Mexico: Quân đội tiếp quản, điều hành sân bay, lập hãng hàng không riêng

Chính phủ Mexico dự kiến cho phép quân đội kiểm soát khoảng 10 sân bay trên khắp đất nước, bao gồm sân bay chính ở thủ đô Mexico City.

Theo thông tin hãng AP đăng tải gần đây, Mexico là quốc gia hiếm có trao quyền kiểm soát, điều hành sân bay cho quân đội.

Trong đó, quân đội nước này đã tham gia xây dựng sân bay mới trị giá 4,1 tỷ USD ở ngoại ô thủ đô Mexico City từ một năm trước và hiện đang quản lý cơ sở này.

Ngoài ra, Hải quân Mexico đang đảm bảo an ninh tại sân bay quốc tế Mexico City (còn gọi là Benito Juarez) từ hơn một năm trước.

Dự kiến, thời gian tới, Chính phủ Mexico sẽ cho phép Hải quân kiểm soát các dịch vụ khác tại sân bay Benito Juarez như dịch vụ hải quan, xuất nhập cảnh, xử lý hành lý, dọn vệ sinh.

123
Binh sĩ Hải quân Mexico làm nhiệm vụ tại sân bay quốc tế Mexico City (Ảnh: AP).

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Chuẩn đô đốc Carlos Velazquez Tiscareno - Giám đốc sân bay quốc tế Mexico City cho biết công ty quản lý sân bay này sẽ trở thành đơn vị trực thuộc Hải quân Mexico nhưng nơi đây không phải hoạt động như một căn cứ quân sự.

Tại sân bay quốc tế Mexico City, có khoảng 1.500 binh sĩ Hải quân được triển khai làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh từ tháng 2/2022 còn các nhân viên khác đều là lao động bình thường, buộc phải tuân thủ các quy định cụ thể để đảm bảo vận hành sân bay diễn ra theo trật tự và kỷ luật.

Ngoài ra, Hải quân Mexico dự định thành lập công ty có tên Casiopea để vận hành sân bay Mexico City và 6 cơ sở khác đang trong tình trạng quản lý yếu kém và bị các băng đảng tội phạm có tổ chức hoành hành. Trong số đó có sân bay Matamoros thuộc khu vực giáp biên giới với bang Texas của Mỹ và sân bay Playa del Carmen trên Vịnh Mexico.

Sở dĩ Mexico mạnh tay sử dụng quân đội quản lý sân bay dân sự vì lâu nay, các cảng hàng không ở Mexico bao gồm sân bay quốc tế Mexico City đã tồn tại nhiều vấn đề từ nạn vận chuyển ma túy của các băng đảng tội phạm cho đến nhập cư bất hợp pháp.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng tại sân bay xuống cấp nghiêm trọng, từng xảy ra một số trường hợp máy bay suýt va chạm trên đường băng, mất cắp hành lý, yếu kém trong sắp xếp lịch trình chuyến bay, tham nhũng.

Trước thực trạng trên, sau khi nhận chức vào năm 2018, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã chỉ đạo lực lượng vũ trang của quốc gia này thực hiện một số nhiệm vụ phi truyền thống, bao gồm kiểm soát dịch vụ hải quan, xuất nhập cảnh tại một số cảng và sân bay.

Quân đội Mexico cũng đang xây dựng một số dự án cơ sở hạ tầng lớn như tuyến tàu phục vụ khách du lịch và sân bay mới tại bán đảo Yucatan.

Tổng thống Lopez Obrador cũng dự định cho phép quân đội tiếp quản khoảng 10 sân bay trên khắp đất nước trước khi mãn nhiệm vào năm 2024. Tới cuối năm nay, quân đội Mexico sẽ bắt đầu vận hành hãng hàng không thương mại riêng.

Hoàng Anh / Báo Giao thông