Xưa kia, ngày đầu năm thường có những chú chó vô chủ, vì hoảng loạn "chạy pháo" Tết rồi quên đường về nhà.
Xưa kia, ngày đầu năm thường có những chú vô chủ, vì hoảng loạn "chạy pháo" Tết rồi quên đường về nhà. Đói khát, chúng lần mò vào làng tìm thức ăn. Chỉ cần mon men đến đầu ngõ nhà ai, lập tức chúng sẽ được chủ nhà dụ vào, cho ăn uống tử tế. Nếu "ưng bụng" ở lại, chúng sẽ được chủ nhà sẵn lòng cưu mang. Ngược lại, hễ thấy bóng con mèo lạ tìm đến, lập tức chủ nhà sẽ hò hét đánh đuổi. Ấy là quan niệm dân gian, bất kể ngày Tết hay ngày thường: "Mèo đến thì khó, chó đến thì giàu".
Các sách từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam đều không giải thích nghĩa đen mà chỉ diễn giải nội dung: "Mèo nhà khác đến nhà mình thì khó làm ăn, trái lại, chó nhà khác đến thì nhà mình sẽ làm ăn thịnh vượng [theo mê tín]" ("Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" của nhóm Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào); "Mèo tự tìm tới nhà ai thì nhà ấy rồi sẽ trở nên khốn khó; chó tự tìm tới nhà ai thì nhà ấy rồi sẽ trở nên giàu sang" ("Từ điển tục ngữ Việt", Nguyễn Đức Dương); "Mèo nhà khác đến nhà mình thì khó làm ăn, ngược lại, chó nhà khác đến nhà mình thì sẽ làm ăn thịnh vượng" ("Thành ngữ tục ngữ Việt Nam", Bùi Hạnh Cẩn - Bích Hằng - Việt Anh) hoặc từ điển của GS Nguyễn Lân chỉ "giải thích" ngắn gọn "Lời nói dị đoan không có căn cứ"!
Tuy nhiên, đã có không ít bài viết giải thích câu tục ngữ này. Trong đó, đáng chú ý là bài "Lý giải "Mèo đến thì khó, chó đến thì sang" (kienthuc.net), dẫn ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu:
- GS-TS Ngô Đức Thịnh cho rằng tục ngữ này bắt nguồn từ "những câu chuyện về con chó liên quan đến cả một triều đại của Lý Công Uẩn". Năm Lý Công Uẩn sinh ra (Giáp Tuất, 974), ở quê ông có con chó đẻ con sắc trắng, đốm lông hình chữ "vương" trên lưng. Năm Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, lại có con chó mẹ từ núi Ba Tiêu, châu Bắc Giang bơi qua sông Cái rồi lên ở trên núi Nùng, đẻ được một chó con. Đến năm Nhâm Tuất, 2 chó đều hóa, nơi này sau dựng "Chính điện đài".
- ThS Vũ Đức Huynh thì cho rằng "dân gian dựa vào đặc tính của 2 con vật này mà sáng tạo ra tục ngữ". Chó là con vật trung thành, có trí nhớ tốt, "khi chó đến nhà là nhà có kẻ canh nhà, giữ của, biểu hiện của thần giữ của nên sẽ giàu có". Ngược lại với chó, mèo khi có ăn thì ở lại, không có ăn thì bỏ đi, "thể hiện sự mất của và người ta quan niệm mèo đến là mang điều xui, sự nghèo hèn...". Mặt khác, còn có sự ảnh hưởng của "trường khí" - "giống mèo rất khoái các khu vực có bức xạ hay trường khí xấu; ngược lại, con chó lại khoái các khu vực vị trí có bức xạ, trường khí tốt"…
Điều thú vị là người Trung Quốc cũng có câu y hệt "Mèo đến thì khó, chó đến thì giàu" (Miêu lai cùng, cẩu lai phú - 貓 來 窮, 狗 來 富). Họ quan niệm mèo vô chủ (lưu lãng miêu - 流 浪 貓) tự nhiên đến nhà là điềm gia chủ sắp đến vận bần cùng. Ngược lại, chó vô chủ (lưu lãng cẩu - 流 浪 狗) tự dưng đến nhà là điềm gia chủ sẽ được giàu có. Họ cho rằng điều này không hẳn là mê tín. Nguyên do là thời xưa, chỉ có nhà giàu thì nền mới lát gạch; còn nhà nghèo nền đất thô sơ, chuột bọ đào hang hốc trú ngụ rất nhiều. Đây chính là lý do khiến mèo để mắt tới nhà nghèo. Trong khi đó, bữa ăn nhà giàu thường có thịt, mà chó thì cực thính mũi nên tìm đến. Chó hoang, chó vô chủ tự dưng tìm đến nhà ai tựa như một sự tiên đoán về vận tài phú của gia chủ.
Tục ngữ Hán còn có câu "Con không chê mẹ xấu, chó không chê nhà nghèo" (Nhi bất hiềm mẫu xú, cẩu bất hiềm gia bần - 兒 不 嫌 母 醜, 狗 不 嫌 家 貧). Chó chính là người bạn trung thành nhất của con người. Chó sủa "wàng", giống âm chữ "vượng" (旺), đồng nghĩa cát tường, tài phú sẽ đến. Trong khi đó, mèo kêu "miào" (喵), giống âm chữ "miè" 滅 (diệt), "méi" 沒 (một) - đều mang nghĩa là "tiêu tan", "mất mát", "chết chóc". Bởi vậy, mèo hoang đến nhà là điều tối kỵ. Người Trung Quốc cũng có câu "Chó đến thì tiền tài, mèo đến thì tang ma" (Cẩu lai tài, miêu lai hiếu - 狗 來 財, 貓 來 孝)… Cách giải thích này, theo chúng tôi là có cơ sở thực tế.
Trở lại với cách diễn giải, giải thích của các nhà biên soạn từ điển và nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam. Các nhà biên soạn từ điển diễn giải "chó nhà khác", "mèo nhà khác" đến nhà mình hay "mèo tự tìm đến nhà ai", "chó tự tìm đến nhà ai", theo chúng tôi là chưa rõ nghĩa. Bởi lẽ, "mèo" hay "chó" ở đây phải hiểu là mèo, chó hoang, vô chủ (như cách hiểu của người Trung Quốc là "lưu lãng miêu", "lưu lãng cẩu") chứ không phải là mèo, chó của "nhà khác". Có nghĩa, mèo, chó hoang này xuất hiện như một thiên sứ báo hiệu lành dữ cho gia chủ thì mới linh. Cũng là chó, mèo đến nhà nhưng nếu chó, mèo hàng xóm (có chủ) thì người ta có thể đánh đuổi cả hai (để tránh chúng ị bậy, ăn vụng), chứ không có chuyện đón đợi, mừng rỡ.
Với cách giải thích của GS-TS Ngô Đức Thịnh, theo chúng tôi, nội dung câu tục ngữ đơn thuần xuất phát từ quan niệm dân gian, không liên quan đến những yếu tố "cung đình", cụ thể là "những câu chuyện về con chó liên quan đến cả một triều đại của Lý Công Uẩn". Bởi đó là điềm "sinh thánh đế", liên quan đến yếu tố phong thủy (việc định đô ở Thăng Long) chứ không phải chuyện tài phú theo quan niệm dân gian. Yếu tố lịch sử chỉ được ông "lắp ghép" vào vế sau câu tục ngữ ("chó đến thì giàu"), còn vế đầu ("mèo đến thì khó") không được lý giải. Mặt khác, GS-TS Ngô Đức Thịnh giải thích ra sao khi người Trung Quốc cũng có quan niệm tương tự?
Rất khó xác định người Trung Quốc đã vay mượn câu tục ngữ của người Việt Nam hay ngược lại. Bởi lẽ, trong quá trình giao lưu văn hóa hoặc đặc điểm sinh hoạt, cư trú của các dân tộc gần nhau có thể xuất hiện những sản phẩm văn hóa, vật chất giống nhau. Điều đó có thể do vay mượn, ảnh hưởng lẫn nhau nhưng cũng có thể là những sáng tạo độc lập. Chuyện giống nhau chỉ là ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, câu "Miêu lai cùng, cẩu lai phú" chỉ có thể tồn tại, lưu truyền được ở Trung Quốc khi nó xuất phát từ chính sự quan sát, chiêm nghiệm của dân gian Trung Quốc về tập tính của 2 loài vật nuôi này (giống như dân gian Việt Nam) chứ không thể đơn thuần xuất phát từ tích truyện "Cẩu nhi" (chỉ có ở nước ta).
Nhiều câu tục ngữ mang màu sắc thần bí, khó giải thích vốn xuất phát từ những quan sát rất cụ thể của dân gian. Song, vì trải qua nhiều đời lưu truyền, điều kiện kinh tế, phong tục tập quán đã thay đổi, những nguyên nhân cụ thể cứ lu mờ dần rồi chìm vào màn sương huyền bí. Chuyện giải thích cho rành rẽ không hề đơn giản. Tuy nhiên, dù đoán già đoán non, đưa ra nhiều cách giải thích thì cũng nên lựa chọn cách nào mang tính biện chứng, có lý nhất; không nên gán ghép cho dân gian một cách dễ dãi, khiên cưỡng. Câu tục ngữ "Mèo đến thì khó, chó đến thì giàu" là một ví dụ điển hình.
Tiếng chó sủa "gâu, gâu" gần giống "giàu, giàu", tiếng mèo kêu "ngheo ngheo" gần giống "nghèo nghèo" nên kiêng kỵ
Nơi huấn luyện những chú chó \'chiến binh\' đặc biệt
Chó nghiệp vụ được nuôi và chăm sóc từ bé theo quy trình đặc biệt, đến khi được 12 tháng, các chuyên gia sẽ tuyển ... |
Những chú chó trung thành lay động hàng triệu trái tim
Hachiko, Tinh Tinh hay Fu Shi là những chú chó đã khiến hàng triệu trái tim lay động vì sự trung thành dành cho chủ ... |