Mỹ muốn gì khi thúc đẩy dự án kết nối vùng Vịnh - Trung Đông?

Mỹ đang thúc đẩy dự án kết nối các quốc gia Vùng Vịnh và Ả Rập với Ấn Độ bằng một mạng lưới cảng, đường sắt.

Động thái này được cho là đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

“Chiến lược ngoại giao của Mỹ”

Mỹ muốn gì khi thúc đẩy dự án kết nối vùng Vịnh - Trung Đông? 1

Một tàu container neo đậu tại cảng Khalifa ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Ảnh: Reuters

Dự án hạ tầng chung quy mô lớn do Mỹ khởi xướng và thúc đẩy sẽ kết nối các quốc gia vùng Vịnh và Ả Rập thông qua một mạng lưới đường sắt và đồng thời kết nối với Ấn Độ thông qua các tuyến đường vận chuyển từ các cảng trong khu vực.

Kế hoạch hạ tầng này đã được Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, cùng những người đồng cấp Ấn Độ, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bàn bạc trong cuộc họp diễn ra tại Saudi Arabia hồi tháng 5 vừa qua.

Theo thông báo của Nhà Trắng, cuộc họp nhằm thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực Trung Đông an toàn, thịnh vượng và kết nối với Ấn Độ, thế giới.

Lần đầu tiên, ý tưởng hạ tầng trên được nêu ra tại I2U2, một diễn đàn được thành lập vào năm 2021 của Ấn Độ, Israel, Mỹ và UAE để thảo luận về các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung Đông, thúc đẩy các sáng kiến đầu tư về năng lượng, nước, vận tải, không gian, y tế, an ninh lương thực trong khu vực.

Saudi Arabia mới được bổ sung tham dự vào các cuộc thảo luận gần đây.

Tuy trong cuộc thảo luận hồi tháng 5, Israel không cử đại diện tới Saudi Arabia nhưng có thể trở thành thành viên tham gia sáng kiến nếu mối quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia bình thường hóa.

Mỹ và các nước liên quan chưa công bố thông tin cụ thể về dự án này. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, đây là dự án nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Ông Chas Freeman, cựu Đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia, cho rằng kế hoạch này thiên về “chiến lược ngoại giao” hơn là cơ sở hạ tầng.

Bởi ông đánh giá Mỹ không phải là quốc gia nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực xây dựng đường sắt, trong khi Ấn Độ chưa có khả năng xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại.

Theo ông Freeman mục đích chính của dự án là nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Israel với các quốc gia Vùng Vịnh và Ả Rập. Ngoài ra, đề xuất cũng nhằm hạn chế các quốc gia Vùng Vịnh và Ả Rập hợp tác sâu hơn vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Vì hiện tại, Saudi Arabia là quốc gia thu được lợi ích lớn thứ 2 từ các khoản đầu tư thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường trong năm 2022, trong khi mức đầu tư từ sáng kiến này vào Trung Đông cũng có mức tăng mạnh khoảng 10%.

Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đang nổi lên nhiều căng thẳng về vấn đề nhân quyền, dầu mỏ.

Mỹ muốn chứng minh hiện diện tại Trung Đông?

Còn theo bà Galia Lavi, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Israel, việc Mỹ đề xuất đầu tư vào đường sắt ở Trung Đông có thể là để chứng minh nước này đang tiếp tục hiện diện tại khu vực, trái với những đồn đoán rằng Washington đang dần rời khỏi Trung Đông.

Khoảng một thập kỷ qua, Washington có chiều hướng giảm bớt can dự tại khu vực Trung Đông để tập trung vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương.

Dù Mỹ đã nhiều lần khẳng định, sẽ không chừa chỗ trống tại Trung Đông cho Trung Quốc nhưng thời gian qua, Bắc Kinh vẫn tăng cường hiện diện tại khu vực này.

Điều đó thể hiện qua hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Ả-rập đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/2022, cũng như việc Bắc Kinh cam kết hợp tác sâu rộng hơn với các quốc gia trong khu vực trên nhiều lĩnh vực từ năng lượng tới thương mại, công nghệ.

Hay như mới đây vào tháng 3, Trung Quốc đã đạt thắng lợi lớn về mặt ngoại giao tại Trung Đông khi làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran.

Phản ứng của các nước

Phản ứng trước đại kế hoạch cơ sở hạ tầng của Mỹ, theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), truyền thông Ấn Độ có phản hồi khá tích cực.

Bản thân Ấn Độ cũng nhìn nhận Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc có thể sẽ hạn chế tăng trưởng và thương mại quốc tế của nước này.

Bởi thế, trước đó Ấn Độ cũng đã tìm cách để tạo nên một hành lang giao thông tới Trung Á qua Iran rồi tới châu Âu. Tuy nhiên dự án này không thành.

Với các quốc gia Ả-rập, theo giới phân tích, khả năng họ sẽ phản ứng thận trọng. Cả 2 quốc gia UAE và Saudi Arabia đều tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Đến thời điểm này, phía UAE chưa ra thông báo chính thức sau cuộc họp với ông Sullivan, còn Saudi Arabia đã ra thông báo nhưng không đề cập tới dự án.

Ông Li Shaoxian, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Ninh Hạ cho rằng, các quốc gia Trung Đông sẽ e dè trước việc đầu tư khoản tiền lớn vào dự án khi đây không phải ưu tiên phát triển kinh tế của đất nước.

“Hiện tại, ưu tiên của Saudi Arabia là kế hoạch Tầm nhìn 2030 và cần lượng nguồn đầu tư lớn để hiện thực hóa, do đó sẽ khó có thể trở thành nhà đầu tư chính trong dự án hạ tầng của Mỹ”, ông Shaoxian phân tích.

Tầm nhìn 2030 là chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế của Riyadh, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, tập trung phát triển các lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng, sức khỏe, du lịch.

Trong khi đó, vào thời điểm diễn ra chuyến thăm Saudi Arabia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2022, Bắc Kinh và Riyadh nhất trí hợp tác thực hiện, kết nối chương trình Tầm nhìn 2030 với Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ông Li Shaoxian, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Ninh Hạ cho rằng, nếu xét từ góc nhìn cạnh tranh giữa các cường quốc, Mỹ có lẽ đã cân nhắc về chiến lược và chính trị khi đề xuất dự án này.

https://www.baogiaothong.vn/my-muon-gi-khi-thuc-day-du-an-ket-noi-vung-vinh-trung-dong-d593350.html

Hoàng Anh / Giao thông