Mr Pips và chiêu lừa tinh vi khiến 2.600 người ‘sập bẫy’

Xuất thân từ du học sinh ngành công nghệ thông tin, TikToker Mr Pips xây dựng hình ảnh hào nhoáng, giàu sang, từ đó tạo nên "chiếc bẫy" lừa đảo hàng nghìn người.

Công an TP Hà Nội đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng do Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips, trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter, ở quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cầm đầu.

Công an Hà Nội đánh giá đây là đường dây lừa đảo lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay trong lĩnh vực ngoại hối, chứng khoán.

"Phông bạt" hình ảnh

Phó Đức Nam sinh năm 1994, tại phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi tốt nghiệp THPT, Nam nhận học bổng toàn phần tại một trường đại học ở Singapore, chuyên ngành học về công nghệ thông tin.

TikToker Mr Pips trước khi bị bắt.

TikToker Mr Pips trước khi bị bắt.

Nam có khả năng nói tiếng Anh lưu loát, có chứng chỉ IELTS 8.5. Hành trình phạm tội của Nam bắt đầu khi hắn bắt tay hợp tác với Lê Khắc Ngọ và một đối tượng người Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng "chiếc bẫy" tinh vi, hoàn hảo.

Trước khi bị công an lật tẩy hành vi lừa đảo, Mr Pips là TikToker nổi tiếng trên mạng xã hội. Để thu hút được nhiều "con mồi", Mr Pips, Mr Hunter tận dụng triệt để mạng xã hội TikTok và Facebook thường xuyên đăng tải các clip chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư, cách kiếm tiền, dạy cách làm giàu.

Nhằm chứng minh cho các hoạt động đầu tư của bản thân đem về lãi suất lớn, Mr Pips khoe tiền, khoe siêu xe, chia sẻ về cuộc sống "thượng lưu", xa hoa, giàu có. Trong các clip, Mr Pips đều nói rằng số tài sản này đều có được từ việc đầu tư, từ đó kêu gọi mọi người tham gia vào hệ thống của hắn.

Mr Pips dần trở thành thần tượng giới trẻ, "idol" trong làm giàu, kinh doanh tài chính.

Thực tế trước đó, Nam, Ngọ và đối tượng người ngoại quốc chỉ đạo 7 đối tượng khác ở Việt Nam thành lập nhiều công ty ma làm "bình phong" để tuyển dụng nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

Phó Đức Nam tại cơ quan công an.

Phó Đức Nam tại cơ quan công an.

Trong thời gian ngắn, bộ máy của Nam có tới khoảng 1.000 nhân viên, làm việc từ 8h đến 21h hàng ngày. Các đối tượng đã tạo lập, quản lý 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là giao dịch trên các sàn quốc tế, có uy tín, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Theo công an, nhóm của Mr. Pips Phó Đức Nam thành lập, sử dụng danh nghĩa của Công ty TNHH INVESTO, Công ty TNHH USIN VN, Công ty TNHH ARTEX VINA để tuyển dụng nhân viên làm việc dù không đăng ký hoạt động chứng khoán hay tài chính.

Ban đầu nhóm lừa đảo sử dụng các ứng dụng Zalo, Telegram... liên hệ, dụ dỗ để khách hàng tham gia đầu tư với lượng tiền nhỏ, nhiều lần và có thể rút tiền được.

 

Sau đó, nhóm đưa thông tin khuyến khích khách hàng nộp thêm tiền, chốt các mã lời cao khiến tài khoản bị "cháy" và chiếm đoạt số tiền mà khách đã chuyển.

Dựng sàn giao dịch giả

Phân tích thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, chuyên nghiệp của Mr Pips và đồng phạm, Công an Hà Nội cho biết, các đối tượng tạo dựng ra sàn giao dịch giả.

Cụ thể, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ cấu kết với nhóm người nước ngoài thiết lập các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán quốc tế giả mạo, mang giao diện giống các sàn giao dịch uy tín quốc tế. Các sàn này được lập trình có đòn bẩy tài chính lớn (thấp nhất 20 đến 1.000 lần số tiền khách nạp) luôn thắng người đầu tư khi nạp tiền vào, tài khoản nhà đầu tư sẽ tự động "cháy" khi tham gia đặt lệnh.

Các sàn này không được cấp phép ở Việt Nam, hoạt động bất hợp pháp và sử dụng phần mềm giao dịch giả để thao túng kết quả, phần mềm được lập trình tỷ lệ sàn thắng cao hơn người tham gia đầu tư, thiết lập đòn bẩy tài chính cao khiến cho người tha gia càng đặt lệnh nhiều thì tỷ lệ "cháy" tài khoản càng cao.

Dàn siêu xe bị thu giữ trong vụ án Mr Pips.

Dàn siêu xe bị thu giữ trong vụ án Mr Pips.

Để tăng uy tín khiến "con mồi" dễ dàng sập bẫy, Mr Pips tổ chức hội thảo, sự kiên và khoá học đầu tư trên mạng, quảng bá xây dựng hình ảnh cá nhân là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán quốc rế để thu hút bị hại tham gia.

Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ cùng các đối tượng tổ chức nhiều hội thảo hoành tráng và các khoá đào tạo đầu tư trực tuyến online về phương pháp kiếm tiền dễ dàng từ đầu tư chứng khoán quốc tế, khiến bị hại kích thích, sẵn sàng xuống tiền tham gia.

Bên cạnh đó, các đối tượng là nhân viên sale, leader, quản lý văn phòng... đều sử dụng nhiều tải khoản zalo, telegram, viber, lập ra nhiều hội nhóm đầu tư, giả làm chuyên gia tài chính, thầy đọc lệnh, phân tích kỹ thuật, mã lệnh, đóng giả làm bị hại để "quây" các bị hại khi tham gia, nhằm mục đích tạo niềm tin và điều tra thông tin tài chính của bị hại, sau đó dụ dỗ bị hại tham gia để chiếm đoạt tiền.

Các đối tượng chăm sóc bị hại 1-1 liên tục và thân mật, để bị hại cảm thấy sự đồng hành và nhiệt tình, được chăm sóc, tôn trọng trong quá trình tham gia đầu tư. Sau đó, các đối tượng đưa lệnh, đọc lệnh trên các hội nhóm của các đối tượng để bị hại đặt lệnh theo, nhằm đưa bị hại cuốn vào dòng tiền bị thua, khiến bị hại tiếp tục ham muốn nạp thêm tiền để gỡ. Bị hại càng đặt nhiều lệnh thì càng nhanh chóng bị "cháy" tài khoản.

Đến nay, Công an TP Hà Nội xác định được hơn 2.600 bị hại trên toàn quốc, với số tiền đã nạp ban đầu khoảng 50 triệu USD.

Tuy vậy, quá trình tìm, xác minh bị hại trong vụ án cũng khiến cơ quan điều tra gặp không ít khó khăn, gian nan.

Các bị hại nghĩ đây là những sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống, việc bị mất tiền là do may rủi nên không hợp tác, trình báo, từ chối cung cấp thông tin của các đối tượng cho cơ quan điều tra.

Khi công an trực tiếp liên hệ với một số bị hại để xác minh, bị hại lại tưởng các điều tra viên là kẻ lừa đảo mạo danh. Có trường hợp khi điều tra viên liên hệ, bị hại liền buông lời "thôi quay về làm người đi cháu ạ".

Nhiều nạn nhân vẫn không tin bản thân bị đường dây của Mr Pips lừa đảo chiếm đoạt tiền. Chỉ đến khi thông tin vụ án được đăng tải trên báo chí thì nhiều người mới gọi điện trình báo với cơ quan điều tra.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng thu giữ, phong tỏa 316 tỷ tiền trong tài khoản, trái phiếu trị giá 9 tỷ đồng, sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng; 69 tỷ đồng, 2,3 triệu USD; 890 miếng vàng SJC; 246kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe, 7 mô tô hạng sang, 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 84 trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương... Bên cạnh đó, nhà chức trách đã phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản.

Cuối tháng 12, Công an Hà Nội tiếp tục tạm giữ thêm một ô tô hiệu Mercedes, 12 tỷ đồng trong tài khoản, 18 chung cư, bất động sản trị giá khoảng 100 tỷ đồng, truy thu thêm 500.000 USD trong tài khoản ngân hàng tại Singapore của Nam.

Tổng giá tài sản Công an Hà Nội đã thu giữ được khoảng 5.300 tỷ đồng.

https://vtcnews.vn/mr-pips-va-chieu-lua-tinh-vi-khien-2-600-nguoi-sap-bay-ar924768.html

Minh Tuệ / VTC News