Lee Tai-lung bị chém chết vào năm 2009 vì từng ẩu đả và gây vết sẹo lớn với một thành viên cấp cao của băng đảng đối thủ trong Hội Tam Hoàng.
Lee Tai-lung (áo trắng), thành viên cấp cao của bang Tân Nghĩa An thuộc Hội Tam Hoàng. Ảnh: on.cc. |
Rạng sáng 4/8/2009, Lee Tai-lung, 41 tuổi, bước ra khỏi chiếc xe sang bên ngoài khách sạn Shangri-La ở Kowloon, Hong Kong, trên môi ngậm điếu xì gà hút dở. Một chiếc xe 7 chỗ lao tới, hất tung ông ta lên không. Ba người đàn ông đội mũ, bịt mặt nhảy ra khỏi xe, cầm dao rựa chém liên tiếp vào người Lee.
Một chiếc xe chở 4 kẻ đồng lõa đến kiểm tra hiện trường. Sau khi chắc chắn nạn nhân không thể qua khỏi, những kẻ tấn công lên hai chiếc xe rời đi. 30 phút sau, cảnh sát phát hiện hai chiếc xe này bị đốt cháy ở Lam Tsuen, Tai Po nhằm phi tang bằng chứng.
Hai giờ sau vụ tấn công, Lee Tai-lung chết tại bệnh viện Queen Elizabeth. Lee là trùm chi nhánh của bang Tân Nghĩa An thuộc Hội Tam Hoàng ở Tsim Sha Tsui, khu vực "ăn chơi" nổi tiếng Hong Kong với nhiều hộp đêm, phòng tắm hơi và quán bar.
Hội Tam Hoàng được hình thành từ phong trào "phản Thanh phục Minh" vào thế kỷ 17 ở Trung Quốc, theo kiểu một tổ chức liên kết bí mật giữa một số gia tộc chịu ơn nghĩa của nhau và bảo vệ lợi ích cho nhau.
Đến đầu thế kỷ 20, Tam Hoàng trở thành một tổ chức tội phạm có tổ chức với các hoạt đông buôn lậu vũ khí, tống tiền, mại dâm, bắt cóc, tổ chức vượt biên bất hợp pháp, làm hàng giả, cho vay nặng lãi, cờ bạc. Ngoài địa bàn hoạt động chủ yếu tại Hong Kong, Macau, Đài Loan, Hội Tam Hoàng còn có "chân rết" ở một số nơi khác như Trung Quốc đại lục, các phố Tàu ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Phi, Australia và New Zealand.
Trong các băng phái con của Hội Tam Hoàng, có 4 băng đảng lớn nhất được gọi là "Tứ đại hắc bang", gồm Tân Nghĩa An, 14K, Hòa Hợp Đào và Hòa Thắng Hòa. Trong đó, Tân Nghĩa An là bang lớn nhất với 55.000 thành viên trên toàn thế giới.
Hai chiếc xe những kẻ gây án sử dụng bị đốt ở Lam Tsuen ngày 4/8/2009. Ảnh: Apple Daily. |
Sau vụ tấn công, khoảng 40 đàn em của Lee đã đến bên ngoài khách sạn, hô to "lão đại, trở về đi" để bày tỏ lòng tiếc thương với ông ta. Khi đám tang của Lee được cử hành, khoảng 1.000 người đến viếng, trong đó có nhiều thành viên xã hội đen. Cảnh sát Hong Kong triển khai các biện pháp an ninh như thiết lập chướng ngại vật để kiểm soát khu vực, kiểm tra danh tính người đến viếng và ghi hình đám tang.
Ba năm sau vụ giết người, giới chức Hong Kong tìm ra kẻ chủ mưu là Leung Kwok-chung, một thành viên của bang Hòa Thắng Hòa có biệt danh là "Chung xăm trổ".
Mối hận thù của Leung bắt nguồn từ cuộc ẩu đả tại một quán bar ở đại lộ Prat. Man Pui-ying, thân tín của Lee, ngày 23/7/2006 to tiếng với một nữ tiếp viên ở quán bar này sau khi cô từ chối uống rượu thi với ông ta, khiến Leung - kẻ bảo kê của quán - dẫn tay chân đến can thiệp.
Lo sợ khi phải đối mặt với nhiều thành viên từ băng nhóm đối thủ, Man gọi điện xin Lee "tiếp viện". Lee đưa 20 đàn em đến để uy hiếp và đập một chai rượu whisky lên đầu Leung. Đòn tấn công để lại cho Leung một vết sẹo chạy dài từ phía bên phải mặt xuống dưới cổ.
"Ông ta cảm thấy nhục nhã và vết sẹo luôn nhắc ông ta về mối thù", công tố viên Charlotte Draycott nói. "Những kẻ như thế này không bao giờ quên một vết thương hay một lần mất thể diện".
Sau khi biết mình đã làm bị thương một thành viên cấp cao của bang Hòa Thắng Hòa, Lee đã cố gắng che giấu tung tích. Tuy nhiên, Leung phát hiện ra hành tung của Lee vào tháng 7/2009 và lên kế hoạch thực hiện vụ giết người để trả thù.
4 kẻ đồng lõa với Leung đã bị kết án tù chung thân vào năm 2011. Tuy nhiên, Leung và hai tên khác vẫn đang lẩn trốn. Giới chức treo thưởng mức tiền cao kỷ lục là 600.000 đô la Hong Kong (76.000 USD) cho người cung cấp thông tin về tung tích ba tên này nhưng vẫn chưa bắt được họ.
Phương Vũ (Theo SCMP/China Daily)
Nhóm tấn công người biểu tình Hong Kong liên quan đến Hội Tam Hoàng
Cảnh sát Hong Kong xác nhận một số nghi phạm bị bắt vì tấn công người biểu tình là thành viên của nhóm xã hội ... |
Bí mật Hội Tam Hoàng (Kỳ cuối): Hòa An Lạc và cuộc chiến đẫm máu
Hòa An Lạc, hay còn gọi là Thủy Phòng, là băng đảng xã hội đen hoạt động ở cả Ma Cao và Hong Kong. Riêng ... |
Hội Tam Hoàng: Bí ẩn tội ác và sự phẫn nộ của sư chùa Thiếu Lâm
Bí mật và kín tiếng chính là những nguyên tắc giúp Tam Hoàng tồn tại. |
Bí mật Hội Tam Hoàng (Kỳ 2): Hòa Hợp Đào - Băng nhóm “thâm niên” nhất
Hòa Hợp Đào (còn gọi là Hòa Hợp Đồ) là một băng nhóm xã hội đen thuộc Hội Tam Hoàng, có tổng hành dinh hoạt ... |
Bí mật Hội Tam Hoàng (Kỳ 1): Quy mô ngang quân đội Trung Quốc
Từ lâu nay, hai đặc khu hành chính Hong Kong và Ma Cao của Trung Quốc ngoài việc nổi tiếng thế giới về tài chính ... |