Không chỉ chạy theo trào lưu “sinh thuận theo tự nhiên”, “đẻ tại nhà”, một số phụ nữ còn mù quáng lập hội nhịn ăn để “thanh lọc cơ thể”, “an-ti vắc-xin”, coi sữa mẹ là “thần dược”... để rồi phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí tính mạng của bản thân
Từ an-ti vắc xin, thần thánh hóa sữa mẹ
Ngoài những hậu quả khó lường từ việc sinh con tại nhà mà Báo An ninh Thủ đô đã có bài cảnh báo, thời gian qua, nhiều ông bố, bà mẹ với quan điểm “không tiêm vắc-xin không chết”, hãy để cơ thể tự sản sinh kháng thể tự nhiên, tự chống lại bệnh tật, tiêm vắc xin ảnh hưởng xấu tới não bộ của trẻ… nên đã lập hội “an-ti vắc xin” trên mạng xã hội với hàng nghìn thành viên tham gia. Điều này đã dẫn đến hậu quả khi một số bệnh ở nước ta đã giảm tỷ lệ mắc hoặc đã nhiều năm không có ca mắc bỗng xuất hiện trở lại như bạch hầu, sởi, viêm màng não...
Người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám, điều trị bệnh kịp thời |
Trước hiện tượng trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phản bác thông tin này và khẳng định, thực tế cho thấy, vắc xin đã bảo vệ trẻ em khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, không một loại vắc xin nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối và mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở mức độ khác nhau. Nhờ sử dụng vắc xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số ca mắc, tử vong. Không chỉ là cứu tinh của hàng triệu trẻ em, vắc xin còn giúp các quốc gia trên thế giới tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ từ chăm sóc y tế.
Ngoài “an-ti vắc xin” không ít bà mẹ đã thần thánh hóa sữa mẹ, coi nó như thần dược. Họ cho rằng khi trẻ ốm không cần dùng kháng sinh, không cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị mà chỉ cần bú sữa mẹ cũng khỏi bệnh. Khi trẻ bị đau mắt, mất ngón tay, chỉ cần nhỏ sữa mẹ vào là mắt sẽ khỏi, ngón tay mọc trở lại. Cùng với đó, các đối tượng này còn công kích những người cho con dùng sữa công thức bằng những lời lẽ thậm tệ như “cho con uống sữa bò là uống thuốc độc”, “chỉ có con thú thì mới cho con uống sữa thú”…
Về tác dụng của sữa mẹ, theo các chuyên gia y tế, sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Song, đây cũng chỉ là một loại thức ăn cho bé, không thể chữa được ung thư hay thay thế hoàn toàn các loại thực phẩm khác đến mức phải cho trẻ bú tới 5, 6 tuổi. Ngoài ra, quan điểm vắt sữa mẹ vào mắt để chữa bệnh cho trẻ là hoàn toàn sai lầm, phản khoa học. Sữa mẹ cũng không có tác dụng chữa bệnh tim bẩm sinh, không thể giúp đốt ngón tay của trẻ mọc lại.
…đến nhịn ăn để thải độc, chữa bệnh theo bác sỹ Google
`Cách đây không lâu, chị H.T.T.T (24 tuổi, ở quận 10, TP.HCM) được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch và chết não 1 giờ sau đó. Nguyên nhân tử vong được xác định do nạn nhân khá béo nên mặc cảm, quyết giảm cân bằng cách nhịn ăn trong 11 ngày liền để thanh lọc cơ thể dẫn đến rối loạn điện giải, thiếu vi chất và dinh dưỡng. Trước đó, tại An Giang, một phụ nữ 49 tuổi cũng đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp. Chỉ vì đua theo trào lưu “thanh lọc cơ thể”, bệnh nhân này đã nhịn ăn đến ngày thứ 20 mà chỉ uống mỗi ngày một quả dừa.
Nói về trào lưu này, bác sỹ Phạm Thanh Hải – Bệnh viện Việt Tiệp cho rằng, đến thời điểm hiện tại chưa có công trình nào công bố tác dụng của việc thanh lọc cơ thế từ nhịn ăn, chỉ uống nước. Thực tế đã có không ít người áp dụng phương pháp này phải nhập viện do rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là rối loạn điện giải và thiếu hụt vitamin trầm trọng, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Chỉ vì tin bác sỹ Google, không ít người đã suýt mất mạng (ảnh minh họa) |
Không chỉ tin và học theo các trào lưu thiếu căn cứ, một số người còn tự chữa bệnh bằng cách hỏi bác sỹ Google mà không cần đến bệnh viện, uống thuốc theo đơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các bệnh viện thường xuyên quá tải, người bệnh ngại đi khám phải chờ lâu, tốn kém về tiền bạc. Trong khi đó, hệ thống internet phát triển rất nhanh, chỉ cần vào mạng, người ta có thể tìm kiếm được mọi thông tin họ cần. Tuy vậy, họ không hiểu được rằng, không phải mọi thông tin từ Google đều chính xác, đặc biệt là trong điều kiện mạng xã hội bùng nổ như hiện nay.
“Ai cũng có quyền đưa thông tin theo ý chí chủ quan của mình dù những thông tin đó không rõ nguồn, độ xác thực lại không ai kiểm chứng. Nếu người bệnh đọc được những thông tin này, cả tin rồi áp dụng ngay thì có thể gây hại cho bản thân. Mặt khác, trong y học, mỗi bệnh, mỗi người bệnh sẽ có một phác đồ điều trị riêng. Do đó, việc tin theo một phương pháp chung trên mạng mà áp dụng cho nhiều người là rất nguy hiểm” – Bác sỹ Phạm Thanh Hải nói.
Sức khỏe là vốn quý của con người. Vì vậy, khi mang thai, nuôi con nhỏ hay cơ thể có biểu hiện bất bình thường, mỗi người dân nên đến các cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc tự tra cứu thông tin trên mạng, tự chữa bệnh hay tham gia vào trào lưu thiếu cơ sở khoa học sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng của nhiều cá nhân, tạo gánh nặng cho ngành y tế và toàn xã hội.
Sinh con "thuận tự nhiên": Nếu trẻ tử vong, người mẹ có thể bị truy cứu hình sự
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định hành vi sinh con "thuận tự nhiên" là không phù ... |
Mọc lại đốt ngón tay nhờ… sữa mẹ: Đừng để “tà phái” lên ngôi!
Theo những chia sẻ của bà Lê Nhất Phương H. – người khởi xướng phong trào “sinh thuận tự nhiên” thì uống sữa mẹ có ... |