Mức tiêu thụ thịt trung bình mỗi người Việt tăng nhanh trong 19 năm qua, từ 8,15kg thịt heo lên 32,77kg một năm, thịt bò từ 1,69kg lên 11,92kg.
Năm 1985 trung bình mỗi người một ngày ăn 11g thịt, năm 2010 tăng đến 84g. Trong khi đó lượng rau xanh tiêu thụ chỉ đạt 57% so với mức khuyến nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết tại lễ kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới, chiều 14/10.
Tại căng tin trường học, nhiều thực phẩm không có lợi cho sức khỏe nhưng được mua bán mua phổ biến. Nước ngọt, bánh các loại, mì gói chiếm tỷ lệ lần lượt 60%, 41% và 24%. Trái cây, rau củ ít nhất trong các nhóm thực phẩm bán tại căng tin (1%).
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết chế độ ăn ít rau xanh, nhiều chất béo, sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn, lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực..., là những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân Việt Nam.
Tình trạng dinh dưỡng của học sinh cũng đáng báo động. Kết quả điều tra được Viện dinh dưỡng quốc gia tiến hành trong giai đoạn 2017-2018 với 5.000 học sinh từ 75 trường học cấp Tiểu học đến THCS, THPT ở một số tỉnh thành phố, tỷ lệ học sinh thừa cân/béo phì trung bình 29%, với 42% trẻ thành thị, 18% trẻ nông thôn bị thừa cân/béo phì.
Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý cùng với lối sống ít vận động thể lực làm tăng các bệnh không lây nhiễm. Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015, cho thấy có đến 57% số người trưởng thành ăn ít rau/trái cây. Mức tiêu thụ muối hiện nay của người Việt Nam cao gấp 2 lần mức khuyến nghị. 28% số người thiếu hoạt động thể lực.
Mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam đang chuyển từ các bệnh lây nhiễm là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm. Ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2017, cả nước có trên 541.000 ca tử vong thì đến 76% do các bệnh không lây nhiễm, đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout.
Người Việt đang ăn quá nhiều thịt và quá ít rau quả. Ảnh: Health. |
Ông Albert T. Lieberg, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cũng cho biết hơn 800 triệu người trên thế giới đang không đủ ăn, song trên 600 triệu người lớn và 120 triệu trẻ em gái trai (độ tuổi 5-19) lại đang trong tình trạng béo phì... Ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng sức khỏe cộng đồng, những thay đổi về chế độ ăn còn chính là nguyên nhân to lớn dẫn đến suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.
Chỉ riêng ngành chăn nuôi hằng năm đã phát thải 7,1 tỷ tấn CO2, chiếm gần 14,5% lượng khí thải nhà kính toàn cầu từ tất cả hoạt động của con người tạo ra. Lượng khí thải này còn cao hơn tổng lượng khí thải do ngành giao thông toàn thế giới hình thành.
Giảm tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ sữa, chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật, cũng là biện pháp cần thiết để chống biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu ở Anh cho thấy nếu chuyển từ chế độ ăn nhiều thịt sang ăn chay có thể giảm 1.230 kg CO2 mỗi người một năm.
Bộ Y tế Việt Nam phát động Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển", từ ngày 16-23/10 nhằm hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới và kêu gọi toàn dân thực hiện dinh dưỡng hợp lý, với thông điệp "Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe". Theo đó, người dân sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình; tăng cường ăn rau/củ và trái cây, các loại hạt (đậu, đỗ, vừng lạc...). Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường ngọt, muối, chất béo, không ăn mặn. Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, bảo đảm đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi. Khuyến khích các hoạt động thể lực và duy trì lối sống năng động, lành mạnh. Chăm sóc dinh dưỡng trẻ sớm trong 1.000 ngày đầu đời, giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành.
Trung Quốc xả kho 10.000 tấn thịt heo
Số heo đông lạnh được Trung Quốc xả ra đợt này để bình ổn thị trường khoảng 10.000 tấn, nguồn gốc chủ yếu từ Mỹ ... |
Việt Nam top 5 thế giới nuôi lợn, bất ngờ thiếu ăn, ồ ạt nhập khẩu
Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất thịt lợn với sản lượng 2,8 triệu tấn. Song, 7 tháng đầu năm nay, ... |