Lầu Năm Góc cho biết từ đầu năm cho đến nay, nước Mỹ đã viện trợ cho Ukraine gần 17 tỷ USD vũ khí và trang bị.
Hãng tin RT dẫn một báo cáo của Lầu Năm Góc ngày 28/9 cho thấy danh sách các khoản viện trợ quân sự đã được Mỹ phê duyệt cho Ukraine từ đầu năm đến nay lên đến gần 17 tỷ USD, bao gồm hàng chục nghìn hệ thống vũ khí chống tăng, một triệu viên đạn pháo, vũ khí hạng nặng và hệ thống vũ khí tấn công tầm xa.
Theo báo cáo “Thông tin thực tế về Hỗ trợ An ninh của Mỹ cho Ukraine” được Lầu Năm Góc công bố ngày 28/9, khoảng viện trợ quân sự Ukraine nhận được từ Mỹ là 16,9 tỷ USD, phần lần số tiền này được giải ngân sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2/2022.
Danh sách bao gồm hơn 1.400 hệ thống tên lửa phòng không Stinger, hơn 8.500 vũ khí chống tăng Javelin và 32.000 đơn vị vũ khí chống tăng khác, khoảng 988.000 đạn pháo, 60 triệu đạn súng bộ binh và hàng chục nghìn súng cối, rocket và lựu đạn.
Mỹ đã viện trợ cho Ukraine gần 1 triệu viên đạn pháo kể từ cuối tháng 2/2022 cho đến nay. (Ảnh: Getty Images)
Lầu Năm Góc cũng đã gửi một lượng lớn vũ khí hạng nặng, trong số đó có hơn 150 khẩu lựu pháo, 20 trực thăng Mi-17, 200 xe bọc thép M113, hàng trăm chiếc Humvee và 16 hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine. HIMARS cũng là hệ thống vũ khí có tầm tấn công xa nhất từng được Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Ngoài các thiết bị “phi sát thương” như mũ chống đạn, áo giáp và thiết bị rà phá bom mìn, Mỹ còn cung cấp cho Ukraine ít nhất 700 máy bay không người lái cảm tử Switchblade và một số lượng mìn sát thương định hướng.
Trong gói viện trợ mới nhất trị giá 1,1 tỷ USD cho Kiev được công bố ngày 28/9, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ tăng gấp đôi số lượng các hệ thống HIMARS do quân đội Ukraine, tìm cách gửi thêm 18 chiếc khác thay thế cho 16 chiếc đã được chuyển giao trước đó. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói rằng có thể mất "một vài năm" trước khi các hệ thống vũ khí này sẵn sàng tham chiến vì chúng được lấy ra từ các kho dữ trự của quân đội Mỹ.
Theo một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói với phóng viên kênh CNBC rằng các hệ thống HIMARS sẽ đóng vai trò là “cốt lõi” đối với lực lượng tác chiến của quân đội Ukraine trong tương lai, đồng thời khẳng định đây là một khoản đầu tư lớn của Mỹ dành cho Ukraine để chuẩn bị một cuộc xung đột kéo dài.
Rõ ràng Mỹ đang chuyển hướng sang một kế hoạch hỗ trợ quân sự dài hơi hơn cho Ukraine, trước bối cảnh xung đột có thể kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên một số chuyên gia quân sự cảnh báo Washington có thể sẽ không theo kịp những thay đổi của chiến trường khi gánh nặng về chuỗi cung ứng vũ khí từ Mỹ đến châu Âu, và sau đó đến Ukraine ngày một lớn.
“Có một điểm mà người Ukraine sẽ cần phải thận trọng về tỷ lệ chi tiêu của họ và nơi họ ưu tiên sử dụng những loại vũ khí đó, bởi vì không có nguồn cung nào là vô hạn”, Jack Watling, một chuyên gia về chiến tranh trên bộ tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh nói với CNBC.
Trong khi ngành công nghiệp vũ khí Mỹ hiện sản xuất khoảng 30.000 viên lựu pháo 155mm mỗi năm, quân đội Ukraine hiện đang đốt cháy số lượng đạn pháo đó trong khoảng thời gian chỉ hai tuần, CNBC cho biết thêm. Một ví dụ nữa là phần lớn kho tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ đã được chuyển cho Ukraine, trong khi sản lượng chế tạo hàng năm của loại vũ khí này chỉ khoảng 800 đơn vị, điều này cho thấy các kho dự trữ vũ khí của họ sẽ sớm cạn kiết trước khi cuộc chiến này đi đến hồi kết.
https://vtc.vn/my-cong-khai-danh-sach-vu-khi-vien-tro-cho-ukraine-ar703999.html