Mỹ công bố gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 150 triệu USD nhằm trang bị cho Ukraine thêm lượng lớn đạn dược, tên lửa phòng không vác vai và tên lửa chống tăng.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/10 công bố gói viện trợ quân sự thứ 49 dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, trị giá 150 triệu USD, bao gồm lượng lớn vũ khí cá nhân, tên lửa phòng không vác vai Stinger và đạn dược bổ sung cho các hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Gói hỗ trợ còn bao gồm một số hệ thống tên lửa chống tăng Javelin, đạn tên lửa trên hệ thống tên lửa phòng không NASAMS, pháo, tên lửa AIM-9M, kính nhìn đêm và phụ tùng thay thế.
Số vũ khí trong gói viện trợ mới nhất được lấy từ kho dự trữ của quân đội Mỹ nên sẽ xuất hiện trên chiến trường trong ít ngày. "Mỹ cam kết hợp tác cùng đồng minh và đối tác để giúp Ukraine đáp ứng mọi nhu cầu trên chiến trường", thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn.
Theo thống kê được Washington Post công bố hồi tháng 8/2023 sau khi phân tích dữ liệu của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ, kể từ khi chiến sự với Nga bùng phát hồi tháng 2/2022, Ukraine đã nhận tổng cộng 66,2 tỷ USD viện trợ từ Mỹ.
Trong số đó, 43,1 tỷ USD là viện trợ an ninh (gồm 23,5 tỷ USD vũ khí), 20,5 tỷ USD viện trợ kinh tế và 2,6 tỷ USD viện trợ nhân đạo. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ cho một đồng minh hoặc đối tác kể từ sau Thế chiến II.
Mỹ đang là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine nói chung và về quân sự nói riêng. Liên minh châu Âu (EU) đứng thứ hai với tổng viện trợ 35,9 tỷ USD, kế đến là Anh và Đức với số tiền lần lượt là 11,7 và 11,6 tỷ USD. Về viện trợ quân sự, Đức xếp thứ hai sau Mỹ, kế đến là Anh.
Tuy nhiên, hoạt động viện trợ Ukraine của Mỹ đang đứng trước thách thức lớn do các tranh cãi giữa Nhà Trắng và Hạ viện Mỹ trong vấn đề ngân sách. Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn bất cứ dự luật ngân sách nào cũng phải bao gồm khoản viện trợ quân sự và nhân đạo 24 tỷ USD cho Ukraine, trong khi các thành viên cứng rắn trong đảng Cộng hòa tại Hạ viện phản đối.