Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều

Với mong muốn mọi người hiểu rõ hơn về mức lương tối thiểu, mức lương cơ bản và mức lương đủ sống của công nhân lao động, sáng 16/6, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều”.

Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết, ngày 12/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng. Đó là tin vui với người lao động. Nhiều người cho biết, tuy rằng, số tiền lương tăng không nhiều nhưng ở thời điểm hiện tại cũng giúp cho họ bù đắp được phần nào chi phí sinh hoạt hay một chút chi phí trượt giá, ví dụ như tiền xăng xe, tiền gas, tiền thuê nhà…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Đức dù mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thì các vấn đề về mức lương tối thiểu vẫn còn không ít những băn khoăn: Việc kiểm soát các doanh nghiệp thực hiện tăng lương như thế nào, tăng lương có cắt giảm phúc lợi xã hội, tổ chức Công đoàn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH ra sao? Nghị định số 38/NĐ-CP không còn quy định những người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề có mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Như vậy, người lao động có bị thiệt thòi…?"

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời tại buổi tọa đàm. Ảnh: TT

Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập và chi tiêu và đời sống của công nhân lao động Việt Nam năm 2022 cho thấy người lao động phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống. Cụ thể là: 12% người lao động phải thường xuyên đi vay tiền để chi tiêu; 35,5% người lao động thỉnh thoảng (3 -4 tháng/1 lần) phải đi vay tiền; 34,8% người lao động phải đi vay tiền 1 năm từ 1- 2 lần.

Càng khó khăn thì càng phải tăng lương cho người lao động

Tại buổi tọa đàm, lý giải vì sao công nhân lao động phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định rằng người lao động đi vay tiền để giải quyết vấn đề đời thường trước mắt. Đối với họ, nếu phát sinh con ốm trong khi không làm thêm giờ, chắc chắn tháng sau là nợ tiền thuê nhà, vay nợ để mua gạo.

Với phần lớn công nhân, theo điều tra, 30% công nhân vì thu nhập quá thấp luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu. Đối với họ, đa phần đều không có tiền tích luỹ, nhà ở; cùng với đó là ốm đau bệnh tật, đóng học cho con phải đi vay tiền. Nhiều công nhân lao động còn phải "cắm" sổ bảo hiểm xã hội, căn cước công dân để đi vay tiền chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, mua gạo…

Trả lời băn khoăn của nhiều doanh nghiệp (DN) rằng, tăng lương thì ảnh hưởng khả năng chi trả của DN, ông Vũ Minh Tiến nhắc đến giải Nobel kinh tế 2021 trao cho ba nhà khoa học Mỹ với nghiên cứu về lương tối thiểu. Họ đã đưa ra kết luận, những tác động tiêu cực của tăng lương tối thiểu là nhỏ và không đáng kể. “Thực tế cho thấy, một số DN xác định, càng khó khăn thì càng phải tăng lương cho người lao động. Và từ việc tăng lương sẽ dẫn đến tăng năng suất, hiệu quả lao động, dẫn đến doanh thu tăng cao cho DN. Qua đó cho thấy, đây là mối quan hệ rất hài hoà”- ông Vũ Minh Tiến nói.

Cần nhanh chóng thực hiện lương tối thiểu giờ

Một câu hỏi đặt ra tại buổi tọa đàm, tiền lương đủ sống phải là như thế nào? PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ: Tiền lương đủ sống là khả năng tiền lương bù đắp bao phủ tất cả những chi phí cần thiết trong ngân sách cần thiết của người lao động và gia đình họ là: Ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp xã hội, an sinh xã hội, phát triển nhân lực và hòa nhập xã hội. Mức sống đó phải được điều chỉnh theo sự phát triển kinh tế.

Mức lương đủ sống phụ thuộc vào quy mô của hộ gia đình, bao gồm số trẻ em trong hộ gia đình và độ tuổi, chi phí của bố mẹ và con cái; thuộc khu vực sinh sống, nhóm ngành nghề làm việc. Như vậy mức lương đủ sống cho biết khả năng bảo đảm các chi phí cần thiết của người lao động và gia đình họ.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho hay, trong thực tiễn, chưa nhiều Chính phủ chuyển từ kiểm soát lương tối thiểu sang lương đủ sống. Để lương tối thiểu đảm bảo đủ sống thì phải nhanh chóng thực hiện lương tối thiểu giờ. Hiện nay trong thị trường lao động, một người lao động có thể đóng các vai khác nhau, chúng ta cứ căn cứ vào việc người lao động phải có hợp đồng lao động thì đẩy người yếu thế ra khỏi lưới an sinh. Do vậy, rất cần nhanh chóng ban hành luật Lương tối thiểu.

Dù ít dù nhiều đều có những lần tăng lương

Chia sẻ về vấn đề trả lương cho người lao động hiện nay, bà Nguyễn Thủy – Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Thống Nhất Hà Nội cho biết, ở phương diện DN sản xuất, trước đây, Công ty Xe đạp Thống Nhất là DN Nhà nước. Từ năm 2017, Công ty chính thức trở thành Công ty Cổ phần. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự năng động, tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ đầy tích cực. Chúng tôi tự hào là một thương hiệu thương hiệu Quốc dân.

Những năm vừa qua, Chính phủ không có những đợt tăng lương cơ bản tối thiểu vùng nhưng Công ty CP Thống nhất, dù ít dù nhiều đều có những lần tăng lương cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Tăng lương có thể là định kỳ hoặc đột xuất với những người lao động đạt thành tích tốt. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới đời sống của cán bộ, công nhân viên, người lao động từ những sự quan tâm nhỏ nhất./.

https://dangcongsan.vn/xa-hoi/muc-luong-du-song-goc-nhin-da-chieu-612253.html

Mỹ Anh / Báo điện tử Đảng Cộng sản