Mỹ sẽ tăng cường khả năng răn đe chống Trung Quốc thông qua thiết lập mạng lưới tên lửa tấn công chính xác dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, theo Nikkei.
Đây là một phần trong các đề xuất thuộc Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương mà Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ đã đệ trình lên Quốc hội nước này. Kế hoạch nằm trong khoản chi 27,4 tỷ USD tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong 6 năm tới, theo Nikkei.
Tàu USS Gabrielle Giffords phóng tên lửa. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
"Mối nguy lớn nhất đối với tương lai của Hoa Kỳ tiếp tục là khả năng răn đe trong điều kiện thông thường đã suy giảm", tài liệu cho biết.
"Nếu không có các biện pháp răn đe thông thường hợp lệ và thuyết phục, Trung Quốc sẽ càng được khuyến khích hành động trong khu vực và trên toàn cầu nhằm giành lấy lợi ích của Mỹ. Khi cán cân quân sự của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên bất lợi, Mỹ sẽ ngày càng phải gánh chịu những rủi ro có thể khiến các đối thủ đơn phương cố gắng thay đổi hiện trạng".
Cụ thể, văn bản đề xuất xây dựng Lực lượng tích hợp với mạng lưới tấn công chính xác ở phía Tây Đường chuyển ngày quốc tế, dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, tích hợp phòng thủ tên lửa ở chuỗi đảo thứ hai và một thế trận lực lượng phân tán để duy trì sự ổn định, và nếu cần, phân phối và duy trì các hoạt động chiến đấu trong thời gian dài.
Chiến lược 3 chuỗi đảo vốn do Mỹ xây dựng nhằm vây xung quanh Trung Quốc và Liên Xô.
Theo Nikkei Asia, chuỗi đảo thứ nhất bao gồm một nhóm các đảo Đài Loan, Okinawa và Philippines, được Trung Quốc coi là tuyến phòng thủ đầu tiên. Chiến lược "chống tiếp cận" của Bắc Kinh tìm cách đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi biển Đông và Hoa Đông trong chuỗi đảo này.
Trung Quốc cũng tìm cách ngăn cản lực lượng Hoa Kỳ tiếp cận "chuỗi đảo thứ hai" ở Tây Thái Bình Dương, chạy từ Đông Nam Nhật Bản đến đảo Guam và Nam Indonesia.
Trong một bài phát biểu tại Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Washington hôm 4/3, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết có những lo ngại về việc 6 năm tới là thời kỳ mà Trung Quốc có thể tìm cách thay đổi hiện trạng trong khu vực, chẳng hạn như với Đài Loan.
Ông nói rằng có "một hiểu biết cơ bản rằng giai đoạn từ nay đến năm 2026, thập kỷ này, là khoảng thời gian mà Trung Quốc được dự đoán đạt được sự vượt trội về khả năng của mình, và có thể, đưa ra lựa chọn ép buộc thay đổi hiện trạng trong khu vực".
“Và tôi sẽ nói rằng sự thay đổi hiện trạng đó có thể là vĩnh viễn”, ông nói.
Theo sau đề xuất sẽ là các cuộc thảo luận với các nhà lập pháp và với các quốc gia sẽ tham gia vào việc thực hiện nó. Trước đây, Trung Quốc đã phản đối nỗ lực của Mỹ để đặt lá chắn tên lửa ở các nước đồng minh, đặc biệt là ở Hàn Quốc.
Mỹ có khoảng 132.000 quân đóng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo sách trắng quốc phòng Nhật Bản.
Quan chức Trung Quốc: Bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh là ‘bình thường’
Phát ngôn viên cơ quan lập pháp Trung Quốc cho hay, khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc là điều “bình thường” và hai bên ... |
Bài toán ngân sách với kế hoạch "chống Trung Quốc" của Mỹ
Kế hoạch chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang Trung Quốc của Lầu Năm Góc có thể sớm đối mặt thách thức khi yêu cầu ... |