Không quân muốn sở hữu mô hình chân thực nhất của xe bệ phóng tổ hợp S-300 nhằm huấn luyện sát thực tế chiến đấu hơn.
"Mô hình với độ trung thực cao rất cần thiết cho quá trình đào tạo phi công. Các tiến bộ mới về công nghệ đòi hỏi chúng phải có dấu hiệu chính xác, sát thực tế để hỗ trợ việc huấn luyện", Bộ tư lệnh Vật tư Không quân Mỹ (AFMC) cho biết trong thông báo được công bố cuối tháng 8.
Không quân Mỹ dự kiến mua hai mô hình xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL) với hình dáng, kích thước, tín hiệu phản xạ radar và dấu hiệu hồng ngoại giống hệ thống S-300PMU-1/2 của Nga. Chúng sẽ được triển khai tại Bãi thử vũ khí và huấn luyện Utah (UTTR), phục vụ các hoạt động thử nghiệm vũ khí mới và đào tạo phi công.
Mô hình bệ phóng tên lửa S-300 trong tài liệu do AFMC công bố. Ảnh: USAF. |
Kế hoạch của AFMC nhiều khả năng liên quan tới hợp đồng mua hai bộ radar cảnh giới 36D6M1 do Ukraine sản xuất hồi đầu năm nay. Radar 36D6 là thành phần quan trọng của hệ thống S-300, chuyên phát hiện mục tiêu như tên lửa hành trình và tiêm kích bay thấp. Ngoài Nga và Trung Quốc, hệ thống S-300 cũng có trong biên chế nhiều quốc gia đối thủ của Mỹ như Iran và Syria.
Mô hình sẽ giúp phi công tập cách nhận diện khí tài đối phương trên chiến trường, trong khi chi phí bảo quản và vận hành thấp hơn nhiều so với triển khai vũ khí thực sự. Những thiết bị tạo nguồn nhiệt và tín hiệu radar cũng giúp chúng mô phỏng sát thực tế nhất có thể.
Đây không phải lần đầu quân đội Mỹ sử dụng mô hình vũ khí nước ngoài để huấn luyện. Lầu Năm Góc cuối năm ngoái xác nhận chế tạo mô hình tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc theo kích thước chuẩn để phục vụ quá trình đào tạo thủy quân lục chiến.
Sự xuất hiện của mô hình các loại vũ khí Nga, Trung tại căn cứ quân sự Mỹ cho thấy Lầu Năm Góc đánh giá cao khả năng tác chiến của chúng. Quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu các học thuyết và đổi mới công nghệ để đối phó với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ trong sức mạnh quân sự của hai quốc gia này.
Xe phóng đạn thuộc tổ hợp S-400 Nga. Ảnh: Sputnik. |
Vũ Anh (Theo Drive)