Nhiệt độ nóng lên toàn cầu dẫn đến một mùa hè nóng kỷ lục trong năm 2023 đã khiến việc sử dụng điều hòa nhiệt độ ở châu Âu trước kia vốn là thứ “xa xỉ” giờ ngày càng trở thành vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.
Một nhà hàng ở trung tâm Rome, Italia dùng quạt hơi nước làm mát cho khách hàng |
Trong đợt nắng nóng ở châu Âu vào tháng trước, cửa hàng quần áo cổ điển của cô Floriana Peroni đã phải đóng cửa trong một tuần. Một chiếc xe tải chở máy phát điện thuê đã chặn trước cửa nhà Peroni để cấp điện cho khu phố trung tâm Rome (Italia) bị mất điện do nhiệt độ tăng cao. Thủ phạm chính là máy điều hòa nhiệt độ.
Khoảng thời gian đó, nhiệt độ lên tới 40 độ C, dẫn đến mức tiêu thụ điện ở Italia gần tới mức cao nhất mọi thời đại, chỉ kém kỷ lục vào tháng 7-2015. Theo Công ty điện lực ARETI của Thủ đô Rome, nhu cầu về điện trong tuần thứ hai của tháng 7 đã tăng 30%, tương ứng với đợt nắng nóng kéo dài trong nhiều tuần. Giống như nhiều người dân Rome khác, bản thân cô Peroni không có điều hòa trong nhà hay cửa hàng. Thành phố này vốn thường xuyên đón gió Địa Trung Hải để hạ nhiệt độ vào ban đêm, nhưng những ngày nắng nóng đó thì không. Và thay vì cùng lắm chỉ cần bật quạt trong hè, người dân bắt đầu phải phụ thuộc vào máy lạnh.
Những năm trước, người châu Âu thường e ngại cho các tòa nhà được làm mát quá mức của Mỹ vào cao điểm mùa hè, nơi không khí lạnh tới mức có thể tràn qua vỉa hè khi có người mở cửa hay các cuộc hẹn kéo dài trong nhà giữa mùa hè mà cần phải có áo len. Ngược lại, các nhà tổ chức sự kiện ở châu Âu có thể cung cấp quạt cầm tay nếu dự báo là nắng nóng. Thực khách buổi tối thường chọn bàn bên ngoài để tránh sự ngột ngạt khi các nhà hàng hiếm khi cung cấp điều hòa nhiệt độ. Cùng với đó, để đối phó với nắng nóng, Italia và Tây Ban Nha thường đóng cửa vài giờ sau bữa trưa để nghỉ ngơi hoặc ngủ trưa. Hầu hết vào tháng 8, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoàn toàn để các gia đình có thể tận hưởng kỳ nghỉ bên bờ biển hoặc trên núi mát mẻ. Đặc biệt, người Italia sẵn lòng nhường các thành phố di sản nghệ thuật quá nóng cho khách du lịch nước ngoài, điều này làm giảm tính cấp bách của việc đầu tư điều hòa không khí cho mỗi gia đình.
Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tỷ lệ sử dụng máy lạnh ở châu Âu đã tăng từ 10% năm 2000 lên 19% vào năm ngoái, dù điều đó vẫn còn khá xa so với Mỹ, vào khoảng 90%.
Tại Italia, doanh số bán máy điều hòa không khí đã tăng từ 865.000 chiếc vào năm 2012 lên 1,92 triệu chiếc vào năm 2022, chủ yếu dành cho mục đích kinh doanh. Nước Pháp với dân số đông hơn Italia, bán được 1 triệu chiếc mỗi năm. Trước đó, điều hòa nhiệt độ rất hiếm ở Pháp cho đến khi đợt nắng nóng năm 2003 khiến hàng nghìn người, chủ yếu là người già, tử vong. Tuy nhiên, hầu hết các ngôi nhà và căn hộ riêng ở Pháp đều không có máy lạnh. Các doanh nghiệp có điều hòa sẽ thường quảng cáo để thu hút khách hàng vào những ngày nắng nóng.
Trong khi đó, bất chấp những lo ngại về chi phí năng lượng, điều hòa không khí đang nhanh chóng chinh phục các gia đình ở Tây Ban Nha, một quốc gia có truyền thống nghiêng về việc sử dụng quạt và rèm. Một nghiên cứu của Đại học Ca’ Foscari dự đoán rằng, một nửa số hộ gia đình Tây Ban Nha sẽ có máy điều hòa vào năm 2040, tăng từ mức chỉ 5% vào năm 1990. Ông Pablo Abascal, Chủ tịch Hội đồng các nhà quản lý bất động sản của Tây Ban Nha cho biết: “Với sự gia tăng của các hệ thống điều hòa nhiệt độ, nhiều tòa nhà sẽ sớm không còn chỗ để đặt các thiết bị”.
Hệ thống làm mát vẫn còn hiếm ở các nước Bắc Âu và thậm chí cả Đức, nơi nhiệt độ có thể tăng lên trên 30 độ trong thời gian dài. Và nhìn chung, nhiều người ở châu Âu vẫn phản đối điều này do chi phí năng lượng, lo ngại về tác động môi trường cũng như tác hại cho sức khỏe.
Ngay cả ở các quốc gia như CH Cyprus, nơi thường xuyên chịu nhiệt độ 40 độ C, việc sử dụng điều hòa không khí lâu dài không phải là một lựa chọn hợp lý đối với nhiều người cao tuổi sống bằng thu nhập cố định. Nhiều người trên quốc đảo Địa Trung Hải hạn chế sử dụng vào những thời điểm nóng nhất trong ngày. Ở tuổi 83, ông Angeliki Vassiliou nghĩ cả về hóa đơn năng lượng của mình và các thế hệ tương lai trước khi nhấn nút “bật”. “Lãng phí bất kỳ nguồn tài nguyên nào là sai trái và không công bằng”, ông nói.