Miền Bắc đón đợt rét sâu nhất từ đầu đông: Chuyên gia nhận định gì?

Miền Bắc sắp đối diện những ngày nhiệt độ giảm sâu nhất từ đầu mùa, nhưng theo chuyên gia khí tượng đợt rét này chưa phải cực đoan nhất trong mùa đông năm nay.

 
Miền Bắc đón đợt rét sâu nhất từ đầu đông: Chuyên gia nhận định gì? - 1

Trong đợt rét sắp tới, vùng núi cao nhiệt độ có thể xuống dưới 0 độ C, khả năng xảy ra băng giá và sương muối. (Ảnh: Đắc Huy).

Đợt rét sâu nhất từ đầu mùa đông năm nay

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng ngày 16-17/12, một đợt không khí lạnh cường độ rất mạnh sẽ tràn về nước ta.

Trong đợt rét đậm rét hại diện rộng này, nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng ở đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thấp nhất xuống mức 8-11 độ C, vùng núi và trung du Bắc Bộ thấp nhất 3-5 độ C. Thậm chí, vùng núi cao nhiệt độ có thể xuống dưới 0 độ C, khả năng xảy ra băng giá và sương muối.

Đợt rét này được dự báo là sâu nhất từ đầu mùa đông tới nay, nhưng so với các năm trước thì mức nhiệt này chưa phải là thấp nhất.

Theo thống kê của VTC News, trong gần 15 năm trở lại đây, miền Bắc nước ta từng có những đợt rét khắc nghiệt, nhiệt độ ở các vùng núi cao giảm xuống dưới 0 độ C. Trong đó, Sa Pa (Lào Cai) và Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là những nơi ghi nhận mức nhiệt thấp nhất.

Cụ thể, đợt rét kéo dài 38 ngày (từ 14/1 đến 20/2/2008), nhiệt độ thấp nhất ở Sa Pa (Lào Cai) -1 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -2 độ C.

Đợt rét 31 ngày (từ 3/1 đến 3/2/2011) với nhiệt độ thấp nhất Sa Pa 0 độ C, Mẫu Sơn -3,6 độ C. 

5 năm sau, các tỉnh miền Bắc ghi nhận đợt rét với nhiệt độ thấp nhất trong lịch sử, xảy ra trên diện rộng kéo dài từ 22-28/1/2016. Một số điểm nhiệt độ rất thấp như Mẫu Sơn -5 độ C, Sa Pa -4,2 độ C. 

Đợt rét từ 7-13/1/2021 với nhiệt độ thấp nhất ở Sa Pa là -2,2 độ C, Mẫu Sơn -3,4 độ C. Huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa (Lào Cai) xuất hiện mưa tuyết. 

Trong ngày 21/2/2022, nhiệt độ đo được tại Sa Pa là 1,8 độ C, Mẫu Sơn -1 độ C, đây là nhiệt độ thấp nhất của mùa đông năm 2021-2022.

Đợt rét đậm nhất từ đầu mùa đông năm nay (tính đến thời điểm này) rơi vào ngày 2/12, khi nhiệt độ ghi nhận ở Mẫu Sơn là 1,6 độ C, Sa Pa 8,4 độ C.

Miền Bắc đón đợt rét sâu nhất từ đầu đông: Chuyên gia nhận định gì? - 2

So sánh nhiệt độ thấp nhất trong 15 năm trở lại đây ở Mẫu Sơn và Sapa (Đồ hoạ: Huy Mạnh)

Trả lời PV VTC News, bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết, đợt rét ngày 16-17/2 tới chưa phải cực đoan nhất của mùa đông năm nay.

Theo nhận định bà Lan, đợt không khí lạnh sắp tới kéo dài tới khoảng 23/12, tại Mẫu Sơn ở độ cao 1.600 m, nhiệt độ quan trắc đo được thấp nhất có thể dưới 0 độ C, đỉnh Fansipan (Lào Cai) từ -3 độ C đến -1 độ C.

Đây chưa phải đợt không khí lạnh mạnh nhất trong mùa đông năm nay. Khả năng trước hoặc sau Tết Dương lịch, một đợt không khí lạnh mạnh sẽ tràn về nước ta, có thể đây là đợt rét nhất mùa đông năm 2022-2023. Tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Fansipan (Lào Cai), nhiệt độ quan trắc thấp nhất có thể xuống dưới -3 độ C, khả năng xuất hiện băng giá, tuyết nhẹ. Tuy nhiên, người dân có thể cảm nhận mức nhiệt thấp hơn tuỳ từng vị trí đứng”, bà Lan thông tin.

Chuyên gia này phân tích, năm nay, La Nina cường độ không quá mạnh. Đợt lạnh nhất mùa đông năm nay ít có khả năng xuống tới mức -5 độ C như đợt rét kỷ lục từng ghi nhận năm 2016. Dự báo sau tháng 3/2023, La Nina chuyển sang trung tính.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến thắc mắc việc biến đổi khí hậu, bầu khí quyển ấm lên nhưng lại có nơi nhiệt độ xuống rất thấp. Trả lời vấn đề này, bà Lan lý giải, biến đổi khí hậu làm cho bầu khí quyển ấm lên. Bầu khí quyển ấm lên sẽ làm thay đổi hoàn lưu khí quyển, thay đổi đặc trưng của khối không khí, cực đoan nhiều hơn.

"Mỗi đợt không khí lạnh có đời sống của nó, đợt này hình thành, phát triển, đi xuống và tan lại có đợt không khí lạnh khác hình thành. Nhưng có những năm, không khí lạnh tràn về dồn dập gần như liên tục nên người dân cảm giác chưa ấm lên đã rét tiếp. Từ nay tới sau Tết Nguyên đán là thời gian không khí lạnh tràn về liên tục nhưng không phải nối tiếp nhau thành một chuỗi ngày dài, có thể gián đoạn”, bà Lan nhận định.

Miền Bắc đón đợt rét sâu nhất từ đầu đông: Chuyên gia nhận định gì? - 3

Ngày 21/2, nhiệt độ tại huyện Bát Xát (Lào Cai) xuống 0 độ C khiến băng tuyết xuất hiện dày đặc. (Ảnh: Đắc Huy).

Miền Bắc rét khô, miền Trung đề phòng mưa lớn

Phân tích về diễn biến thời tiết những ngày tới, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan, nhận định, thời gian rét đậm sẽ bắt đầu từ 17-21/12, sau đó trời ấm dần lên nhưng chỉ ấm ban ngày và duy trì lạnh ban đêm.

"Nhiệt độ ban đêm vùng núi phía Bắc ở mức dưới 8 độ C, các vùng núi cao có nhiệt độ thấp hơn 5 độ C và trên các đỉnh núi phía Bắc khu vực Lào Cai, Lai Châu có thể xuống tới 2 độ C về đêm. Nhiệt độ ban ngày ở vùng này khoảng 8-13 độ C trong khoảng thời gian này. Đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội, nhiệt độ ban đêm dao động 11-13 độ C, ban ngày khoảng 15-17 độ C. Miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội có nắng hầu hết các ngày. Đây là đợt rét khô ở miền Bắc", ông Huy nhận định.

Đối với khu vực Bắc Trung Bộ (từ Nghệ An vào Thừa Thiên - Huế), mức nhiệt độ ban đêm được dự báo dao động 12-15 độ C và ban ngày khoảng 14-18 độ C. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế có cảm giác lạnh buốt vì lạnh kèm mưa.

Các tỉnh từ Đà Nẵng tới Bình Định, nhiệt độ ban đêm khoảng 17-20 độ C và ban ngày 20-22 độ C. Các tỉnh Tây Nguyên nhiệt độ xuống mức 13-15 độ C vào ban đêm và 16-18 độ C vào ban ngày.

"Đông Nam Bộ nhiệt độ khoảng 18-20 độ C nhưng đây là vùng ít bị lạnh nên người dân không quen với cái lạnh. Dù nhiệt độ không xuống quá thấp, cảm giác sẽ rất lạnh và phải mặc áo ấm", TS Nguyễn Ngọc Huy chia sẻ.

Theo chuyên gia này, đợt không khí lạnh này cũng sẽ gây mưa ở các tỉnh từ Quảng Bình vào tới Bình Định. Mưa lớn trong các ngày 17-18/12, sau đó mưa giảm nhưng vẫn mây mù và ẩm trong các ngày kế tiếp đến 21/12.

Trong đó, Quảng Bình, Quảng Trị chỉ mưa trong ngày 17/12 rồi giảm và tạnh từ 19/12. Đến 23/12, trời sẽ nắng ở hầu hết vùng của cả nước, chỉ còn lại vài điểm mưa nhỏ ven biển miền Trung.

Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Huy, đợt không khí lạnh này, ngoài tác động đối với nhiệt độ ở đất liền, cần lưu ý tình trạng gió mạnh trên các vùng biển. Gió trên biển và khu vực biển ven bờ rất lớn. Đây là loại gió đều luôn giữ cường độ khoảng cấp 5, cấp 6 đến cấp 7 tuỳ vùng biển. Thời gian gió mạnh trên biển kéo dài từ 17 - 21/12. Khu vực gió mạnh là từ vùng biển Quảng Bình tới Nha Trang.

"Dù gió này mạnh ngang áp thấp nhiệt đới nhưng không có xoáy thuận hình thành nên không gọi là áp thấp nhiệt đới. Thứ gió này mang hơi ẩm từ phía eo biển Đài Loan - Luzon vào gây mưa ở miền Trung Việt Nam", TS Nguyễn Ngọc Huy chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, sóng biển có thể cao 6 m ở ngoài khơi gần quần đảo Hoàng Sa và cao 4 m gần bờ khu vực từ Quảng Trị tới Phú Yên. Loại sóng này đập vào bờ theo hướng Đông Bắc sẽ gây xói lở bờ biển ở miền Trung. TS Nguyễn Ngọc Huy cảnh báo, các tàu thuyền đánh cá cỡ nhỏ nên tránh ra khơi trong khoảng thời gian này.

Tại miền Nam, bà Lê Thị Xuân Lan cho hay, khu vực này chịu ảnh hưởng của không khí lạnh muộn hơn so với miền Bắc và miền Trung. Ngày 13/12 vừa qua là đợt không khí lạnh đầu tiên ảnh hưởng tới Nam Bộ, thời tiết hanh khô hơn, nhiệt độ ban đêm giảm. Sáng 13/12, nhiệt độ tại TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ giảm sâu. Tại Tân Sơn Nhất (TP.HCM), nhiệt độ thấp nhất đo được là 22 độ C. Một số nơi ở Bình Phước, Đồng Nai, nhiệt độ giảm thấp nhất ở mức 18 độ C.

"Những ngày cuối tuần, khi miền Bắc đón đợt rét sâu nhất từ đầu mùa đông tới nay, nhiệt độ tại các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ trong đó có TP.HCM sẽ giảm ít nhất 1 độ C lúc buổi đêm và sáng sớm so với ngày 13/12. Tuy nhiên, ban ngày, thời tiết lại nắng oi, có nơi lên tới 33 độ C", bà Lan nói.

Bên cạnh đó, theo bà Lê Thị Xuân Lan, đợt không khí lạnh sắp tới cách Giáng Sinh khoảng 5 ngày nên người dân có thể đón mùa Giáng Sinh trong tiết trời ổn định.

Hiện tại đã vào chính đông, không khí lạnh liên tục tăng cường, vì thế không loại trừ khả năng sau Giáng Sinh đến Tết Dương lịch sẽ có đợt không khí lạnh cường độ mạnh tràn về nước ta và tăng cường xuống phía Nam khiến nhiệt độ ở Nam Bộ có thể giảm thấp nhất xuống dưới 20 độ C.

Theo thống kê của bà Lan, tháng 12/1975, nhiệt độ thấp nhất ở TP.HCM ghi nhận mức 14 độ C. Từ tháng 12 tới Giáng Sinh năm 1999, nhiệt độ thấp nhất ở TP.HCM có thời điểm 15 độ C. Mức nhiệt 18-19 độ C cũng được ghi nhận trong nhiều năm ở thành phố này.

Miền Bắc đón đợt rét sâu nhất từ đầu đông: Chuyên gia nhận định gì? - 4

Trong đợt không khí lạnh sắp tới, vùng đồng bằng Bắc Bộ có thể rét 8-11 độ C, vùng núi cao dưới 0 độ C. (Ảnh: Đắc Huy).

Đối diện mùa hè nắng nóng khốc liệt

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, nhiệt độ trung bình chung của mùa đông năm nay sẽ cao hơn so với các năm trước. Xen kẽ những đợt nắng ấm vẫn có đợt lạnh sâu, nhưng sẽ không kéo dài.

“Mùa đông năm nay, số ngày nắng ấm nhiều, số ngày lạnh vẫn có nhưng ít hơn các năm khác. Vẫn có thể có những đợt rét đậm, rét hại, tuyết rơi nhưng nếu tính trung bình chung của những đợt lạnh ấy cộng lại so với trung bình nhiều năm trước sẽ không bằng. Xác suất để có những đợt như thế cũng không nhiều vì khi pha trung tính hoặc El Nino thịnh hành thì cơ hội để tạo ra các đợt lạnh sẽ ít đi”, TS Nguyễn Ngọc Huy phân tích. 

Theo ông Huy, mô hình phân tích dự báo khí hậu toàn cầu (GFS) cho thấy, các tỉnh miền Bắc sẽ có nhiệt độ trung bình cao hơn từ 1 - 1,5 độ C so với trung bình giai đoạn năm 1980 - 2009. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình ở khu vực Bắc Trung Bộ sẽ cao hơn 0,5 - 1 độ C. Nhiệt độ các tỉnh phía Nam vẫn không đổi so mới mọi năm.

“Chúng ta có thể sẽ phải đối diện một mùa hè nắng nóng cực đoan vào năm tới khi nền nhiệt được dự báo sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Cần phải tính toán đến việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng từ bây giờ vì mùa hè sang năm có thể thiếu điện do nhu cầu tăng cao”, TS Huy thông tin.

Bên cạnh đó, ông Huy nhận định, mưa đá có thể xuất hiện dịp đầu năm ở các tỉnh phía Bắc, trong khi hạn hán có thể xảy ra ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

“Lúc ấy, nếu pha trung tính kéo dài ổn định hơn, sẽ không có thời tiết cực đoan, nhưng pha trung tính chuyển thành La Nina hoặc El Nino sẽ có nhiều thời tiết cực đoan”, TS Huy dự báo.

Thời tiết trên thế giới diễn biến phức tạp

Một số khu vực châu Á năm nay được dự báo sẽ phải đối mặt mùa đông khắc nghiệt khi hiện tượng La Nina hình thành trên Thái Bình Dương.

Cơ quan khí tượng Nhật Bản dự đoán nhiệt độ mùa đông ở nước này dù ấm hơn trong tuần đầu tháng 12, nhưng sẽ tụt trong hai tuần cuối xuống mức dưới trung bình. Bên cạnh đó, nguy cơ tuyết rơi nhiều gia tăng.

Trong khi đó, Trung Quốc đã trải qua những đợt lạnh kỷ lục từ đầu mùa, phải đưa ra cảnh báo cấp độ cao nhất cho một số nơi. Nhiệt độ xuống thấp nghiêm trọng, từng có thời điểm đến -20 độ C.

Mùa đông ở Thái Lan năm nay được dự báo đến muộn nhưng kéo dài hơn, với thời điểm lạnh nhất rơi vào tháng 12 đến cuối tháng 1/2023, đặc biệt lạnh ở các khu vực vùng núi, đi kèm sương giá, với mức nhiệt thấp nhất tại một số khu vực miền Bắc được dự đoán ở khoảng 8 độ C.

Australia, quốc gia ở bán cầu nam, năm nay trải qua những ngày mùa hè (kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2) “giống như mùa đông”. Thung lũng Perisher, Đông Nam bang New South Wales, đã ghi nhận nhiệt độ mùa hè thấp nhất trong lịch sử ở mức -7ºC

https://vtc.vn/mien-bac-don-dot-ret-sau-nhat-tu-dau-dong-chuyen-gia-nhan-dinh-gi-ar720410.html

NGUYỄN HUỆ / VTC News