Mỹ ban hành luật khí hậu mới, gia tăng căng thẳng thương mại với EU

Mỹ ban hành luật trợ cấp khí hậu mới mà nhiều quan chức EU cho là "bảo hộ", sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty trong khối, làm dấy lên nguy cơ tranh chấp thương mại.

Tránh leo thang thành tranh chấp thương mại

Trong diễn biến mới nhất, Hội đồng Công nghệ và Thương mại EU-Mỹ (TTC) lần thứ ba nhóm họp hôm 5/12 tại Washington. Vấn đề trợ cấp căng thẳng được phản ánh khi ủy viên EU Thierry Breton tuyên bố rút khỏi cuộc họp vào phút cuối, với lý do hội nghị dành quá ít thời gian giải quyết mối quan tâm của các lãnh đạo EU về luật mới của Mỹ. Ông kêu gọi thành lập một “quỹ chủ quyền châu Âu” hỗ trợ cho các ngành công nghiệp của khối.

Dự thảo kết luận mới nhất của cuộc họp cũng đã được thay đổi để ghi nhận tiến độ “sơ bộ” liên quan đến điều luật.

Một số quan chức, như ông Bernd Lange, người đứng đầu Ủy ban Thương mại Nghị viện Châu Âu, thậm chí đề xuất EU nên đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Còn Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen hôm 4/12 kêu gọi khối thay đổi các quy tắc viện trợ nhà nước và xem xét trợ cấp nhiều hơn cho quá trình chuyển đổi xanh, bên cạnh đó nên làm việc với Washington "để giải quyết một số khía cạnh đáng lo ngại nhất của điều luật”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đến Washington trong chuyến thăm cấp nhà nước vào tuần trước, đã mô tả các khoản trợ cấp là "siêu hung hăng" và cảnh báo rằng chúng có thể gây "chia rẽ phương Tây". Tuy nhiên, ông Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ nỗ lực không để các khoản trợ cấp gây ra tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Hiện các nhà lập pháp đảng Dân chủ của Mỹ cho biết họ không có kế hoạch thay đổi IRA.

 

Tại Đức, trong khi Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck kêu gọi Brussels phản ứng "mạnh mẽ" đối với các khoản trợ cấp mới của Mỹ, thì Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cảnh báo không nên tham gia vào cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Ông chỉ ra rằng nền kinh tế Đức có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường Mỹ, cho rằng Berlin nên "dựa vào ngoại giao kinh tế" để bảo vệ lợi ích thương mại của mình. Chính phủ Đức nói rằng họ rất muốn tạo ra một hiệp ước EU-Mỹ để loại bỏ các rào cản thuế quan công nghiệp, điều mà họ cho là sẽ giúp tránh được một cuộc chiến về trợ cấp và thuế quan bảo hộ.

Nhưng phía châu Âu cũng đang xem xét các lựa chọn khác. Ông Macron đưa ra ý tưởng về một “Đạo luật mua hàng châu Âu” tương tự như luật của Mỹ - đề xuất được chào đón một cách thận trọng.

Mỹ nói gì?

Khi ông Biden ký IRA thành luật vào tháng 8, ông đã ca ngợi đây là “hành động quyết liệt nhất chưa từng có” để đối mặt với khủng hoảng khí hậu và củng cố nền kinh tế - an ninh năng lượng của Mỹ”.

Chính quyền ông cho biết nó mang lại “cơ hội đáng kể cho các công ty châu Âu”, cũng như lợi ích cho an ninh năng lượng của EU, bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Kirby, cho biết: “Điểm mấu chốt, năng lượng sạch là ‘cơn thủy triều’ nâng mọi con thuyền lên… Có rất nhiều cơ hội cho mọi người trong đó”.

Trước đó, khi chiến sự Nga - Ukraine leo thang, một số nước đã cảnh giác với việc gây ồn ào về luật trợ cấp, lo rằng hình ảnh châu Âu sẽ bị chia rẽ. Nhưng từ tháng 10, tranh chấp hậu trường bắt đầu bùng nổ trước công chúng.

Một quan chức Mỹ cấp cao cho biết: “Chúng tôi cam kết thực hiện triển khai IRA nhanh chóng, giải quyết đúng những câu hỏi hóc búa và có các biện pháp bảo vệ thích hợp. Chúng tôi tin tưởng rằng có thể tạo ra những công việc được trả lương cao và giải quyết khủng hoảng khí hậu - mà không gây thiệt hại cho nhau”.

Các quan chức Mỹ cho biết thêm EU nên xem xét các khoản trợ cấp của riêng mình để phối hợp với Washington. “Các khoản trợ cấp có vai trò quan trọng trong việc giúp tăng tốc và tạo ra các kết quả tích cực (cho nền kinh tế)... Chúng tôi coi nhóm chuyên trách là một cách để đảm bảo rằng cách tiếp cận của họ và cách tiếp cận của chúng tôi có thể bổ sung cho nhau”.

https://vtc.vn/my-ban-hanh-luat-khi-hau-moi-gia-tang-cang-thang-thuong-mai-voi-eu-ar718663.html

Phương Anh / VTC News