Metro ga Hà Nội-Nhổn: Đường chưa xong, tàu nhấp nhổm về nước

Đường sắt trên cao ga Hà Nội - Nhổn phải lùi tiến độ đến 2022 nhưng dự kiến 2020 tàu về Việt Nam.

Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa thông tin, đoàn tàu tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đang được lắp ráp tại Pháp; Dự kiến đoàn tàu đầu tiên sẽ về Việt Nam vào tháng 7/2020 để kịp tiến độ tàu chạy đoạn trên cao vào tháng 4/2021. Trong khi đó, tuyến đường sắt trên cao thiếu vốn, phải lùi tiến độ đến năm 2022. PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Khoa Công trình, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội bày tỏ mối lo, tàu về đường chưa xong, dân gánh thêm nợ.

Hình dáng, màu sắc của đoàn tàu Metro Nhổn - ga Hà Nội trong tương lai. Ảnh: baodautu

"Tiến độ hoàn thiện đường, ga và việc mua sắm trang thiết bị, lắp ráp đoàn tàu phải song hành cùng nhau. Nếu đường, ga và tàu cũng vận hành được cùng một thời điểm là thuận lợi và chi phí tiết kiệm được nhiều nhất.

Trong trường hợp đường, ga chưa xong mà đã mang tàu về trước nghĩa là nguy cơ đoàn tàu phải đắp chiếu, chùm mền đợi đường hoàn thiện mới có thể vận hành, chạy thử.

Trong khi đó, vốn vay mua trang thiết bị, máy móc, đoàn tàu đã được đặt bút ký, lãi suất cũng sẽ phải trả tính từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Như vậy, nếu tàu đưa về trước một năm, chúng ta phải chịu lãi oan một năm, tàu đưa về trước hai năm, chúng ta sẽ phải chịu lãi trong hai năm.

Ở đây là vấn đề quản lý, anh đã tính toán thế nào mà lại để xảy ra tình trạng như vậy?

Hơn nữa, từ việc dự án bị lùi tiến độ, chậm đưa vào khai thác đã gây lãng phí rất lớn trong khi tàu về đắp chiếu, chịu lãi hàng năm thì rõ ràng chi phí đầu tư cũng sẽ bị đội lên, gánh nợ sẽ nặng thêm", PGS Nguyễn Đình Thám lo lắng.

Nhìn từ tiến độ của dự án Cát Linh - Hà Đông, PGS Nguyễn Đình Thám tỏ ra hoài nghi với mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2022.

Ông dẫn chứng, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông báo cáo đã hoàn thành tới 99%, chỉ còn 1% các hạng mục đang được hoàn thành nhưng cho tới nay đã lỡ hẹn tới 11 lần, dự án vẫn chưa thể đưa vào khai thác, vận hành. Trong khi đó, đều đặn mỗi năm, Việt Nam phải trả nợ Trung Quốc ít nhất 650 tỷ đồng tiền vay làm dự án này.

Với dự án đường sắt trên cao ga Hà Nội - Nhổn, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội nói rằng, phần trên cao của tuyến đường sắt đã đạt tiến độ 99,52%. Tuy nhiên, các ga trên cao, tiến độ mới đạt 61,32%; các ga ngầm mới đạt tiến độ chỉ 5,01%,. Điều này thật sự rất đáng lo lắng.

Chỉ 1% chưa hoàn thành mà 10 lần lỡ hẹn, trong khi dự án trên cao ga Hà Nội - Nhổn có hạng mục mới hoàn thành được 5-6%, bao giờ sẽ hoàn thành?

Bây giờ đường chưa xong mà đóng tàu mang về không những phải đắp chiếu chờ đường mà có thể sẽ phát sinh hàng loạt những chi phí vô lý khác như: chi phí thuê người trông coi những toa tàu này trong thời gian chờ đợi hoàn thiện tuyến đường, rất vô lý.

Ngay cả khi đường xong rồi liệu tàu có bị lạc hậu, có bị hỏng hóc, có lại mất thêm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, thậm chí có phải thay mới hay không? Nếu tàu không chạy được nữa thì xử lý thế nào? Ai chịu trách nhiệm?", PGS Nguyễn Đình Thám đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Cụ thể ở thông tin từ Ban quản lý dự án cho biết, đoàn tàu này có thể chuyên chở 850 - 950 người, khai thác tốc độ thương mại 35 km/giờ, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.Đề cập tới vận tốc chạy tàu, PGS Nguyễn Đình Thám đặt nghi vấn có vấn thiết kế bị đẩy lên làm tăng chí phí nhưng khi vận hành lại lộ rõ sự không tương thích.

"Điều này rất khó hiểu cho thấy vấn đề không minh bạch ngay từ khâu thiết kế.

Thông thường, khi thiết kế vận tốc đường cao thì toàn bộ chi phí về thiết kế kỹ thuật, máy móc cũng đòi hỏi yêu cầu cao.

Như vậy, tốc độ càng cao, chi phí đầu tư càng lớn, thiết kế vận tốc thấp, chi phí đầu tư cũng thấp hơn.

Trong trường hợp này, khi thiết kế  vận tốc tàu là 80 km/giờ, toàn bộ chi phí thiết kế kỹ thuật cũng phải đặt ra tương thích với tốc độ 80 km/giờ đó.

Nếu giảm vận tốc xuống còn 35km/giờ thì chi phí, thiết kế, kỹ thuật máy móc có giảm theo không?

Có chuyện đẩy thiết kế lên cao để xin đầu tư cao hay không? Tại sao lại như vậy?", PGS Nguyễn Đình Thám hỏi tiếp.

Đặt ra hàng loạt những câu hỏi như vậy, vị chuyên gia kiến nghị cần phải làm rõ ràng, minh bạch, tránh để người dân phải trả nợ. Một câu hỏi khác được ông Thám nêu ra và yêu cầu làm rõ là có hay không chuyện nhóm lợi ích trong dự án này?

Tàu metro Nhổn - Ga Hà Nội sẽ chạy trung bình 35 km/h
Kiểm điểm cán bộ sai phạm trong dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên
Đoàn tàu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội về Việt Nam đầu năm 2020
/ baodatviet.vn