Cuộc thử nghiệm hạt nhân của Mỹ diễn ra vài giờ sau khi các nhà lập pháp Nga cho biết họ có kế hoạch thu hồi việc phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn cầu.
Mỹ đã tiến hành một thử nghiệm có sức nổ lớn tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân ở Nevada, vài giờ sau khi Nga thông báo kế hoạch thu hồi việc phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn cầu (CTBT), điều mà Moskva cho rằng sẽ "ngang hàng" với Washington.
Theo Bloomberg, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết cuộc thử nghiệm diễn ra vào ngày 18/10 (giờ địa phương), đã sử dụng hóa chất và đồng vị phóng xạ để "xác nhận các mô hình dự đoán vụ nổ mới", có thể giúp phát hiện các vụ nổ nguyên tử ở các quốc gia khác.
“Những thử nghiệm này thúc đẩy nỗ lực của chúng tôi nhằm phát triển công nghệ mới nhằm hỗ trợ các mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ”, Corey Hinderstein, Phó Giám đốc phụ trách Không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc phòng tại Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia, cho biết trong một tuyên bố.
Bà nói thêm: "Cuộc thử nghiệm sẽ giúp giảm thiểu các mối đe dọa hạt nhân toàn cầu bằng cách cải thiện khả năng phát hiện các vụ thử nổ hạt nhân dưới lòng đất".
Cuộc thử nghiệm gây chú ý khi diễn ra chỉ vài giờ sau khi các nhà lập pháp Nga tuyên bố ý định hủy bỏ việc phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện.
Một dự luật mới về vấn đề này sẽ được chuyển tới Hội đồng Liên bang Nga xem xét vào tuần tới. Các nhà lập pháp của Hội đồng Liên bang cho biết họ sẽ ủng hộ dự luật.
Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện được thông qua năm 1996, cấm tất cả các vụ nổ hạt nhân ở bất cứ đâu trên thế giới, dù nó chưa bao giờ có hiệu lực đầy đủ. Ngoài Mỹ, hiệp định này vẫn chưa được Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên, Israel, Iran và Ai Cập phê chuẩn.
Các quan chức Mỹ cho rằng cần phải minh bạch hơn vì mặc dù Mỹ và Nga không thử nghiệm đầu đạn nhưng họ lại tiến hành cái gọi là "thí nghiệm cận tới hạn", là các vụ nổ kiểm tra thiết kế vũ khí mà không cần lượng vật liệu nguyên tử cần thiết để duy trì phản ứng dây chuyền.