Giấy chứng minh nhân dân (CMND) - giấy tờ tùy thân quan trọng của công dân do cơ quan công an có thẩm quyền cấp, đang “được” mua bán dễ dàng tại nhiều cửa hàng cầm đồ ở Hà Nội.
Cảnh mua bán Giấy chứng minh nhân dân và các giấy tờ tùy thân khác (Hình ảnh cắt từ clip do phóng viên Báo Lao Động thực hiện).
Lợi dụng việc mua bán CMND quá dễ dàng, kẻ xấu sẽ sử dụng những thông tin cá nhân từ CMND của người khác vào những mục đích xấu, như mở thẻ ngân hàng, sau đó lợi dụng chiếm đoạt tài sản, để lại những hậu quả khó lường.
Biết phạm luật nhưng vẫn bán
Trong vai người muốn mua CMND, phóng viên Báo Lao Động tìm đến một số cửa hàng cầm đồ trên đường Láng, Hà Nội. Chúng tôi vào cửa hàng đầu tiên với biển hiệu “Cầm đồ sinh viên”, đề nghị mua một chiếc CMND với lý do cần để làm giấy tạm trú tạm vắng. Chủ cửa hàng hơi ngập ngừng, hỏi lại: “Chứng minh nhân dân hả… à, cháu muốn mua chứng minh nhân dân hả, muốn mua thì… à ừ, của con gái hay con trai cháu. Con gái à, chẳng nhớ có cái nào không”. Sau vài giây “ừ à”, người đàn ông này liền mở tủ, nói: “Chờ chú tí, chắc là… có đấy. Con này nó là sinh viên Đại học Ngoại thương, sinh năm 94”.
Ông ta lấy ra một bọc nylon các loại giấy tờ được cầm cố như bằng lái xe, thẻ thư viện, thẻ học viên… Chiếc CMND của nữ sinh đại học bọc trong gói giấy. Ông ta đòi 500.000 đồng và giải thích: “Cháu biết chú cầm cho nó bao nhiêu không. Đây nhé, của nó là C.T.N đây này, cầm cho nó 4 triệu đây này, mà nó bỏ lại không lấy. Giờ là chú bán lỗ đi bao nhiêu rồi đấy, không phải đùa đâu, 500.000 là bình thường...”. Để chúng tôi thêm tin tưởng, ông ta đưa ra tờ giấy cầm đồ của nữ sinh này, chỉ vào con số 4 triệu đồng. Chỉ kịp để chúng tôi nhìn thấy con số 4 triệu, ông ta vội vàng cất đi ngay.
Thấy chúng tôi mặc cả, chê đắt, ông ta gợi ý chúng tôi lấy CMND của nam giới và lý giải rằng nam giới sẽ rẻ hơn vì số lượng nhiều hơn. Tiếp tục lục tìm trong gói nylon đủ các loại giấy tờ, ông ta lẩm bẩm: “Đây này, chú bị nó bỏ nhiều đây này, nó cứ cầm rồi bỏ lại không lấy. Đây này, lấy cái này cho nó rẻ này, photo công chứng, sợ gì. Chú bán rẻ cho miễn là cháu làm được đăng ký tạm trú tạm vắng, nhờ thằng nào nó đến làm hộ cho. Cái này photo họ (công an - PV) không để ý mặt đâu. Cần gì phải giống, photo người ta cũng không để ý mặt đâu”. Rồi ông ta hướng dẫn chúng tôi thay ảnh cá nhân, để làm việc dễ dàng hơn: “Chỉ cần bóc cái này ra rồi lấy ảnh của mình vào rồi mang ra những hàng ép dẻo, để người ta ép lại cho là được. Sợ gì”.
Tại một cửa hàng cầm đồ khác, chủ cửa hàng tỏ ra thận trọng hơn khi chúng tôi hỏi mua CMND. Chỉ sau khi chúng tôi nói rằng mình được một chủ cửa hàng khác giới thiệu đến đây thì ông này mới cho biết cửa hàng có bán CMND, và nói bằng giọng điệu có phần thận trọng, hơi cau có: “Vấn đề không phải là có hay không mà là các em mua được bao nhiêu thì nói luôn cho đỡ mất thời gian, bình thường anh bán cái này phải mấy trăm ngàn. Bởi vì em phải hiểu là CMND làm sao thanh lý bán như các thứ được, mua được bao nhiêu thì nói anh xem… CMND có phải tài sản gì đâu mà mua bán đơn giản được,...”.
Nói rồi, ông này hỏi chúng tôi mua CMND để làm gì; sau khi nghe chúng tôi nói cần mua để làm tạm vắng tạm trú, ông ta nhăn mặt, cầm chùm chìa khóa đứng dậy đi vào mở cánh cửa tủ để tận phía bên trong góc cửa hàng, lấy ra một hộp sắt đựng các loại giấy tờ được người dân cầm cố… Mỗi loại được xếp riêng thành từng cọc.
Sau hồi lục tìm, ông này đưa cho chúng tôi CMND của nữ tên Đ.T.L, sinh năm 1989, thường trú tại Quốc Oai và một CMND nữ, sinh năm 1991, thường trú tại Ô Chợ Dừa, Hà Nội. “Đây có 2 cái để em chọn, em lấy cái nào. Nếu làm tạm trú, tạm vắng thì lấy cái thường trú tại Quốc Oai hợp lý hơn” - ông ta tư vấn, đồng thời ra giá 400.000 đồng cho CMND trên.
Khi chúng tôi hỏi: “Liệu những người có chứng minh thư này bỏ đi có quay lại lấy không?”, người bán đáp: “Bỏ rồi thì còn lấy gì nữa. Đấy có 2 cái, lấy được cái nào thì lấy, còn mấy cái này là cũ mấy năm nay rồi, nếu lấy thì đã lấy trong năm nay rồi. Nữ giới thì có ít thôi, nam giới mới có nhiều...”.
Chúng tôi có ý mặc cả, ông này gắt “Không bớt được đâu. CMND có phải tài sản gì đâu mà mua bán đơn giản được. Cái này (CMND) không phải như cái điện thoại mà không mua chỗ này thì mua chỗ khác. Anh làm ở đây 10 năm nay thì mới có những cái này. Bây giờ em đi làm một cái CMND đã mất bao nhiêu tiền rồi”. Chưa đầy 5 phút mặc cả, người đàn ông này đồng ý bán cho chúng tôi chiếc CMND nữ giới sinh năm 1989 với giá 300.000 đồng.
Làm được thẻ ATM không chút khó khăn
Với chiếc CMND mua được ở cửa hàng cầm đồ, chúng tôi đến một ngân hàng thử mở thẻ ATM. Thậm chí không cần phải ra cửa hàng ép, dán ảnh để thay ảnh trên CMND bằng ảnh của mình như lời gợi ý của chủ cửa hàng cầm đồ.
- Chị đến làm thẻ ATM cho chị ạ? Nhân viên ngân hàng hỏi
- Đúng rồi, mình làm thẻ cho mình.
- Chị cho em mượn CMND nhé.
Khi nhân viên ngân hàng yêu cầu đưa CMND để mở thẻ, chúng tôi đưa chiếc CMND mua được có tên Đ.T.L, ảnh trên CMND khác hoàn toàn so với gương mặt chúng tôi, nhưng nhân viên ngân hàng dường như không hề để ý và bận tâm đến điều này mà chỉ nhìn CMND đọc số chứng minh và ghi lại địa chỉ thường trú.
Sau đó theo đúng quy trình, chúng tôi kê khai một số thông tin cá nhân lên tờ phiếu đăng ký mở thẻ, còn nhân viên ngân hàng vẫn cầm chiếc chứng minh thư. Dù chúng tôi ngồi đối diện với nhân viên ngân hàng khá lâu, nhưng người này không hề phát hiện ra sự khác biệt của hai gương mặt, mặt tôi và gương mặt trên ảnh chứng minh thư. Do đó chỉ sau một hồi kê khai những thông tin rất đơn giản, chúng tôi đã làm được thẻ ATM không chút khó khăn.
Dễ bị lừa đảo, mất tiền trong tài khoản
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội: Theo Hiến pháp 2013 thì quyền nhân thân của công dân Việt Nam đã được đưa lên một tầm rất cao. Trong đó cụ thể là bảo vệ quyền hình ảnh, quyền thông tin cá nhân. Khi một số đối tượng, cụ thể là các hiệu cầm đồ đang rao bán số lượng lớn chứng minh thư. Người mua rõ ràng biết họ đang chiếm dụng và sử dụng thông tin cá nhân của người khác nhằm một mục đích nào đó, mục đích ở đây cũng có thể là thu lợi bất chính, cũng có thể để đảm bảo cho công việc liên quan đến lĩnh vực của mình. Khi những thông tin cá nhân ấy có giá trị để đăng ký tài khoản ngân hàng hoặc có giá trị để chứng minh nhân thân một người đang vay tín dụng tiêu dùng trong trường hợp mua bán trả góp và những trường hợp này đang để lại những hệ lụy rất lớn.
Những người không thực hiện giao dịch này bỗng dưng một ngày xuất hiện một khoản nợ, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, việc có một chứng minh thư để mở một tài khoản ngân hàng là rất dễ dàng. Khi đó họ sẽ đưa số tài khoản ngân hàng này lên, nó biến dưới một hình thức khác để nhận những khoản tiền từ các giao dịch online đưa đến, sau khi nhận những giao dịch đó xong, họ sẽ hủy chứng minh thư và thẻ ngân hàng sau khi rút tiền. Lúc này những người bị lừa trên mạng sẽ không tìm ra được ai là người đã thu tiền của mình. Đây là một loại tội phạm công nghệ nhưng đã phối hợp rất tốt giữa việc thực tế có tài khoản ngân hàng tức là xác minh được người nhưng người này lại do thông tin mua bán từ chứng minh thư.
Quy trình đăng ký tài khoản của các ngân hàng hiện tại đang có nhiều bất cập. Về quy trình thì đấy đủ nhưng thực hiện lại đang vì bị ép doanh số, ép chỉ tiêu dẫn đến việc xác minh không chính xác theo đúng quy trình, dẫn đến xuất hiện những tài khoản ngân hàng ảo và bị những kẻ xấu lợi dụng để thực hiện những hành vi lừa đảo của mình. Đây là những hệ quả đáng lo lắng nhất.
Còn nhiều bất cập về luật pháp
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - cho rằng, Nghị định 167/2013/NĐ-CP năm 2013 quy định phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; Tẩy xóa, sửa chữa chứng minh nhân dân; Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp chứng minh nhân dân; Làm giả chứng minh nhân dân; Sử dụng chứng minh nhân dân giả. Phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng đối với hành vi thế chấp chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Tuy nhiên theo luật sư Trương Thanh Đức, pháp luật quy định về việc không được tặng cho, không được cho thuê, không được thế chấp là hoàn toàn đúng, nhưng cách quy định như thế còn rất nhiều khiếm khuyết, không bao quát được vấn đề.
Cấm cho thuê, cấm cho mượn nhưng lại không cấm việc mua bán, trao đổi, đấy là những hành vi hoàn toàn tương tự, thậm chí còn ở mức độ nguy hiểm và vi phạm nặng hơn thì lại không cấm. Dẫn đến hậu quả là việc xử phạt vi phạm hành chính nguyên tắc là phải có quy định cấm, quy định không cho phép thì mới được xử phạt. Thiếu sót những chữ như “cấm cầm cố”, “cấm chuyển nhượng”, “cấm mua bán”, thành ra, nếu áp dụng đúng nguyên tắc của pháp luật thì người dân chỉ bị phạt khi pháp luật quy định rất rõ ràng của cơ quan nhà nước chứ không được lạm quyền, không được làm những điều pháp luật không cho phép nên hiện nay vô cùng thiếu sót về tính chất, đặc điểm như thế là vi phạm, là bất hợp pháp nhưng nếu căn cứ vào từng câu chữ một, đúng như pháp luật thì lại không xử phạt được những người mua bán bất hợp pháp hàng trăm, hàng nghìn CMND.
Chuyện lạ: Xin điều chỉnh cho đúng giới tính, huyện hướng dẫn chuyển giới
Do không biết chữ, khi làm giấy chứng minh nhân dân, anh Lâm Văn Châu bị cán bộ tư pháp ghi nhầm là Lâm Thị ... |
Bỏ hộ khẩu là có lợi cho dân, dứt khoát làm
Chính phủ thông qua phương án về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân ... |