Mong mãi chưa được mụn con

Không thể sinh con như những người bình thường, nhiều phụ nữ phải nhờ đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), để mong có được mụn con. Thế nhưng, kể cả khi đã mang trong mình mầm sống thiêng liêng ấy, cơ hội được làm mẹ với họ vẫn hết sức mong manh.

mong mai chua duoc mun con

Chia sẻ

Nhân viên y tế khoa Sản 1 đang chăm sóc cho những thai phụ nằm tại khoa. Ảnh: T.H

Thèm tiếng ầu ơ

Tại Khoa sản 1 (BV Phụ sản TƯ) mỗi khi có người trở dạ, quẳn quại rồi nghe tiếng khóc oe oe, thì ở phía cuối giường phòng số 10, một thai phụ nén những tiếng thở dài rồi quay mặt gạt những giọt nước mắt tuôn rơi. Đó là Nguyễn Thị Như (41 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội). Chị Như hiện đang mang thai 13 tuần bằng phương pháp IVF. Nói đến đây, chị chực khóc: “Tôi đã nhiều lần mang thai, nhưng chưa một lần được làm mẹ. Lần nào cũng chỉ được vài tuần là sẩy... ”.

Là người hoạt bát, ngoại hình ưa nhìn, lại làm việc trong một cơ quan nhà nước, nhưng 31 tuổi, chị Như mới lập gia đình. Sau ngày cưới 2 tháng, chị mang bầu. Khi chị có thai được 2 tháng, trong 1 lần ngã xe và sẩy thai. Sau đó, chị phải đến BV để hút thai.

Thời gian tiếp theo, vợ chồng chị vẫn sinh hoạt tình dục bình thường, nhưng không thấy mang thai. Nhà chồng chỉ có mỗi mình anh là con trai, nên mẹ già càng mong có cháu bế bồng. Bà mua đủ thức ăn ngon, tẩm bổ cho con dâu. “Bà hay thở dài, nhìn nhà người ta, con bồng, cháu bế mà thèm. Không biết bao giờ tôi mới có cái phúc ấy nữa”, chị Như kể.

Vợ chồng chị cũng rất sốt ruột. Vì vậy, cả hai đã đến BV thăm khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chị bị hẹp vòi trứng do hút thai và khó có khả năng mang thai. Chồng chị động viên: “Nếu không có con thì vợ chồng mình nhận một đứa con nuôi và sống với nhau cả đời”. Nói là thế, nhưng chị cũng thấy nét buồn trong đôi mắt anh, nên tìm cách chạy chữa. Hết giờ làm, chị đi đến các phòng phám, BV tư ở Hà Nội để tìm hiểu. Phòng khám nào cũng bảo có thể chữa được, thế là chị chạy chữa. Thế nhưng vài tháng không thấy gì, chị lại tìm nơi khác.

Không chỉ chữa tây y, hễ nghe giới thiệu thầy lang nào chữa được vô sinh là chị tìm đến, không quản đường xá, nắng mưa. “Tôi không nhớ mình đã gặp bao nhiêu thầy lang, đi bao nhiêu tỉnh, chỉ nhớ là nơi nào có hy vọng, tôi đều tìm đến” - chị Như chia sẻ.

mong mai chua duoc mun con
Bác sĩ Hồ Sĩ Hùng tư vấn về vô sinh, hiếm muộn và phương pháp điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: T.H
Gian nan

Năm 2005, chị đến BV Phụ sản TƯ khám và được tư vấn sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Sau khi bàn bạc, đầu năm 2006, vợ chồng chị đồng ý làm IVF. Sau 2 tuần chờ đợi, kết quả là con số 0. Gia đình động viên, bởi dù làm IVF thì tỷ lệ thành công cũng chỉ được 50%. Sau khi chuẩn bị sức khỏe, tiền bạc, năm 2008, chị làm IVF lần thứ hai và kết quả cũng như lần trước.

Quyết không nản, vợ chồng chị làm tiếp IVF vào các năm 2009, 2010. Trong những lần này, chị thụ thai thành công, nhưng dù đã hết sức giữ gìn, thai chỉ được 2 tháng là sẩy. Chị buồn, gian đình buồn. Thậm chí, mẹ chồng còn cho rằng, có người âm theo chị, nên mời thấy cúng về đuổi tà ma. Cho rằng có nguyên nhân gì đó, vợ chồng chị tiếp tục làm các xét nghiệm và được xác định bị chứng rối loạn đông máu, nên rất hay sẩy thai. Buồn chán, chồng chị bảo không sinh nữa, mà nhận con nuôi.

Nhưng rồi, chị vẫn muốn có một mụn con do chính mình mang nặng đẻ đau sinh ra. Cách đây mấy tháng, chị quyết định làm IVF lần thứ 5. Rút kinh nghiệm những lần trước, khi thai mới được 5 tuần tuổi, chị đi kiểm tra. Bác sĩ bảo nguy cơ sẩy rất cao, nếu giữ được thì cũng sinh non. Không muốn chờ thêm thời gian nữa, chị xin nghỉ việc và chuyển vào sống trong BV từ đó đến nay. Cuộc sống trong BV chật trội, thiếu thốn đủ thứ, lại phải chen chúc nhau 2-3 người một giường. Ngày ngày, chồng và mẹ chồng thay nhau mang cơm, nước uống cho con. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng chị vẫn không nản, thấy mỗi ngày bụng càng to lên, chị càng hy vọng. Thế nhưng, qua những gì bác sĩ nói, chị rất sợ sẽ bị sẩy thai như những lần trước. “Tôi muốn được làm mẹ một lần. Khổ thế nào tôi cũng chịu được. Thế nhưng, không biết lần này tôi có được làm mẹ không”, chị Như nghẹn ngào.

Cũng theo chị Như, mỗi lần làm IVF, chi phí khoảng 50 triệu đồng. Cũng vì thế, lấy nhau được 10 năm nhưng vợ chồng chị chẳng dư dả được gì, bởi dư dả đồng nào lại dành đi làm IVF. Nhưng rồi chị bảo: “Tiền nong mình vẫn có thể xoay sở được, còn trong nhà không có đứa con buồn lắm. Thấy người ta bế con, cưng nựng, tôi nghĩ mà thèm”.

May mắn hơn chị Như, trong phòng số 10 có nhiều phụ nữ khác mang thai bằng phương pháp IVF đang chờ sinh. Tâm trạng ai cũng vui mừng, phấn khởi, chờ ngày mình được làm mẹ. Chị Nguyễn Thị Hoa (huyện Đông Anh, Hà Nội), được chẩn đoán song thai. Hiện thai nhi đã được 36 tuần tuổi, nên chỉ ít hôm nữa sẽ sinh. Chị bảo: “Suốt hàng chục năm trời, chạy chữa đủ nơi nhưng không được. Khi đậu thai, tôi đã ăn nằm trong này suốt mấy tháng trời để giữ gìn và được các bác sĩ chăm sóc. Vất vả bao nhiêu tôi cũng chịu được, chỉ mong có được mụn con thôi”.

Tỷ lệ vô sinh cao

Bác sĩ Hồ Sỹ Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe sinh sản Quốc gia (BV Phụ sản TƯ) - cho biết, hiện có khoảng 7,7% số người trưởng thành ở Việt Nam vô sinh. Trong đó, nguyên nhân do vợ chiếm 40%, do chồng 40%, cả hai vợ chồng 10% và không rõ nguyên nhân chiếm 10%. Tại Trung tâm, mỗi ngày có khoảng 150 bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến vô sinh, hiếm muộn. Còn mỗi năm có khoảng 2.500 lượt bệnh nhân đến điều trị theo chu kỳ. “Chuyện sinh con là một trong những vấn đề quan trọng nhất của hôn nhân. Nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ do không thể có con. Ấy là chưa kể, nhiều người quan niệm lạc hậu, cứ đổ lỗi cho vợ, trong khi không tìm hiểu kỹ, họ cho rằng, con cái họ khỏe mạnh bình thường, thì lỗi phải do vợ”, bác sĩ Hùng nói.

Theo bác sĩ Hùng, nếu kết hôn lâu mà chưa có con, vợ chồng cần đi khám để xác định nguyên nhân do đâu. Từ đó, mới có hướng điều trị thích hợp.

Lý giải nguyên nhân nhiều chị em có thai nhưng hay bị sẩy, bác sĩ Hùng cho biết, có nhiều nguyên nhân. Một trong những lý do rất phổ biến là do nhiễm sắc thể (NST) bất thường dễ dẫn đến sẩy thai. Theo đó, khi trứng gặp tinh trùng, có thể do trứng hoặc tinh trùng bị lỗi khiến NST không thể khớp với nhau theo quy cách. Trong trường hợp này, phôi thai được thụ tinh sẽ bất thường về NST và thai kỳ thường sẽ chấm dứt sớm. Lý do nữa là do tử cung hoặc cổ tử cung có vấn đề. Những bất thường ở đây bao gồm: Có vách ngăn ở tử cung; tử cung có sẹo để lại từ lần mổ trước; cổ tử cung không đóng kín,…làm giảm cơ may có thai bình thường.

Ngoài ra, sẩy thai có xu hướng tăng theo độ tuổi. Trên thực tế, nguy cơ sẩy thai lên tới 15% đối với người trên 35 tuổi, từ 35 đến 45 tuổi, nguy cơ này là 20% đến 35 %. Nguy cơ sẩy thai cao nhất đối với những người mang thai trên 45 tuổi. Ngoài những nguyên nhân trên, người bị bệnh rối loạn đông máu; những chị em tiếp xúc nhiều với hóa chất, thuốc trừ sâu; vệ sinh không hợp lý cũng làm tăng nguy cơ sẩy thai.

Bác sĩ Hùng cho rằng, đối với chị em bị sẩy thai nhiều lần, thì nên đi xét nghiệm NST. Nếu NST bình thường, bác sĩ sẽ tư vấn và tìm hiểu các nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng sẩy thai liên tiếp của chị em. Hơn nữa, khi đã có thai, chị em nên đi khám định kỳ tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản. Nếu có những bất thường như hở eo tử cung, bác sĩ sẽ có chỉ định khâu vòng eo cổ tử cung sớm để tránh sẩy. Chị em cũng phải chú ý vệ sinh cá nhân, vì tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo, tử cung cũng là nguyên nhân gây sẩy thai. Đối với người sẩy thai tái phát (từ 3 lần trở lên), hai vợ chồng cần được khám toàn diện và làm các xét nghiệm đầy đủ, cũng như được tư vấn cẩn thận trước khi mang thai lần sau. Hơn nữa, khi mới mang thai, chị em cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, uống bổ sung viên sắt và axit folic để bổ sung vì đây là một trong nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng và gây sẩy thai.

mong mai chua duoc mun con Tắc vòi trứng, không tinh trùng muốn có con, thách đố thầy lang

Những ca vô sinh được cho là điều trị thành công nhờ thầy lang, thuốc gia truyền chỉ là may mắn, vô tình. Với những ...

/ https://laodong.vn