Cuộc bạo loạn Đồi Capitol khiến giới chức an ninh Mỹ đang nghĩ tới điều không tưởng: Kẻ thù ở ngay trong nội bộ có thể đe dọa lễ nhậm chức của Biden.
Hơn 10 nhân viên hành pháp cùng sĩ quan quân đội, cả đương nhiệm lẫn về hưu, được cho là đã tham gia vào cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hồi tuần trước, khiến một cảnh sát quốc hội và 4 người ủng hộ Tổng thống Donald Trump thiệt mạng.
Một cựu binh hải quân và hai cựu binh không quân hiện nằm trong số những cá nhân bị điều tra vì liên quan tới cuộc tấn công. Một số sĩ quan cảnh sát quốc hội cũng bị đình chỉ sau khi xuất hiện video dường như cho thấy họ hỗ trợ những người biểu tình.
Joe Biden tại Delaware hồi tháng 7. Ảnh: Reuters. |
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo nhiều cuộc biểu tình có vũ trang đang được lên kế hoạch nhắm vào lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20/1 tại thủ đô Washington và trên khắp 50 bang.
Các quan chức an ninh đương nhiệm và về hưu nói rằng họ đang rất lo ngại về khả năng các binh sĩ hay quan chức hành pháp có thể tạo ra mối nguy hiểm rõ ràng cho Tổng thống đắc cử, Phó tổng thống đắc cử và các nghị sĩ lưỡng đảng trong ngày nhậm chức.
Cơ quan điều tra liên bang đang cố gắng truy tìm các thành viên lực lượng vũ trang, cơ quan hành pháp hay những cựu binh đã tham gia vào cuộc bạo loạn ngày 6/1, đồng thời lần dấu mạng lưới cộng sự lớn hơn của họ, những người có thể đang âm mưu biến ngày trọng đại tuần tới thành "cơn ác mộng" như vô số lời kêu gọi trên các diễn đàn cực hữu.
Nhưng có quá nhiều người cần điều tra và quá ít thời gian để thực hiện, Mitch Silber, cựu giám đốc Ban Phân tích Tình báo thuộc Sở Cảnh sát New York, cho hay. Chỉ riêng tại Washington, có tới 20.000 Vệ binh Quốc gia cùng hàng trăm cảnh sát đã được huy động từ nhiều bang lân cận tới thủ đô.
Những binh sĩ Vệ binh Quốc gia này được mang theo vũ khí tuần tra trên đường phố Washington và "cắm chốt" ngay bên trong Đồi Capitol, nơi sẽ diễn ra lễ tuyên thệ của Biden.
Tâm lý lo âu và khẩn trương được phản ánh trong một bức thư chưa từng có tiền lệ từ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cùng những lãnh đạo quân đội khác gửi cho các thành viên lực lượng vũ trang hôm 12/1.
"Cuộc bạo loạn dữ dội ở Washington là đòn tấn công trực tiếp... vào quy trình hiến định của chúng ta", bức thư có đoạn. "Quyền tự do ngôn luận và hội họp không cho phép bất kỳ ai được sử dụng bạo lực, kích động và nổi dậy".
Các chủ tịch Ủy ban Tư pháp, Tình báo, Vũ trang và Giám sát Hạ viện ngày 12/1 ra tuyên bố khẳng định "cần làm nhiều hơn nữa để phòng ngừa, can thiệp và ngăn chặn các cuộc tấn công chết người, đầy liều lĩnh từ những kẻ cực đoan bạo lực trong những ngày tới".
"Có một vấn đề khủng hoảng: Sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan và da trắng thượng đẳng trong hàng ngũ lực lượng vũ trang", cựu sĩ quan quân đội Jason Crow, nghị sĩ Dân chủ bang Colorado, hôm 11/1 nói.
Theo chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan Mark Pitcavage, trong khoảng 800.000 cảnh sát Mỹ, có khả năng chỉ chưa đầy 1% lực lượng là thành viên của các nhóm cực đoan.
Dù vậy, bộ phận rất nhỏ này lại được huấn luyện sâu về chuyên môn, vậy nên, nếu họ có ý định tiến hành các cuộc bạo loạn nhằm thể hiện sự tức giận trước thất bại của Tổng thống Trump, nguy cơ và thiệt hại sẽ rất đáng kể.
Một người ủng hộ Trump la hét về phía cảnh sát và lực lượng an ninh khi người biểu tình xông vào Đồi Capitol ở thủ đô Washington hôm 6/1. Ảnh: AFP. |
Colin Clarke, trưởng ban nghiên cứu của công ty tư vấn an ninh và tình báo toàn cầu Soufan Group, sau khi xem lại các video sự việc ngày 6/1, nhận thấy nhiều kẻ tham gia bạo loạn đã sử dụng những chiến thuật quân sự chuyên biệt. "Họ được lệnh trèo qua các khung cửa sổ vỡ mỗi lần hai người", ông lưu ý, gợi nhớ về cách di chuyển của binh sĩ Mỹ ở Iraq và Afghanistan khi đột nhập vào một tòa nhà.
Frank Figliuzzi, cựu chuyên gia về phản gián tại FBI, cũng xem các video và nhận thấy trong khi "đa số những người xông vào tòa nhà quốc hội thực sự không biết mình đang làm gì" thì có một số người dường như "có mục đích cá nhân và biết họ cần đi đâu, làm gì... và mang theo nhiều loại trang bị chiến thuật".
Quân đội Mỹ đang trong tình trạng cảnh giác trước những dấu hiệu của chủ nghĩa cực đoan trong hàng ngũ. Sau vụ bạo loạn ngày 6/1, Hạ nghị sĩ Crow đã kêu gọi Bộ trưởng Lục quân "đảm bảo rằng mọi thành viên lực lượng đều không có cảm tình với những kẻ khủng bố trong nước".
Trong lịch sử Mỹ, có không ít trường hợp cả quân nhân tại ngũ lẫn cựu chiến binh bị cực đoan hóa. Timothy McVeigh, cựu binh tham gia Chiến tranh Vùng Vịnh, đã thực hiện một trong những vụ khủng bố lớn nhất nước khi đánh bom ở thành phố Oklahoma hồi năm 1995, khiến 168 người chết.
Trước đó vào năm 1966, Charles Whitman, cựu lính thủy đánh bộ, xả súng từ một tòa tháp trong khuôn viên trường Đại học Texas ở Austin làm 14 người chết.
Năm 2009, Nidal Hasan, thiếu tá quân đội bị cực đoan hóa, xả súng khiến 13 người thiệt mạng ở căn cứ Fort Hood, Texas.
Vài thập kỷ gần đây, Liên đoàn Chống Phỉ báng đã giúp cung cấp bằng chứng về hàng chục cá nhân theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng trong lực lượng quân đội, từ những người có liên hệ với hội kín Ku Klux Klan (KKK) ở Texas những năm 1980 đến việc một cựu sĩ quan quân đội tham gia các cuộc biểu tình bạo lực ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở Charlottesville, Virginia, hồi năm 2017.
Những nhóm dân quân như Oath Keepers thu hút thành viên từ hàng ngũ quân đội và cơ quan thực thi pháp luật bằng cách đánh vào lòng yêu nước của họ và mối lo ngại về hành vi vượt thẩm quyền của các cơ quan liên bang, Sam Jackson, chuyên gia nghiên cứu về các nhóm cực đoan trong nước, cho hay. "Họ tự vẽ bản thân là những người theo chủ nghĩa lập hiến, nhưng tôi gọi họ là những kẻ cực đoan chống chính phủ", ông nói.
Cũng giống như quân đội, không ai biết có bao nhiêu thành viên trong lực lượng cảnh sát mang quan điểm cực đoan, nhưng nhiều nhân viên hành pháp có quan hệ với những nhóm cực hữu theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đã bị phát hiện ở hàng chục bang của Mỹ kể từ năm 2000, Michael German, chuyên gia về tình báo tại Trung tâm Tư pháp Brennan Trường Luật, Đại học New York, cho hay.
Theo ông, nhiều cảnh sát vẫn thể hiện quan điểm "phân biệt chủng tộc, vùng miền và giới tính" trên mạng xã hội dù cấp trên của họ biết điều đó và họ hiểu rõ về nguy cơ bị sa thải nếu các bài đăng gây ra tranh cãi gay gắt.
Không ít đơn vị cảnh sát trên khắp nước Mỹ có quy định cấm thành viên đưa ra những bình luận phân biệt chủng tộc hay tham gia các nhóm dân quân theo chủ nghĩa dân tộc hoặc các nhóm da trắng thượng đẳng. Tuy nhiên, theo Mark Pitcavage từ Trung tâm Chống Cực đoan thuộc Liên đoàn Chống Phỉ báng, lãnh đạo một số cơ quan thực thi pháp luật thường chậm trễ trong việc trừng phạt hay sa thải những thành viên có liên hệ với các nhóm như vậy, bởi họ hiểu nhầm rằng Tu chính án thứ nhất về quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận cho phép điều đó, vậy nên họ không thể làm gì hơn.
Bên cạnh đó, không ít sĩ quan cảnh sát cực đoan lại cố tình che giấu hành động của mình. "Chúng tôi từ lâu đã biết về việc chủ nghĩa cực đoan xâm nhập vào hàng loạt sở cảnh sát trên khắp đất nước", chuyên gia về khủng bố Mia Bloom từ Đại học bang Georgia, cho biết. "Nó diễn ra có chủ đích... và được ít nhất 20 năm rồi".
Hiện chưa rõ cơ quan hành pháp đã có biện pháp tăng cường nào nhằm chống lại nguy cơ nội gián phá hoại lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden vào ngày 20/1 hay chưa. Nhiều cơ quan đại diện ngành cảnh sát như Liên minh các Hiệp hội Cảnh sát Quốc tế và Hiệp hội Cán bộ Hành pháp Liên bang (FLEOA) đều từ chối đưa ra bình luận. FLEOA tuần trước lên án vụ tấn công ngày 6/1 là "hành động vô chính phủ".
Vũ Hoàng (Theo Time)
Ông Biden không đi tàu Amtrak tới lễ nhậm chức do lo ngại an ninh |
Tom Hanks dẫn chương trình mừng lễ nhậm chức của Joe Biden |
Mỹ sàng lọc binh sĩ bảo vệ lễ nhậm chức của Biden |