Thịt lợn nhập khẩu được rao bán chủ yếu trên các kênh bán hàng online và cửa hàng bán các loại thịt nhập khẩu. Tuy nhiên, với những loại thịt ngon, giá bán vẫn cao.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam khoảng 25.950 - 26.000 đồng/kg, trong đó, giá bán ra thị trường từ 33.000 - 35.000 đồng/kg.
Giá "mềm" nên thịt lợn cấp đông đang được kỳ vọng thay đổi xu hướng tiêu dùng theo chuẩn sạch, an toàn. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc thịt lợn đông lạnh nhập khẩu hiện đang được bán ở đâu?
Ghi nhận của Lao Động, các chợ dân sinh như Nghĩa Tân, Dịch Vọng Hậu, chợ Cầu Giấy... đều không bán thịt lợn nhập khẩu, mà chỉ bán thịt lợn tươi lấy từ các lò mổ ở Vĩnh Phúc, Chương Mỹ (Hà Nội), Hưng Yên, Hà Nam...
Trao đổi với PV, đại diện đơn vị thu mua bán lẻ BRG cho biết, đơn vị này không nhập thịt lợn nhập khẩu. Bà Hoàng Thị Anh – Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội cũng khẳng định, siêu thị không bán thịt lợn nhập khẩu. Trong khi đó, đại diện VinMart chia sẻ ,sẽ tính đến phương án nhập khẩu nếu Tết này thiếu thịt lợn, nhưng hiện tại chỉ bán thịt lợn trong nước.
Đại diện MM Mega Market cho biết đơn vị này có bán thịt lợn nhập khẩu. Tuy nhiên, loại thịt này trong siêu thị không đáng kể, chiếm tỷ trọng nhỏ của nguồn cung thịt lợn.
Tìm kiếm trên thị trường, sản phẩm thịt lợn nhập khẩu được rao bán chủ yếu trên các kênh bán hàng online và cửa hàng bán các loại thịt nhập khẩu.
Biểu đồ nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam qua các tháng trong năm 2019. ĐVT: Lượng: tấn; Giá NKBQ: USD/tấn |
Trao đổi với Lao Động, đại diện đơn vị bán thịt lợn nhập khẩu - Ifoods Global cho biết, hiện đơn vị này đang bán các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu của Tây Ban Nha và Đức.
Cụ thể, nạc dăm lợn nhập khẩu Tây Ban Nha được bán buôn với giá 120.000 đồng/kg; nạc vai Tây Ban Nha có giá 125.000 đồng/kg, sụn lợn Đức có giá 135.000 đồng/kg. Một số sản phẩm như cốt lết lợn nhập khẩu Đức, sườn non cánh buồm đang tạm hết hàng.
Mức giá này hiện thấp hơn 30-40% so với thịt lợn trong nước đang bán tại các chợ và siêu thị. Tuy nhiên, lại cao gấp 3-5 lần so với giá nhập về cảng Việt Nam.
Lý giải về điều này, nhân viên một cửa hàng bán thịt lợn nhập khẩu cho biết, sở dĩ những mặt hàng thịt lợn nhập khẩu có giá nhập 26.000 đồng/kg, giá bán ra thị trường từ 33.000-35.000 đồng/kg là những sản phẩm như thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương... còn thịt mông sấn, ba chỉ vẫn có giá cao.
"Các sản phẩm như chân giò, móng giò... mà các nước xuất khẩu do họ không ăn thì mới rẻ, còn bộ phận của con lợn mà họ ăn thì mình nhập giá khá cao”, nhân viên này cho biết.
Thịt lợn được nhập khẩu thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, việc nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo đó, chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam.
Cụ thể, trước khi nhập khẩu, doanh nghiệp phải có Đơn xin đăng ký kiểm dịch động vật nhập khẩu gửi Cục Thú y.
Trên cơ sở Đơn đăng ký của doanh nghiệp, Cục Thú y có văn bản cho phép doanh nghiệp được kiểm dịch lượng hàng nhập khẩu cụ thể, nêu rõ: loại hàng, số lượng cho phép kiểm dịch nhập khẩu, cửa khẩu nhập, tên doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy sản xuất, thời gian thực hiện, mục đích sử dụng và chỉ định rõ tên Chi cục Thú y vùng làm thủ tục kiểm dịch động vật nhập khẩu....
Doanh nghiệp xuất trình văn bản cho phép của Cục Thú y cho Chi cục Thú y vùng (ghi trong công văn của Cục Thú y) để thực hiện thủ tục kiểm dịch động vật nhập khẩu.
Sau khi được Chi cục Thú y vùng cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu, doanh nghiệp mới tiến hành các thủ tục hải quan để thông quan nhập khẩu.
Hiện có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thịt lợn từ các nước, các doanh nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Anh Tuấn