Mỹ nối lại sử dụng vaccine Johnson & Johnson

Giới chức y tế và dược phẩm Mỹ yêu cầu nối lại sử dụng vaccine Johnson & Johnson, nhưng sẽ cảnh báo người được tiêm về nguy cơ tác dụng phụ.

Thế giới đã ghi nhận 146.183.332 ca nhiễm nCoV và 3.097.928 ca tử vong, tăng lần lượt 858.693 và 13.241, trong khi 124.299.327 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 32.725.095 ca nhiễm và 584.962 ca tử vong do nCoV, tăng 55.974 ca nhiễm và 677 ca tử vong so với một ngày trước đó.

"Chúng tôi kết luận rằng những lợi ích và tiềm năng của vaccine Johnson & Johnson vượt xa những nguy cơ đã biết và tiềm ẩn ở những người từ 18 tuổi trở lên", Janet Woodcock, lãnh đạo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) ra tuyên bố chung với Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Họ nhấn mạnh rằng người được tiêm sẽ được cảnh báo trước về tác dụng phụ rất hiếm gặp gồm xuất hiện máu đông và tiểu cầu thấp.

Trước đó, giới chức Mỹ hôm 14/4 đã đã ngừng sử dụng vaccine này sau khi phát hiện một số trường hợp đông máu. Trong số 3,9 triệu phụ nữ tiêm vaccine Johnson & Johnson, 15 người xuất hiện cục máu đông nghiêm trọng và ba người tử vong. Phần lớn các trường hợp này dưới 50 tuổi. Không có trường hợp nào được ghi nhận ở nam giới.

Gần 220 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm chủng tại Mỹ, chiếm 78% trong tổng số hơn 282 triệu liều được phân phối. Hơn 200 triệu liều trong đó được triểu khai kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, hoàn thành sớm hơn một tuần so với mục tiêu mà chính quyền đặt ra trong 100 ngày đầu tại nhiệm của ông.

Khoảng 41% dân số Mỹ, gần 136 triệu người, đã tiêm ít nhất một liều vaccine và khoảng 27%, hơn 89 triệu người, hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Mỹ nối lại sử dụng vaccine Johnson & Johnson - VnExpress

Các lọ vaccine Johnson & Johnson. Ảnh: Reuters.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 16.602.456 ca nhiễm và 189.549 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 345.147 và 2.621 ca.

Ấn Độ đang rơi vào thảm cảnh chưa từng có. Gần 1,6 triệu ca nhiễm được ghi nhận trong một tuần. Chỉ trong 12 ngày, tỷ lệ dương tính nCoV tăng gấp đôi, trong khi ở Delhi tỷ lệ này là 30%. Các bệnh viện trên cả nước đã chật kín, nhưng lần này chủ yếu là người trẻ tuổi. Tại Delhi, 65% bệnh nhân Covid-19 dưới 40 tuổi.

Bộ Nộ vụ Ấn Độ ngày 22/4 ban hành lệnh cấm cung cấp oxy cho mục đích công nghiệp, khi nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi đối mặt tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng.

Thủ tướng Narendra Modi cũng ngày cũng chủ trì cuộc họp để đánh giá nguồn cung oxy trên khắp cả nước, cũng như xem xét các cách để thúc đẩy sản xuất phân phối nguồn oxy cho các bệnh viện nhằm chống lại đợt bùng phát Covid-19 đáng lo ngại hiện tại. Trong cuộc họp, ông nhấn mạnh giới chức các bang nên "mạnh tay" với những ai cố tình tích trữ.

Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 14.237.078 ca nhiễm và 386.416 ca tử vong, tăng lần lượt 64.939 và 2.659.

Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne ngày 21/4 cho biết số ca nhiễm nCoV ở Brazil đang giảm, gồm ca vùng Amazon, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 trong những tháng qua. Tuy nhiên, Etienne cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch có thể đảo ngược xu hướng này.

Sao Paulo, bang đông dân nhất ở Brazil, đang cảnh báo có thể xảy ra thảm họa y tế công cộng trong bối cảnh các bệnh viện công tại đây thiếu trầm trọng thuốc cần thiết để đặt nội khí quản cho bệnh nhân Covid-19. Hai bang lớn khác là Rio de Janeiro và Minas Gerais cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.440.946 ca nhiễm và 102.496 ca tử vong.

Thủ tướng Pháp Jean Caster ngày 22/4 nói rằng làn sóng dịch thứ ba "đã qua" và xác nhận các hạn chế đi lại trong nước sẽ được dỡ bỏ vào ngày 3/5 và các trường trung học cơ sở sẽ mở cửa trở lại cùng ngày. Đây là những bước đầu tiên trong kế hoạch đưa đất nước thoát khỏi đợt đóng cửa mới vì Covid-19.

Ông thêm rằng một số hoạt động kinh doanh, gồm quán bar, nhà hàng và trung tâm văn hóa có thể mở cửa trở lại vào giữa tháng 5 khi tình hình đại dịch được cải thiện, sau ba tuần Pháp bước vào đợt đóng cửa kéo dài một tháng. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm từ 19h đến sáng hôm sau vẫn được duy trì.

Anh, vùng dịch lớn thứ 7 thế giới, báo cáo 4.401.109 ca nhiễm và 127.385 ca tử vong, tăng lần lượt 2.678 và 40 trường hợp.

Hàng triệu người ở Anh đã tiêm vaccine có thể được cung cấp hộ chiếu Covid vào ngày 17/5 để đi du lịch nước ngoài vào mùa hè này và tránh khả năng bị cách ly. Giấy chứng nhận tiêm chủng đang được phát triển nhưng dự kiến cung cấp trước khi các hạn chế về đi lại quốc tế được dỡ bỏ vào tháng tới.

Nga là vùng dịch lớn thứ năm thế giới với 4.744.961 ca nhiễm và 107.501 ca tử vong.

Nga sẽ cho người dân nghỉ làm việc trong khoảng thời gian 1-11/5 để hạn chế công chúng di chuyển bằng phương tiện công cộng, nhằm ngăn virus lây lan.

Nhiều người Nga đi nghỉ vào đầu tháng 5 hàng năm. Ngày 1/5 là ngày Quốc tế Lao động còn 9/5 là ngày Nga kỷ niệm chiến thắng trong Thế chiến II. Trước khi có thông báo nói trên, ngày 4-7/5 là ngày làm việc bình thường.

Hầu hết hạn chế phòng dịch ở Nga đã được dỡ bỏ và cuộc sống gần như trở lại bình thường ở Moskva từ đầu năm. Thay vì áp các lệnh phong tỏa mới giống như những nước khác, nước này dựa vào vaccine Sputnik V để xử lý một làn sóng lây nhiễm mới đã tấn công đất nước kể từ mùa thu năm ngoái.

Tại Đông Nam Á, Campuchia ghi nhận thêm 655 ca nhiễm nCoV và 2 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 8.848, trong đó 61 người đã tử vong. Phnom Penh áp lệnh phong tỏa kéo dài hai tuần từ ngày 15/4 và tuyên bố một số quận là "vùng đỏ", cấm người dân rời khỏi nhà ngoại trừ vì lý do y tế

Tính tới ngày 22/4, gần 1,3 triệu người ở Campuchia, tương đương 8% dân số, đã được tiêm chủng ít nhất một liều vaccine Covid-19, theo Bộ Y tế. Vaccine được sử dụng bao gồm Sinopharm, Sinovac và AstraZeneca. Campuchia hiện có 1,3 triệu liều Sinopharm, hai triệu liều Sinovac và 324.000 liều AstraZeneca.

Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng ngày 21/4 nhắc nhở tất cả giới chức và quan chức thực thi pháp luật của nước này không sử dụng vũ lực và lời lẽ lăng mạ người dân khi thực hiện các biện pháp phong tỏa ngăn Covid-19. Trong khi đó, Thống đốc Phnom Penh Khương Sreng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Lào báo cáo 159 ca nhiễm mới, tăng 65 ca so với ngày hôm qua. Quốc gia này hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì Covid-19. Thủ đô Vientiane của Lào bắt đầu áp lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 22/4 để đối phó số ca nhiễm nCoV tăng mạnh.

Việc đi lại từ Vientiane đến các tỉnh khác và từ tỉnh khác vào thủ đô bị cấm, trừ những người thường trú tại thủ đô di chuyển từ các tỉnh trở về, xe tải thương mại, hàng hóa và các cá nhân được cấp phép.

Người dân Vientiane bị cấm ra khỏi nhà, trừ khi có việc thiết yếu. Các đám đông không được vượt quá 20 người, trong khi các nghi lễ, như đám tang, phải được tổ chức hết sức cẩn thận và tuân thủ biện pháp phòng ngừa Covid-19.

Singapore ghi nhận 60.943 ca nhiễm, tăng 39 ca so với hôm trước và 30 ca tử vong.

Singapore từ hôm 22/4 cách ly khoảng 1.200 lao động nhập cư sau khi phát hiện các trường hợp Covid-19 trong ký túc xá của họ, bao gồm cả những lao động nam đã khỏi bệnh, làm dấy lên lo ngại về việc tái nhiễm. Giới chức tiến hành xét nghiệm nCoV đối với tất cả cư dân của ký túc xá Westlite Woodlands.

Singapore nhìn chung đã kiểm soát được virus và đang triển khai tiêm chủng. Họ gần như không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong vài tháng qua.

Thái Lan báo cáo thêm 2.070 ca nhiễm mới và 121 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 50.183 và 121.

Để ngăn đợt bùng phát mới nhất bắt đầu vào tháng 4, chính phủ đã đóng cửa trường học, cấm tụ tập trên 50 người, cấm bán đồ uống có cồn trong nhà hàng ít nhất hai tuần kể từ ngày 18/4. Nhà chức trách tuyên bố Bangkok và 17 tỉnh khác thuộc "vùng đỏ", áp dụng biện pháp dập dịch nghiêm ngặt. Nhà hàng và quán cà phê trong "vùng đỏ" chỉ được phép hoạt động đến 23h, phục vụ khách đến 21h.

6 nữ nhân viên y tế ở tỉnh Rayong, phía đông Bangkok, được tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc vào đầu tháng này đã có các triệu chứng tương tự đột quỵ, bao gồm buồn ngủ và tê bì tay chân. Họ đã hồi phục sau khi được điều trị đột quỵ và không phát hiện cục máu đông. Kết quả chụp não 6 người phụ nữ đều cho thấy họ không bị đột quỵ. Các chuyên gia của chính phủ sau đó cho biết Thái Lan sẽ tiếp tục sử dụng vaccine Sinovac.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết Thái Lan đặt mục tiêu mua thêm 35 triệu liều vaccine, ngoài 65 triệu liều đã mua, để thúc đẩy chương trình tiêm chủng quốc gia. Chính phủ Thái Lan muốn tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng trước cuối năm nay.

Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)

Bê bối trong nhà máy sản xuất vaccine Covid-19 Johnson & Johnson Bê bối trong nhà máy sản xuất vaccine Covid-19 Johnson & Johnson
Mỹ tiếp tục dừng tiêm vaccine Johnson & Johnson Mỹ tiếp tục dừng tiêm vaccine Johnson & Johnson
Gần 136 triệu ca Covid-19 toàn cầu, chưa phát hiện vaccine Johnson & Johnson gây đông máu Gần 136 triệu ca Covid-19 toàn cầu, chưa phát hiện vaccine Johnson & Johnson gây đông máu

/ vnexpress.net