Mổ xẻ mỏ vàng tín dụng BOT: Lo lợi ích nhóm

Nhiều dự án BOT, BT được chỉ định thầu dẫn đến rủi ro về tính minh bạch, công khai, đặc biệt nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước và lợi ích nhóm...

Liên quan đến con số 20 ngân hàng cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông tính đến cuối năm 2016, TS Bùi Quang Tín, khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM lý giải, điều này xuất phát từ những lợi ích trong việc cho vay dự án BOT, BT.

Theo đó, xét ở góc độ lãi suất, nếu ngân hàng cho vay trong sản xuất kinh doanh thì lãi suất thấp và khách hàng thường kỳ kèo từng đồng bởi việc kinh doanh của doanh nghiệp và nguồn thu của họ không hề đơn giản, dễ dàng.

Trong khi đó, cho vay bất động sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và phải cạnh tranh. Tương tự, cho vay trong lĩnh vực chứng khoán lãi suất cũng phải cạnh tranh vì nhiều ngân hàng tham gia vào trong khi điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam cứ chập chờn.

Riêng đối với việc cho vay dự án BOT, BT, nguồn thu của các dự án này rất dồi dào, liên tục và thường xuyên. Chẳng hạn, đối với dự án BOT giao thông, có người dân nào không phải đi đường? Cho nên, dòng tiền của dự án thấy rất rõ, lãi suất hấp dẫn.

mo xe mo vang tin dung bot lo loi ich nhom
Trạm BOT Cai Lậy gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Ảnh: TBKTSG

"Phần lớn ở các dự án BOT, BT nguồn tiền để trả nợ rất rõ, tỷ lệ nợ xấu không nhiều vì chúng gần như đã được Nhà nước, các cơ quan Trung ương và địa phương thống nhất thực hiện, sau khi triển khai xây dựng xong thì đưa vào hoạt động, trừ một vài dự án có khúc mắc, không có nguồn thu ổn định.

Chính vì thế, xét về lãi suất, dòng tiền trả nợ... của các dự án BOT, BT, tất cả đều rất hấp dẫn và các ngân hàng đều mong muốn cho vay", TS Bùi Quang Tín chỉ rõ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng chỉ ra thực trạng ở nhiều dự án BOT, BT, đó là không đấu thầu mà tiến hành chỉ định thầu dẫn tới nhiều rủi ro về tính minh bạch, công khai, đặc biệt là nguy cơ thất thoát nguồn vốn của Nhà nước cũng như lợi ích nhóm...

"Không loại trừ trường hợp một số ngân hàng được chỉ định cho vay. Nếu chỉ định cho vay mà phù hợp để đáp ứng cho lợi ích xã hội thì không nói làm gì nhưng nhiều khi nó bị nghiêng qua ngả lại và có liên quan đến lợi ích nhóm", TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh.

Ông khẳng định, cho vay các dự án BOT, BT đầy rủi ro và những rủi ro này xuất phát từ chính bản thân dự án, từ việc đấu thầu không công khai, chỉ định thầu tới việc giá dự toán cao lên quá nhiều so với giá quyết toán.

"Nhiều khi dự án chưa quyết toán xong đã cho hoạt động để thu tiền của người dân. Mà thu tiền của người dân dựa vào giá dự toán thì rất rủi ro và người dân chịu thiệt thòi nhiều vì phần lớn giá dự toán cao hơn giá quyết toán.

Ấy là chưa tính đến việc dự án chậm tiến độ hoặc sau khi một doanh nghiệp nhận thầu rồi còn giao cho bao nhiêu nhà thầu khác.

Những nhà thầu sau chưa chắc đã được thẩm định một cách kỹ lưỡng về năng lực và các vấn đề khác. Đó là rủi ro rất lớn. Từ rủi ro của dự án kéo theo rủi ro trong hoạt động cho vay của ngân hàng.

Bề ngoài có thể thấy tỷ lệ nợ xấu của các dự án BOT, BT thấp và không phát sinh phần lớn do xuất phát từ dòng tiền trả nợ ổn định, thanh khoản tốt. Nhưng không thể nói là không có rủi ro. Phải gắn rủi ro của hoạt động cho vay đến rủi ro của dự án", TS Tín phân tích.

Vị chuyên gia khẳng định, để giảm thiểu rủi ro khi cho vay dự án BOT, BT chỉ có cách thẩm định kỹ các dự án.

"Thực chất hiện nay các ngân hàng đã thẩm định khá kỹ các dự án, theo đúng quy trình của Nhà nước và quy chế của ngân hàng. Nhưng như đã nói, rủi ro của việc cho vay này xuất phát từ chính rủi ro của các dự án.

Ngoài ra nó còn liên quan đến nhóm lợi ích, không chỉ giữa ngân hàng với doanh nghiệp mà có thể cả Nhà nước", TS Bùi Quang Tín lưu ý.

(http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/mo-xe-mo-vang-tin-dung-bot-lo-loi-ich-nhom-3342356/)

/ Theo Thành Luân/Báo Đất việt