp thâm hụt ngân sách tăng

Lời kêu gọi tăng viện trợ cho Ukraine và Israel của Tổng thống Biden có thể vấp phải phản đối từ Quốc hội Mỹ khi thâm hụt ngân sách của nước này tăng mạnh.

Theo Sputnik, lời kêu gọi tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể gặp phải sự phản đối từ Quốc hội Mỹ do ngân sách liên bang đang cạn kiệt.

Số liệu của Bộ Tài chính Mỹ công bố vào cuối tuần trước cho thấy thâm hụt của chính phủ đã đạt hơn 2.000 tỷ USD, tăng từ 1.677 tỷ USD một năm trước đó, tương đương với mức tăng 23%. Con số này dù vậy vẫn thấp hơn mức 2.780 tỷ USD năm 2021 trước tác động của đại dịch COVID-19 với nước Mỹ.

Tin tức trên được đưa ra một ngày trước khi Tổng thống Biden yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp ngân sách viện trợ quân sự khẩn cấp nước ngoài trị giá 106 tỷ USD. Phần lớn số tiền này, khoảng 61,4 tỷ USD, được dành cho Ukraine, và 14,3 tỷ USD trang bị vũ khí cho Israel.

tong-thong-biden-05005659
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào cuối tuần trước. (Ảnh: AP)

Yêu cầu trên vượt xa số tiền 77 tỷ USD vũ khí và tiền mặt được Mỹ viện trợ cho Ukraine trong hơn 1 năm xung đột.

Theo nhà kinh tế Sergio Rossi nói với Sputnik, thâm hụt ngày càng tăng sẽ khiến ông Biden khó thuyết phục Quốc hội Mỹ phê duyệt yêu cầu ngân sách 100 tỷ USD để mua thêm vũ khí cho Ukraine và Israel, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế Mỹ không mấy sáng sủa.

"Thông thường, khi tình hình kinh tế trong nước trở nên xấu đi, các bên liên quan sẽ giảm khối lượng viện trợ nước ngoài để tập trung hỗ trợ nền kinh tế quốc gia của chính họ trước hết”.

Ông Rossi cho biết việc tài trợ cho cuộc xung đột ở Ukraine trong bối cảnh chuẩn bị cho cuộc đối đầu ở Thái Bình Dương với Trung Quốc đang tạo ra quá nhiều căng thẳng lên tài chính của Washington trước khi xung đột Israrel - Hamas nổ ra.

“Chính phủ Mỹ không thể tiếp tục tài trợ cho hai cuộc xung đột quân sự, đặc biệt nếu cuộc xung đột không thể tiến tới bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào”, ông Rossi nhấn mạnh.

Ông Rossi cho rằng, tình trạng nền kinh tế Mỹ đang “đáng lo ngại” và triển vọng trong hai năm tới “thậm chí còn tồi tệ hơn” do “các vấn đề kinh tế vĩ mô toàn cầu liên quan đến các vấn đề địa chính trị khác nhau”.

Lạm phát hiện tại Mỹ đã ảnh hưởng nặng nề đến sức mua của người tiêu dùng. Kết quả là hoạt động đầu tư của các công ty không được khuyến khích.

“Nền kinh tế Mỹ thậm chí còn tiến gần đến suy thoái hơn một năm trước, mặc dù 'không có nguy cơ tiềm ẩn nào về việc chính phủ liên bang Mỹ vỡ nợ'”.

Trà Khánh / VTC News