Tay súng lợi dụng mạng xã hội để gây chú ý, gieo rắc "virus cực đoan" để kích động những kẻ khác làm theo mình.
Brenton Tarrant phát video trực tiếp về vụ xả súng nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand hôm 15/3 trên Facebook. Ảnh: Daily Star.
Brenton Tarrant hôm 15/3 lái một chiếc xe chở đầy súng đạn tới nhà thờ Hồi giáo Al Noor ở thành phố Christchurch thuộc khu vực Đảo Nam ở New Zealand. Y vào bên trong, nã đạn từ khẩu súng trường bán tự động vào những người đang cầu nguyện bên trong. Y không dừng lại ngay cả khi các nạn nhân đã gục xuống. Cảnh tượng bạo lực này đã bị y phát trực tiếp trên Facebook.
Mạng xã hội ngày càng bị nhiều kẻ khủng bố lợi dụng trong những năm gần đây. Năm 2013, phiến quân Al-Shabaab tường thuật trực tiếp trên Twitter vụ tấn công trung tâm mua sắm Westgate ở Nairobi, Kenya. Tháng 1/2015, một kẻ khủng bố bắn chết 4 người tại khu chợ bán đồ ăn cho người Hồi giáo ở đông Paris ghi lại cuộc tấn công bằng camera GoPro. Y đã cố gắng gửi video qua email trước khi bị cảnh sát giết, theo CNN.
"Những kẻ tấn công muốn làm những điều khác biệt để được chú ý: sử dụng chiến thuật mới, vũ khí mới, mục tiêu mới và trong trường hợp này là phát trực tiếp trên mạng", Jeffrey Simon, giảng viên Đại học California, Los Angeles, nói.
"Khủng bố là bạo lực chính trị, vì vậy những kẻ khủng bố luôn muốn hành động của mình được lan truyền rộng rãi để tác động đến chính trị", Adam Hadley, giám đốc tổ chức Công nghệ Chống lại Khủng bố, nhận xét. "Chúng muốn có khán giả và sẽ tìm đến nơi có lượng khán giả lớn nhất. Đó có thể là truyền thông truyền thống hoặc có thể là mạng xã hội nhiều người sử dụng".
Người dân ngày 16/3 đặt hoa tại gần nhà thờ bị tấn công ở Christchurch để tưởng niệm các nạn nhân. Ảnh: AFP.
Trước vụ tấn công, tay súng kêu gọi người xem đăng ký kênh YouTube có 89 triệu người theo dõi của PewDiePie - YouTuber chuyên chơi game người Thụy Điển tên thật là Felix Kjellberg. PewDiePie là kênh Youtube có nhiều người đăng ký nhất thế giới. Anh này từng bị chỉ trích vì ca ngợi một kênh YouTube chống Do Thái.
Kjellberg sau đó đăng bài trên Twitter, bác bỏ mình có liên quan đến cuộc tấn công ở Christchurch. Giới chuyên gia cho rằng kẻ xả súng đã đạt được mục đích khi anh làm vậy.
"Nếu Kjellberg không ngay lập tức bác bỏ có liên quan đến vụ xả súng thì anh ấy sẽ bị cáo buộc là đã truyền cảm hứng cho kẻ giết người. Nhưng rõ ràng là vì Kjellberg lên tiếng, những người theo dõi anh ấy không thể không chú ý đến vụ tấn công này", ký giả Elizabeth Lopatto viết trên trang Verge.
Việc phát trực tiếp vụ tấn công "làm tăng kịch tính cho sự kiện, đồng thời làm tăng sự quan tâm trên toàn thế giới, đó chính xác là những gì thủ phạm muốn", J. Reid Meloy, cố vấn cho FBI, bình luận.
Giới chuyên gia cho rằng tay súng muốn xúi giục những kẻ cực đoan khác học theo mình. Trước vụ tấn công, Tarrant đã đăng lên mạng tài liệu cho thấy y theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, chống Hồi giáo.
"Đây là cách lợi dụng mạng xã hội để truyền đi virus cực đoan trên toàn cầu", Simon đánh giá.
"Y muốn tạo ra hỗn loạn sau cuộc tấn công, cố gắng kích động nhiều người làm những việc tương tự", Meloy nhận xét.
Facebook đã gỡ trang phát video trực tiếp của Tarrant và cho biết họ đã xóa 1,5 triệu video đăng lại. Tuy nhiên, vài giờ sau vụ tấn công, người dùng mạng vẫn có thể tìm thấy video vụ tấn công trên trang này hay các nền tảng như Twitter, YouTube.
Tom Chen, giáo sư về an ninh mạng tại Đại học City ở London nói rằng các trang như Twitter và Facebook dựa vào phần mềm tự động để loại bỏ những tài liệu vi phạm. Video phát trực tiếp vụ tấn công được quay bằng camera gắn trên người của tay súng, giống như video game góc nhìn thứ nhất. "Nếu video khủng bố trông giống video game thì sẽ rất khó để hệ thống tự động kiểm duyệt được chúng", ông nói.
Ông cho biết Ủy ban châu Âu đang thúc giục các công ty mạng xã hội "gỡ bỏ những video tuyên truyền khủng bố trong vòng một giờ". Giới chức có thể sẽ phạt các công ty này nếu họ không tuân thủ, "bởi hầu hết việc phát tán video xảy ra trong vòng hai giờ đầu tiên", ông nói thêm.
Băng đảng New Zealand đe dọa tay súng trong vụ khủng bố Christchurch
Brenton Tarrant, tay súng bị buộc tội sau vụ tấn công hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, đã được cảnh báo rằng ... |
CEO AirAsia xóa Facebook vì vụ xả súng ở New Zealand
Tony Fernandes cho rằng mạng xã hội đôi khi có nhiều nội dung thù địch hơn là tin tức tốt đẹp. |
Tay súng New Zealand mua 4 khẩu súng với email xác nhận của cảnh sát
Chủ cửa hàng súng nói nghi phạm mua vũ khí với giấy tờ được cảnh sát xác nhận và không phát hiện điều gì bất ... |
Facebook xóa 1,5 triệu video liên quan đến thảm sát New Zealand
Tính năng phát trực tiếp của Facebook bị chỉ trích vì không thể chặn video của kẻ xả súng, cũng như hàng loạt clip liên ... |