- Kho vũ khí của châu Âu cạn kiệt nghiêm trọng
- Trung Quốc cảnh báo việc Mỹ trang bị vũ khí cho Đài Loan
Thỏa thuận nói trên đạt được trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc.
Hôm 14/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết Nhật Bản và Mỹ đã đồng ý cùng nghiên cứu công nghệ chống vũ khí siêu thanh, khi hai nước nỗ lực điều chỉnh chặt chẽ các chiến lược an ninh của mình nhằm đối phó với Trung Quốc.
Thỏa thuận đạt được trong cuộc hội đàm giữa ông Hamada và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi ông Hamada thay ông Nobuo Kishi làm Bộ trưởng Quốc phòng vào đầu tháng 8.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Theo đó, Nhật Bản và Mỹ nhận thấy nhu cầu tăng cường khả năng răn đe của liên minh và các năng lực khác ngày càng lớn, trong bối cảnh lo ngại rằng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị thách thức.
Bên cạnh đó, ông Hamada và ông Austin khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, và việc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực trong khu vực là không thể chấp nhận được.
Ông Hamada cho biết Nhật Bản và Mỹ sẽ hợp tác “chặt chẽ và liền mạch” để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào như vậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng ông Austin thể hiện sự ủng hộ “mạnh mẽ” đối với kế hoạch của Nhật Bản về việc củng cố khả năng quốc phòng thông qua cập nhật các tài liệu an ninh quốc gia, và tăng đáng kể ngân sách quốc phòng.
Trong kế hoạch ngân sách cho năm bắt đầu từ tháng 4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu chi thêm cho việc tăng cường khả năng tấn công từ ngoài tầm bắn của đối thủ. Điều này có thể được sử dụng để xây dựng cái gọi là khả năng tấn công căn cứ đối phương, hoặc cái mà chính phủ Nhật Bản gọi là “khả năng phản công”.
Bên cạnh đó, Nhật Bản có kế hoạch cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia vào cuối năm nay, phản ánh môi trường an ninh ngày càng thách thức của khu vực. Đây sẽ là lần sửa đổi đầu tiên của văn bản kể từ khi nó được thông qua vào năm 2013.
Trong khi đó, vào tháng 3, chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đã công bố bản phác thảo Chiến lược Quốc phòng riêng, trong đó gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất”.
https://vtc.vn/my-nhat-cung-nghien-cuu-cong-nghe-chong-vu-khi-sieu-thanh-ar700806.html