- Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ
- Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột
Việc Bộ Tài chính Mỹ đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam và tiếp tục xác định Việt Nam “không thao túng tiền tệ” đang tạo điều kiện cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ.
Việt Nam điều hành tỷ giá minh bạch, hướng đến sự bình đẳng trong quan hệ thương mại với các nước |
Việt Nam không can thiệp tỷ giá để đạt lợi thế thương mại
Theo báo cáo bán niên “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” công bố ngày 14-11, Bộ Tài chính Mỹ cho biết không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ, trong đó có Việt Nam, có hành vi thao túng tiền tệ trong kỳ đánh giá 4 quý tính đến tháng 6-2024.
Theo thông lệ, trong một năm tài chính, Mỹ sẽ 2 lần công bố báo cáo theo dõi với một số đối tác thương mại lớn, dựa trên Mục 3001-3006 của Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus 1988 và Mục 701-702 của Đạo luật Xúc tiến và thực thi thương mại 2015. Đạo luật 1988 yêu cầu Bộ Tài chính xem xét liệu một nền kinh tế có tác động lên giá đồng tiền để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng hay không, dựa trên 3 tiêu chí do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra, gồm: thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài. Các quốc gia đáp ứng 2 trong số 3 tiêu chí nói trên sẽ tự động bị thêm vào “danh sách giám sát”, dẫn đến các cuộc tham vấn chuyên sâu và cuối cùng có thể là các biện pháp trừng phạt thương mại.
Sau khi xem xét và đánh giá các chính sách của các đối tác thương mại hiện đóng góp khoảng 78% thương mại quốc tế với Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra “danh sách giám sát” với 7 nền kinh tế là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Đức và Việt Nam vì có 2 tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai. Malaysia, quốc gia nằm trong danh sách này ở báo cáo trước đó, đã được rút ra. Trong khi Hàn Quốc được đưa vào do thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu lớn và thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ đáng kể với Mỹ.
Đi vào cụ thể, Việt Nam không vượt qua 2 tiêu chí quan trọng là thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không vượt quá 15 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai không quá 3% GDP. Theo con số thống kê, thặng dư thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã mở rộng đáng kể trong 6 năm qua, chủ yếu do tăng trưởng trong thương mại hàng hóa, dẫn đầu là hàng điện tử và máy móc. Thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam và Mỹ tới cuối tháng 6-2024 là 113 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ ba có thặng dư với Mỹ và thâm hụt 1,6 tỷ USD về thương mại dịch vụ song phương với Mỹ.
Với tiêu chí cán cân tài khoản vãng lai (thể hiện chênh lệch kim ngạch xuất nhập khẩu; chênh lệch khoản thu chi dịch vụ từ nước ngoài; thu nhập ròng từ người lao động, nhà đầu tư từ nguồn nước ngoài), thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam ở mức 5% vào cuối tháng 6-2024, vượt so với tiêu chí là 3% GDP. Tài khoản vãng lai tiếp tục ghi nhận các khoản thặng dư hàng quý lớn sau khi thâm hụt trong các năm 2021 và 2022 khi các hạn chế sản xuất liên quan đến Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập từ xuất khẩu và giá hàng hóa cao khiến chi phí nhập khẩu tăng. Về dự trữ ngoại hối, tính đến hết tháng 6-2024, con số của Việt Nam là khoảng 84,1 tỷ USD, chiếm 19% GDP. Doanh số bán ròng ngoại hối của Việt Nam từ tháng 7-2023 đến tháng 6-2024 là 1,5% GDP, tương đương khoảng 6 tỷ USD.
Do có thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai,Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia bị đưa vào “danh sách giám sát” của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi xem xét, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho rằng không có dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang can thiệp vào tỷ giá để đạt được lợi thế thương mại không công bằng với Mỹ. Báo cáo này cũng đưa ra nhận xét tích cực với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.
Phối hợp hiệu quả với phía Mỹ giải quyết những vướng mắc
Việc Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục khẳng định Việt Nam “không thao túng tiền tệ” cho thấy, chúng ta điều hành chính sách vì mục tiêu ổn định kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị của đồng tiền và ổn định nền kinh tế vĩ mô, chứ không phải vì Việt Nam tài trợ cho xuất khẩu để đảm bảo có lợi cho phía mình mà không có lợi cho phía đối tác. Việc này cũng cho thấy Việt Nam điều hành tỷ giá rõ ràng, minh bạch, hướng đến sự bình đẳng trong quan hệ thương mại với các nước, ngay cả với những nước lớn như Mỹ, từ đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Do Việt Nam thể hiện sự nghiêm túc trong việc giải quyết các quan ngại của phía Mỹ và duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Bộ Tài chính Mỹ đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố thao túng tiền tệ nào với Việt Nam. Bộ Tài chính Mỹ cũng ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc cải thiện và hiện đại hóa chính sách tiền tệ và tỷ giá, cũng như tăng cường tính minh bạch trong quản lý tiền tệ.
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá cùng việc phối hợp hiệu quả với phía Mỹ giải quyết những vướng mắc đã góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm. Kim ngạch thương mại hai chiều 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 88 tỷ USD (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 77,9 tỷ USD (tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam là 9,8 tỷ USD (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước). Đáng chú ý, lần đầu tiên Mỹ vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam với kim ngạch đạt 8,58 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024.
Về đầu tư, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11/108 nước đầu tư tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng. Tính đến đầu năm 2024, Mỹ có khoảng 1.340 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn trên 11,8 tỷ USD. Việt Nam có 230 dự án đầu tư tại Mỹ với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD. Mỹ đứng thứ 7/80 nước và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong năm 2023 và đầu 2024, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đến Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động và đầu tư tại Việt Nam như Boeing, Nike, Exxon Mobil, Amazon, Marriott, Coca Cola, Google, Facebook, Netflix… Các doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Vinfast… cũng đang mở rộng đầu tư sang Mỹ, tạo thế lợi ích đan xen.
https://www.anninhthudo.vn/my-danh-gia-tich-cuc-ve-chinh-sach-tien-te-cua-viet-nam-post595747.antd