Mặt trái của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc

Các ca sĩ thần tượng K-pop phải đối diện với lịch làm việc dày đặc, chế độ ăn uống nghiêm ngặt và chịu áp lực từ dư luận để được tỏa sáng trên sân khấu.

Cách đây vài ngày, thông tin nữ ca sĩ - diễn viên Sulli tự tử ở tuổi 25 khiến dư luận bàng hoàng. Người hâm mộ trong nước và quốc tế bị sốc bởi trở thành thần tượng K-pop là ước mơ của nhiều người. Để trở thành người của công chúng, hầu hết các ca sĩ thần tượng đều chấp nhận hy sinh cả thanh xuân để luyện tập các kỹ năng sân khấu. Họ luôn xuất hiện rạng rỡ, xinh đẹp với những bản nhạc lôi cuốn, vũ đạo hoàn hảo trên sân khấu. Tuy nhiên sau ánh hào quang sân khấu, họ phải chịu áp lực danh tiếng và búa rìu dư luận. Không ít ca sĩ thần tượng Hàn từng thú nhận rằng họ rơi vào trầm cảm và suy sụp khi cố gắng giữ gìn hình ảnh hoàn hảo trong mắt người hâm mộ.

mat trai cua nganh cong nghiep giai tri han quoc
Nữ ca sĩ quá cố Sulli. Ảnh: AllKpop.

Những bản hợp đồng "nô lệ"

Nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc nổi tiếng với những lò chuyên đào tạo thần tượng. Hàng năm, vẫn có hàng nghìn cô cậu bé bước chân vào lò đào tạo khắc nghiệt của các công ty giải trí. Chỉ có một số ít trụ lại và được ra mắt với tư cách ca sĩ solo hoặc thành viên nhóm nhạc. Thời gian đào tạo có thể kéo dài từ 3 đến hơn 10 năm và họ phải học tất cả các kỹ năng ca hát, nhảy múa, tuân thủ lịch luyện tập dày đặc mà công ty cung cấp. Một số còn buộc phải phẫu thuật thẩm mỹ để có vẻ ngoài hoàn hảo.

Steven Chau, nghệ sĩ người Canada chuyên biểu diễn nhạc Hàn Quốc, cho biết: "Đầu tiên, bạn sẽ lọt vào tầm mắt của giám khảo nếu thực sự có tài năng. Tuy nhiên, chỉ có tài năng thì chưa đủ. Các công ty đều đặt ra tiêu chuẩn của riêng họ trong việc tuyển lựa ngoại hình của các thần tượng tương lai, kể cả chiều cao hay phong cách thời trang".

"Chỉ riêng từ 'thần tượng' đã gói gọn kỳ vọng của công chúng đối với các chàng trai, cô gái này. Họ phải thật hoàn hảo, phải đáp ứng mọi tiêu chuẩn được đặt ra cho một người nghệ sĩ. Áp lực từ những định kiến đó thực sự quá lớn với độ tuổi của các bạn", Jeff Benjamin, người phụ trách mảng K-pop của Billboard, nhận định.

mat trai cua nganh cong nghiep giai tri han quoc
Một lò đào tạo thần tượng tại Seoul. Ảnh: CBC.

Tuy vậy, sức hút mạnh mẽ từ ánh hào quang của các thần tượng đã khiến hàng nghìn bạn trẻ dấn thân vào con đường thực tập sinh đầy gian khổ này. Để được các công ty giải trí đào tạo, những bạn trẻ phải ký với các công ty này những bản hợp đồng làm việc kéo dài từ 7 đến 13 năm kể từ khi ra mắt công chúng. Trong khoảng thời gian đó họ phải làm việc với lịch trình dày đặc nhằm đảm bảo "hoàn vốn" cho công ty.

Không ít ca sĩ thần tượng từng tìm cách thoát ra khỏi bản hợp đồng nô lệ với công ty đào tạo, nhưng vì chi phí bồi thường hợp đồng quá lớn nên đành ngậm ngùi chấp nhận. Năm 2009, 3 thành viên của nhóm nhạc JYJ thắng kiện công ty quản lý SM. Nhờ đó, thời hạn hợp đồng trung bình giữa các công ty giải trí với nghệ sĩ được rút ngắn, từ 13 năm xuống 7 năm.

Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng may mắn như trường hợp trên, hai cựu thành viên của nhóm nhạc EXO là Kris Wu (Ngô Diệc Phàm) và Lu Han (Lộc Hàm) từng đệ đơn chống lại công ty quản lý SM vào năm 2014. Theo đó, cả hai không hài lòng với thời hạn của hợp đồng, cách xử lý của công ty, phân chia lợi nhuận không công bằng và nhiều lý do khác. Tuy nhiên, kết quả Kris và Lu Han đã thua kiện trong cuộc chiến chống lại công ty quản lý. Tòa tuyên xử hợp đồng của Kris và Lu Han với SM sẽ tiếp tục có hiệu lực đến năm 2022, đúng theo thời hạn mà cả hai đã ký. Cả hai vẫn phải chia thu nhập cho SM dù không còn hoạt động tại thị trường Hàn Quốc.

mat trai cua nganh cong nghiep giai tri han quoc
Kris Wu (trái) và Lu Han, cựu thành viên EXO, dù đã rời nhóm và không còn thuộc công ty quản lý SM nhưng vẫn phải chia lợi thu nhập với SM đến năm 2022 bởi bản hợp đồng 'nô lệ' được ký khi còn là thực tập sinh. Ảnh: Koreaboo.

Áp lực danh tiếng và búa rìu dư luận

Gian khổ thực sự bắt đầu khi họ được bước lên sân khấu và trở thành ca sĩ thần tượng. Họ thường phải đối mặt với lịch làm việc dày đặc, thiếu ngủ triền miên và thường xuất hiện tình trạng kiệt sức. Họ phải vật lộn từng giờ với áp lực doanh số album, thành tích trên bảng xếp hạng âm nhạc, sự đào thải nhanh chóng của thị trường.

Sana của Twice từng tiết lộ cô thường có những giấc ngủ ngắn chỉ 10 phút bởi lịch trình làm việc quá bận rộn. Sau 7 năm ra mắt, nhóm nhạc EXO mới có kỳ nghỉ đầu tiên vào tháng 1/2019.

"Các nghệ sĩ Bắc Mỹ thường phát hành chừng 2-3 bài hát trong một năm, sau đó ra tiếp một album rồi dành thời gian thả lỏng khoảng 1 đến 3 năm. Thế nhưng, thời gian nghỉ ngơi của các thần tượng K-pop chỉ kéo dài vài tháng", Benjamin nói.

Các nhóm nhạc thần tượng Hàn thường chỉ gây chú ý cho công chúng trong khoảng thời gian khoảng 5 hay 7 năm. Vào đầu thập niên 2000, DBSK, Super Junior từng được yêu thích tại Hàn Quốc, ngay sau đó đến giai đoạn thịnh trị của Big Bang, T-ara, và giờ BTS là nhóm nhạc được chú ý nhất.

Bên cạnh đó, các ca sĩ thần tượng đối mặt với áp lực lớn đến từ dư luận. Nhất cử nhất động của họ đều được cộng đồng người hâm mộ theo dõi và đưa ra bình phẩm.

"Thần tượng sẽ làm mọi thứ vì fan, bởi đó là lý do duy nhất khiến họ tồn tại. Ngay cả khi bản thân gặp vấn đề nghiêm trọng, họ cũng chẳng mấy khi dám lên tiếng chia sẻ. Trong văn hóa Hàn Quốc, nếu thần tượng làm thế thì sẽ bị cư dân mạng 'ném đá' bởi vì họ không được phép thể hiện mặt yếu đuối trong con người mình. Mọi người sẽ hùa nhau chỉ trích kiểu: 'Ô, cuộc sống sung sướng thế mà còn không biết tận hưởng, cứ kêu than gì vậy nhỉ?'. Họ hay phán xét người khác như thế đó", Eunice Chang, giám đốc E&M Productions - công ty chuyên tổ chức sự kiện ca nhạc K-pop chia sẻ.

Nữ ca sĩ quá cố Sulli từng là tâm điểm chỉ trích của công chúng khi vướng vào mối quan hệ tình cảm với Choiza - ca sĩ nhóm Dynamic Duo. Năm 2013, khi bắt đầu yêu Choiza, Sulli rũ bỏ hình ảnh cô gái ngoan ngoãn trước đó và theo đuổi hình tượng sexy, quyến rũ, có những quan điểm thoáng về tình dục. Sự thay đổi của Sulli khiến công chúng quay lưng, liên tiếp nhận sự chỉ trích từ người hâm mộ.

Trước những chỉ trích của cộng đồng, Sulli từng chia sẻ trong show truyền hình Jin Ri Market rằng: "Tôi thấy rất buồn khi mọi người luôn dùng ánh mắt mắt khắc nghiệt và dị biệt để nhìn nhận về tôi".

Trong một chương trình phỏng vấn khác, cô cho biết thêm: "Tôi bắt đầu làm quen với máy quay từ khi còn nhỏ, tôi phải nghe những lời chê trách nặng nề như cơm bữa. Tâm huyết dần bị phá nát thành từng mảnh đá vụn. Tôi được dạy cách giảm hết xúc cảm cá nhân xuống để khiến bản thân trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi cũng không muốn sống mạnh mẽ quá đâu, nhưng làm gì còn ai để tôi dựa vào nữa?".

Hôm 29/9, Sulli livestream trên Instagram ghi lại quá trình làm tóc, trang điểm. Nữ ca sĩ không mặc nội y, để lộ ngực, nhưng thái độ rất điềm nhiên, bất chấp những phản ứng dữ dội của nhiều người về việc cô ăn mặc phản cảm. 11 ngày sau cô quyết định chấm dứt cuộc đời mình.

mat trai cua nganh cong nghiep giai tri han quoc
BTS - nhóm nhạc K-pop được yêu thích nhất hiện nay. Ảnh: Times.

Ngành công nghiệp giải trí với doanh thu khổng lồ

Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc được chú trọng vào cuối thập niên 90 sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Khi đó, chính phủ Hàn Quốc, đứng đầu là tổng thống Kim Dae-jung, chọn cách đầu tư vào ngành giải trí nhằm thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện hình ảnh quốc gia. Các tổ chức như Cục Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc và Hội đồng Phim Hàn Quốc được thành lập để quảng bá văn hóa sang các nước khác. Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cũng được lập ra, với một cơ quan đặc biệt để quảng cáo cho K-pop.

Kể từ thập niên 90, rất nhiều sân khấu biểu diễn đã được xây dựng. Nhiều công ty giải trí ra đời trong giai đoạn này như SM Entertainment (1995), YG Entertainment (1996) và JYP Entertainment (1997) hiện là những công ty lớn mạnh nhất trong ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc.

Làn sóng quảng bá văn hóa thông qua K-pop đã tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty Hàn Quốc trong mọi lĩnh vực như thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm, thậm chí ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Các doanh nghiệp Hàn dựa vào sức ảnh hưởng của các ngôi sao thần tượng tìm cơ hội tăng doanh thu, mở rộng hoạt động, thậm chí tấn công sang thị trường mới. Các công ty nước ngoài cũng coi Hàn Quốc là thị trường tiềm năng mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thậm chí, sự thành công của một nhóm nhạc cũng có tác động đáng kể lên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Trong 5 ngày sau khi BTS đứng đầu bảng Billboard 200 vào 28/5, giá cổ phiếu các công ty giải trí đã tăng vọt.

Bất chấp những mặt trái vẫn đang tồn tại, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo năm 2017 của Cục Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, quy mô ngành công nghiệp âm nhạc nước này đã lên tới 5 tỷ USD. Năm 2018, thị trường âm nhạc Hàn Quốc có mức tăng trưởng doanh thu tăng 17,9%, trong khi các ngành khác đang chững lại, chỉ đạt mức 10%, theo Forbes.

Sơn Nam tổng hợp

mat trai cua nganh cong nghiep giai tri han quoc 4 cái chết vì trầm cảm gây chấn động làng giải trí Kpop

Sự ra đi của Park Yong Ha, Jong Hyun (SHINee), Sulli... cho thấy sự khắc nghiệt của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc.

mat trai cua nganh cong nghiep giai tri han quoc Mỹ nữ TVB phơi bày sự "bẩn thỉu" trong làng giải trí Hong Kong

Chuyện sao nữ bán thân kiếm tiền hay được đại gia bao nuôi,… được hé lộ khiến nhiều người sốc.

mat trai cua nganh cong nghiep giai tri han quoc "Chàng béo" Psy giàu nhất làng giải trí Hàn Quốc

Nam ca sĩ Psy - "cha đẻ" của "Gangnam Style" và điệu nhảy ngựa trứ danh - đã vượt qua nhiều gương mặt nổi bật ...

/ ngoisao.net