Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận chính quyền của ông có thái độ mềm dẻo với Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc ngày 18-5 lên tiếng bác bỏ thông tin nước này đã đề nghị cắt giảm 200 tỉ USD thặng dư thương mại với Mỹ trong một năm.
Không chấp nhận điều kiện tiên quyết
Theo thông tin của Reuters và Bloomberg, đề nghị của Trung Quốc - gồm tăng cường mua hàng hóa Mỹ cùng với các biện pháp khác - được đưa ra tại cuộc hội đàm song phương về thương mại diễn ra ở Washington hôm 17-5. Thậm chí một nguồn tin còn nhận định hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ sẽ hưởng lợi nhiều từ đề xuất từ phía Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định tại một cuộc họp báo: "Lời đồn đại này không đúng sự thật". Cùng ngày, bài báo đăng trên tài khoản truyền thông xã hội của tờ Nhân Dân nhật báo cảnh báo Trung Quốc sẽ không thương lượng về vấn đề mất cân bằng thương mại chừng nào Mỹ còn đặt điều kiện tiên quyết để đối thoại. Theo bài báo, thông tin của truyền thông phương Tây về chuyện Bắc Kinh đã đưa ra đề nghị trên "hoàn toàn là tin đồn".
Ngay cả khi Trung Quốc có đưa ra đề nghị trên, theo tờ South China Morning Post, giới quan sát cũng không khỏi nghi ngờ liệu mục tiêu giảm thặng dư thương mại 200 tỉ USD có thể đạt được trong vòng 1 năm hay không. Theo số liệu của Mỹ, thâm hụt thương mại giữa nước này và Trung Quốc hồi năm ngoái là 375 tỉ USD - một con số cao kỷ lục và tiếp tục tăng trong năm nay.
Cũng trong ngày 17-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trước khi vòng đàm phán thứ 2 diễn ra. Tại cuộc gặp không có trong chương trình ban đầu này, ông Lưu cho rằng 2 nước cần giải quyết thỏa đáng bất đồng thương mại theo cách thức công bằng và đôi bên cùng có lợi - Tân Hoa Xã đưa tin. "Cả hai cần bảo đảm sự hợp tác về kinh tế và thương mại vẫn tiếp diễn để thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ" - ông Lưu nhấn mạnh. Trong khi đó, cũng theo bản tin của Tân Hoa Xã, Tổng thống Trump nhận định 2 nước cần mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, sản xuất, đầu tư và nhập khẩu nông sản trong khi cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng hôm 17-5 Ảnh: TWITTER |
Bước đi hòa giải
Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng lại chỉ trích Trung Quốc nhiều hơn khi phát biểu tại cuộc gặp gỡ trước đó với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Tổng thống Trump quả quyết nước Mỹ chịu nhiều tổn thất vì tập quán thương mại không công bằng của Trung Quốc. Ông cũng khẳng định tuyên bố của ông về việc giúp giải quyết các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Công ty Viễn thông Trung Quốc ZTE không có nghĩa là chính quyền của ông có thái độ mềm dẻo với Bắc Kinh.
Đài CNN cho biết con số 200 tỉ USD phản ánh một trong những đòi hỏi của Mỹ tại vòng đàm phán thứ nhất diễn ra ở Bắc Kinh hồi đầu tháng 5 này. Theo đó, Mỹ yêu cầu Trung Quốc giảm 200 tỉ USD thặng dư thương mại với Mỹ vào năm 2020. Dù bác bỏ thông tin nhượng bộ, Bắc Kinh vẫn có động thái mang tính hòa giải với Washington khi hủy cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng cao lương nhập khẩu từ Mỹ, cũng như tuyên bố sẽ bãi bỏ thuế nhập khẩu mới áp đặt lên sản phẩm này.
Thông tin này có thể giúp ích cho các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Trung Quốc - do phó Thủ tướng Lưu Hạc đứng đầu và phái đoàn Mỹ, đứng đầu là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin - nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại giữa nền 2 kinh tế lớn nhất thế giới. "Giới chức Mỹ truyền đạt mục tiêu rõ ràng của tổng thống Mỹ là có mối quan hệ thương mại công bằng với Trung Quốc" - tuyên bố của Nhà Trắng hôm 17-5.
EU đối đầu Mỹ Liên minh châu Âu (EU) sẽ khôi phục đạo luật cho phép các công ty châu Âu tiếp tục hợp tác với Iran, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. \\ "Đạo luật phong tỏa" nói trên được EU đưa ra vào năm 1996 nhằm đối phó các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Cuba nhưng chưa bao giờ được sử dụng. Luật này cấm các công ty châu Âu tuân thủ lệnh trừng phạt của nước ngoài và cho phép bồi thường cho các công ty bị ảnh hưởng. Ngoài ra, sẽ không có bất kỳ phán quyết nào của các tòa án nước ngoài về các biện pháp trừng phạt có hiệu lực tại châu Âu, còn Ngân hàng Đầu tư châu Âu sẽ cấp tài trợ cho các doanh nghiệp làm việc tại Iran. Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị của các lãnh đạo EU tại Bulgaria hôm 17-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định: "Nghĩa vụ của EU là bảo vệ doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa". Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh: "Chúng tôi nhất trí EU sẽ duy trì thỏa thuận hạt nhân miễn là Iran vẫn thực hiện đầy đủ cam kết". Một số doanh nghiệp lớn nhất châu Âu đã nhanh chân làm ăn với Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có hiệu lực. Năm 2017, xuất khẩu của EU sang Iran (bao gồm hàng hóa và dịch vụ) đạt tổng cộng 10,8 tỉ euro (tương đương 12,9 tỉ USD), còn hàng nhập khẩu từ Iran vào khối này trị giá 10,1 tỉ euro. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái trừng phạt Iran, hàng tỉ USD giá trị thương mại và hàng ngàn việc làm đang bị treo lơ lửng. Vào ngày 6-8, khi lệnh trừng phạt mới đầu tiên của Mỹ đối với Iran có hiệu lực cũng là lúc phiên bản cải tiến của "Đạo luật phong tỏa" được thực thi, theo đài BBC. Theo báo Guardian (Anh), EU đã tự đẩy mình vào cuộc đối đầu với Mỹ. Tuy nhiên, ủy viên tài chính châu Âu Valdis Dombrovskis cho rằng "Đạo luật phong tỏa" khó lòng cấm các ngân hàng tuân theo lệnh trừng phạt của Mỹ do sẽ bị hạn chế bởi phạm vi tài chính toàn cầu. Kênh al Jazeera nhận định Mỹ có thể loại các công ty châu Âu ra khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ. "Cơ chế phong tỏa sẽ giúp được các doanh nghiệp nhỏ không làm ăn với Mỹ. Nhưng với các công ty đa quốc gia giao dịch bằng USD, họ chắc chắn bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt Mỹ" - kênh này nhấn mạnh. Xuân Mai |
LỤC SAN
Trung Quốc nhượng bộ, đề xuất giảm thâm hụt thương mại với Mỹ
Liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra tại thủ đô Washington, Trung Quốc đã nhượng bộ và đề xuất các ... |
Mỹ - Trung thêm bất đồng sau đàm phán thương mại
Mỹ đề xuất một danh sách đòi hỏi mà Trung Quốc sẽ không bao giờ làm, trong khi Bắc Kinh cũng đưa ra một loạt ... |