Mừng lì xì ngày Tết là một phong tục đẹp thay lời chúc phúc cho con trẻ sang một tuổi mới bình an. Tuy nhiên, cũng vì bao lì xì mà nhiều bậc cha mẹ đã rơi vào những tình huống dở khóc dở cười, phải đỏ mặt và xấu hổ với khách.
Năm nào cũng thế, cứ trước Tết vài ngày là hai cô con gái sinh đôi 9 tuổi của chị Phạm Thị Thêu ở TP Thái Bình lại đòi mẹ mua cho một con lợn đất để bỏ tiền lì xì. Cũng chẳng biết từ bao giờ, chúng coi việc được nhiều tiền lì xì đút lợn là một dạng “thành tích” để thi đua. Cũng chính điều này đã khiến cho vợ chồng chị Thêu rơi vào những tình huống dở khóc dở cười vì con.
Trước Tết, cha mẹ hãy dạy cho con cách cứ xử đúng đắn nhất khi nhận được lì xì từ người thân (ảnh minh họa: IT)
Tết năm ngoái, vì gia đình có tang bà ngoại mới mất nên nhà chị Thêu chỉ ở nhà, không đi chúc Tết họ hàng làng xóm. Hai cô con gái biết tin này đã rất hậm hực vì cho rằng, không được đi chúc Tết nhiều nơi cũng đồng nghĩa với việc sẽ có ít tiền lì xì hơn. Vậy là ở nhà, cứ thấy có khách đến là dù đang chơi với bạn ngoài ngõ hay xem tivi ở trong nhà, cả hai đứa đều chạy ù ra chào khách và lởn vởn ở bàn uống nước đến khi nào khách mừng tuổi mới thôi.
“Hôm đó có chú khách trẻ là em trai của bạn thân chồng đến nhà chúc Tết rồi mừng tuổi cho hai đứa. Nhận lì xì xong, hai đứa kéo nhau vào chân cầu thang gần bàn uống nước rồi bóc lì xì. Khi thấy tờ 20.000 đồng, đứa nọ nói với đứa kia: “Chán thế, có mỗi 20.000 đồng, từ Tết đến giờ cái lì xì này là ít nhất”. Chú khách nghe thấy gượng chín mặt, vợ chồng mình ngồi mặt cũng đỏ lên vừa tức giận vừa xấu hổ phải tìm cách nói lảng sang câu chuyện khác” – Chị Thêu kể. Ngay sau khi người khách trẻ vè, chị Thêu đã mắng cho hai con 1 trận và phạt không được ra khỏi phòng suốt mấy ngày Tết khi nhà có khách.
Cũng vì việc lì xì ngày Tết cho của con trẻ mà có năm chị Hoàng Thị Thu (Cầu Giấy - Hà Nội) lấy chồng ở Nam Sách (Hải Dương) đã phải cãi nhau với mẹ chồng đúng vào ngày mùng 1 Tết. Số là không hiểu ai xui, ai dạy mà con gái 8 tuổi của chị lại có cái tật đi… xin tiền lì xì của khách cho em trai 3 tuổi.
Đến nhà ai chúc Tết cùng bố mẹ, ngay sau khi khách mừng tuổi, cô bé đều xin thêm: “Cô ơi, cô mừng tuổi cho em trai cháu đi, em cháu đang ở nhà với ông bà, cháu cầm hộ ạ”.
Lần đầu nghe con gái nói, chị ngượng chín mặt mắng con không được làm thế, nhưng con bé vẫn nhơn nhơn: “Bà nội dặn con như thế, thế mới là thương yêu và nghĩ đến em”. Giải thích cho con xong, vừa về đến nhà, con bé sà vào chỗ bà nội khoe: “Bà ơi con được mừng tuổi nhiều không, con còn xin cho em đây này”. Thấy mẹ chồng xoa đầu cháu cười như nắc nẻ: “Cháu bà khôn quá!”. Chị Thu sôi máu, không kìm được, chị quay ra nói với mẹ chồng là làm thế là dạy cháu tính xấu.
Hãy giúp con hiểu ý nghĩa của phong bao lì xì ngày Tết (ảnh minh họa: IT)
Thế là mẹ chồng chị Thu kêu la ầm ĩ con dâu láo dám “dạy khôn mẹ chồng, dám bảo dạy cháu tính xấu, cháu hư tại bà”…Suốt cái Tết năm ấy, gia đình chị Thu không còn vui vẻ nữa. Mùng 3 Tết mặc dù chưa hết ngày nghỉ, chị Thu xin phép chồng và ông bà cho con lên thành phố.
Nói về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương – giảng viên trường ĐH sư phạm Hà Nội cho biết, để tránh được những tình huống dở khóc dở cười xung quanh bao lì xì như trên, trước Tết các bậc cha mẹ cần dạy cho con cách nhận tiền lì xì văn minh lịch sự nhất.
“Cha mẹ hãy tìm trên mạng, câu chuyện kể về nguồn gốc chiếc lì xì. Nội dung của nó có thể tóm tắt là, trong ngày Tết, khi các Táo quân bảo vệ gia đình đã lên chầu trời, các vị bô lão ngày xưa đã nghĩ ra cách bỏ tiền xu vào cái túi đẹp tặng cho trẻ con với mong muốn các con được bảo vệ. Để điều này linh nghiệm, những chiếc lì xì phải được giữ nguyên trong bao đến khi hết Tết mới giở ra. Sau khi kể câu truyện này, hãy dạy con giữ tiền lì xì, không bóc ra trước khi hết Tết, cảm ơn người đã trao bùa hộ mệnh bảo vệ mình. Chắc chắn sẽ không còn tình trạng bóc lì xì trước mặt khác rồi chê bôi khiến bố mẹ xấu hổ” – TS Hương nói.
Ngoài ra, bà Hương cũng cho rằng, sau Tết, bố mẹ hãy cùng con bóc các lì xì, cùng con vạch ra kế hoạch chi tiêu tiền trong lì xì ấy một cách hợp lý: có thể mua dụng cụ học tập, quần áo, xe đạp… những thứ con mong muốn. Nếu số tiền lớn, có thể cùng con ra ngân hàng lập 1 sổ tiết kiệm nhỏ rồi cùng mang về cất tại một nơi kín đáo, khi rút cũng đi cùng con và cùng con chi tiêu số tiền đó một cách hợp lý.
“Điều này sẽ khiến con cảm thấy được tôn trọng, không bị đánh lừa và cũng khiến những đồng tiền lì xì không bị con tiêu một cách phung phí” – bà Hương nói.
Lì xì đầu năm - cách người Nhật dạy con về giá trị đồng tiền
Trẻ học được cách quản lý tiền bạc, cân nhắc chọn mua món đồ chơi mình thích và có thể để dành một khoản cho ... |
Lì xì Tết có còn là nét đẹp văn hoá hay đã biến tướng?
Tục lì xì mừng tuổi đầu năm đã trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người dân Việt Nam, lì xì là ... |