"Sợ lắm! Sao cái thứ ô nhiễm của cả tỉnh lại bắt một mình thôn chúng tôi phải gánh chịu?", bà mẹ người Sán Dìu nói.
"Sợ lắm! Sao cái thứ ô nhiễm của cả tỉnh lại bắt một mình thôn chúng tôi phải gánh chịu?", bà mẹ người Sán Dìu nói.
Ba bà mẹ Sán Dìu xuống nhà tôi vài tháng trước. Tôi ân cần tiếp đón và xin nghe mọi việc. Ý kiến của họ cũng giản dị thôi. Tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung của tỉnh tại thôn Trung Mầu của họ.
Mà đất thì đã bị Nhà nước thu hồi để làm dự án gần hết rồi, nay còn một ít mà lại thu nốt thì vừa đói, vừa sống cùng ô nhiễm chắc chết mất. Hết tháng này là chính quyền thu hồi đất của dân. "Chúng tôi chỉ muốn một cuộc sống thật bình yên, có đất đai như xưa. Cứu giúp chúng tôi với", họ nói với tôi. Tôi đã nói rằng tôi cũng chỉ là dân thường, nhưng sẽ tìm hiểu cụ thể và đề xuất lời giải dưới góc nhìn của một chuyên gia.
Thực tế tại thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, đất đai nông nghiệp đã gần hết, bà con lo lắng về sinh kế là phải. Xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung theo công nghệ hiện đại là đúng hướng, nhưng quy hoạch đặt ở đâu lại là chuyện lớn, cần xem xét kỹ để quyết định sao cho hợp cả chuyên môn và đạo đức.
Tôi quyết định phải viết thư cho Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - người phụ trách ngành - và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì để góp ý, hy vọng sẽ thay đổi được. Tôi ngồi bên bàn phím máy tính, giai điệu của bài hát "Nụ cười sơn cước", ký ức những ngày đi sơ tán bom Mỹ, những câu chuyện với người thiểu số trong các chuyến công tác, món nợ ân tình với đồng bào các dân tộc lại tràn về.
Hồi bé, bố đi bộ đội, mẹ theo ông nội mang tôi tản cư xuống Hải Phòng để chạy giặc. Tôi vẫn hỏi mẹ thế bố ở đâu? "Bố phải đi làm trên vùng núi chỗ bà con dân tộc thiểu số", mẹ trả lời.
Ở vùng địch tạm chiếm tôi ở, ca nhạc chỉ toàn những ca khúc tiền chiến. Trong số các giai điệu ngọt ngào ấy, không hiểu vì sao tôi thích nhất bài "Nụ cười sơn cước" của nhạc sĩ Tô Hải. Chắc cũng chỉ vì mơ hồ mà cảm nhận được một tình yêu trong vắt, không vụ thực, cũng hồn nhiên như thiên nhiên vùng sơn cước. Lớn lên, tôi vẫn mê đắm ca khúc lãng mạn này. Mỗi khi ngồi vui cùng bạn bè, tôi thường hát bài đó. Lũ bạn bảo: "Mày làm sao thế? khi nào hát bài này mày cứ như bị nhập đồng, chắc đã quá nặng tình với cô dân tộc sơn cước nào rồi".
Suốt gần mười năm sơ tán bom Mỹ, tôi đã học đại học, dạy đại học trên vùng đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc. Chúng tôi được bà con đùm bọc, chăm lo, che chở từng tí một, nhất là những khi ốm đau. Tôi hay ngồi suy nghĩ một mình, cứ đào sâu vào tư duy: Nước ta cứ mỗi khi lâm nguy lại phải nương nhờ vào rừng núi, vào tấm lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cách mạng cũng từ đây, kháng Pháp cũng về đây, kháng Mỹ cũng nhờ đây. Món nợ này lớn lắm, khi đất nước thịnh vượng liệu chúng ta có nghĩ tới khoản nợ ân tình này không?
Nghề của tôi là nghề khảo sát, có nhiều chuyến đi dài ngày lên những vùng heo hút nhất. Hàng ngày tiếp xúc với đồng bào hầu hết các dân tộc thiểu số ở ta, cũng vẫn trong cảnh phải nương nhờ vào mái nhà, nồi cơm và tấm lòng của họ.
Một hôm ở vùng núi Quảng Bình, tôi đã chuyện trò khá dài với một bà mẹ người Vân Kiều, sống dọc dãy Trường Sơn. Bà cụ nói: "Buồn lắm chú à, cả dân tộc chúng tôi đều cải họ sang họ Hồ, thề theo Bác Hồ đến cùng. Nhà cửa tan nát cả trong kháng chiến. Khi hòa bình lập lại, nhà nước lại thu hết đất, hết rừng để giao cho các lâm trường quốc doanh. Sinh kế không còn, nhà cửa vẫn xác xơ. Vừa rồi Chính phủ cũng đã bắt các lâm trường giao lại đất không dùng đến cho chúng tôi. Họ cũng giao nhưng toàn đất cằn cỗi, xa xôi, bà con chẳng nhận làm gì". Tôi lại miên man suy nghĩ. Món nợ ân tình cũ chưa trả được, nay lại nợ nhiều hơn.
Vậy là trong thư, tôi đã khắc khoải viết nên ba điều cho anh Dũng và anh Trì: một là đừng bắt người thiểu số phải tiếp nhận chất thải của người đa số vì tạo nên hình ảnh không đẹp; hai là đạo đức quản lý không cho phép bắt người khác phải chịu đựng cái mình không thích; ba là lấy hết đất thì bà con sẽ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Vài tuần tiếp, tôi lại nhận được điện thoại của bà con Sán Dìu xin gặp. Bà con lại tới nhà tôi, vui vẻ hơn nhiều. Họ nói rằng chính quyền đã hoãn lại việc thu hồi đất. Chúng tôi có nghe nói bác đã viết thư cho Phó Thủ tướng và ông cũng đã chỉ đạo cụ thể. Chúng tôi tiếp tục không cho con em đi khai giảng năm học mới, chính quyền đang rất lo sợ, đưa rất nhiều công an xuống xã. Chúng tôi phải thể hiện bằng được ý nguyện điều chỉnh lại quy hoạch. Họ đưa tôi cái phong bì khá dày và một túi trà tự làm, nói là để cảm ơn. Tôi nói: "Trà thì tôi xin nhận, nhưng phong bì thì không. Tôi chưa nhận của dân bất kỳ đồng tiền nào, kể cả những người tôi đã giúp đòi lại được bạc tỷ. Riêng các bác thì chúng tôi còn nợ nhiều lắm, không trả hết được".
Rồi tôi thuyết phục rằng các bác không được làm như vậy, không được có bất kỳ hành động nào thể hiện việc chống lại chính quyền. Chính quyền có gì chưa phải thì ta góp ý để sửa, chính quyền và nhân dân phải là một khối thống nhất. Các bác làm như vậy thì tôi không thể giúp gì thêm nữa vì các bác làm sai. Họ nghĩ ngợi khá lâu và rồi đồng ý với tôi. Con cái họ tấp nập đi khai giảng, chính quyền có lẽ cũng thở phào nhẹ nhõm.
Chúng ta có món nợ ân tình với đồng bào các dân tộc thiểu số khó mà trả hết. Chính quyền phải kéo đồng bào đứng chung một thuyền, để họ không cảm thấy cô đơn, không bị bỏ lại phía sau. Đồng bào chỉ biết làm nông nghiệp, sinh kế dựa vào đất và rừng, đó là cần câu cơm mà nhà nước phải lo cho họ.
Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đối với đồng bào, nhưng thực hiện còn yếu kém. Tỷ lệ đói nghèo của cả nước đã giảm nhiều, nhưng tỷ lệ đói nghèo của các dân tộc thiểu số lại tăng lên. Đây chính là chỉ số đo xem món nợ ân tình ta đã trả được bao nhiêu. Hy vọng mọi chính sách với các dân tộc thiểu số được thành tâm thực hiện, làm cho món nợ ấy vơi dần. Và không bị rơi vào nợ xấu.
Đặng Hùng Võ