Mang thai hộ - từ nhân đạo bị biến tướng "đẻ thuê"

Luật hôn nhân gia đình cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, song quy định chặt chẽ như thân thích ba đời trở thành khó khăn cho nhiều gia đình.

Ngày 8/4, Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, yêu cầu các cơ sở thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, rà soát quy trình chuyên môn kỹ thuật, quy trình quản lý, tuân thủ quy định pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Các bệnh viện tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ, không để cán bộ nhân viên tham gia, dính líu, tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng, noàn, phôi, "đẻ thuê" hoặc thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi.

"Sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện có sai phạm, kể cả xem xét bãi bỏ quyết định công nhận cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ", theo công văn Bộ Y tế gửi các bệnh viện.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, nhìn nhận tình trạng tồn tại và hoạt động của những đường dây mua bán tinh trùng, noãn, phôi, đẻ thuê, ngày càng phức tạp. Một số vụ việc bị cơ quan chức năng điều tra, khởi tố. Mới nhất, ngày 7/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội điều tra về hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại đối với Phạm Ngọc Thảo, 40 tuổi, Nguyễn Anh Thư, 29 tuổi và Nguyễn Danh Hòa, 59 tuổi - một bác sĩ.

Tại Việt Nam, Luật hôn nhân gia đình 2014 cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại, giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Mang thai hộ bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Pháp luật không cho phép mang thai hộ vì mục đích thương mại, được định nghĩa là một phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Pháp luật quy định việc mang thai hộ phải được thông qua bản thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ trên cơ sở cùng tự nguyện. Họ cam kết người mang thai hộ chỉ là người đẻ thuê, con là của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Đứa bé được bàn giao cho vợ chồng nhờ mang thai hộ ngay khi sinh ra để đi làm giấy khai sinh. Về cả pháp lý lẫn sinh học, đứa bé là con của người nhờ mang thai hộ, chứ không phải của người mang thai hộ.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nhấn mạnh mang thai hộ có những quy định rất chặt chẽ, mục đích kiểm soát việc mang thai hộ, ngăn chặn vấn đề thương mại hóa.

Người mang thai hộ phải đáp ứng những điều kiện nhất định, là phải đang ở độ tuổi sinh đẻ, được khám sức khỏe và có khả năng mang thai hộ. Bên cạnh đó, người mang thai hộ phải có cùng huyết thống đối với chồng, hoặc vợ trong phạm vi 3 đời và phải cùng hàng.

"Quy định cùng hàng là để tránh tình trạng mẹ mang thai hộ con, bà mang thai hộ cháu. Điều này liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội", ông Quang nói.

Người mang thai hộ nếu có chồng, phải được người chồng đồng ý, và chỉ được phép mang thai hộ một lần, mục đích đảm bảo an toàn và sức khỏe người mẹ. Thông tin về người mang thai hộ được lưu trữ trên máy tính và kết nối dữ liệu với các trung tâm khác, tránh việc người mang thai hộ đã đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký.

Người nhờ mang thai hộ phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Đó là người không có khả năng mang thai, được cơ sở y tế xác định nguyên nhân bệnh lý là không mang thai được.

Các bệnh viện được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải có hội đồng tư vấn chịu trách nhiệm về lĩnh vực chuyên môn. Hội đồng gồm nhiều chuyên gia về y tế giúp xác định người nhờ mang thai hộ không thể mang thai, xác định người mang thai hộ có khả năng mang thai hay không; chuyên gia luật xác định tính pháp lý của việc mang thai hộ, để đảm bảo hai bên tự nguyện, cùng huyết thống, cùng hàng và có thỏa thuận giữa 2 bên.

Bệnh viện phải có chuyên gia tâm lý để giúp đỡ cho cả người nhờ và người mang thai hộ, tư vấn trước những vấn đề tâm lý có thể diễn ra trong quá trình mang thai, sinh con, hay những rủi ro có thể xảy ra, như tai biến sản khoa, tử vong...

Mang thai hộ - từ nhân đạo bị biến tướng "đẻ thuê"

Luật pháp chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, không cho phép mang thai hộ vì mục đích thương mại. Ảnh: Sohu

Ông Quang nhận định, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có quy định chặt chẽ, song vẫn có những "kẽ hở". Thực tế xảy ra tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại, và chính bác sĩ có thể là những người "tiếp tay" để thực hiện mang thai hộ với một số đối tượng không đủ điều kiện.

"Nếu cả bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ không vì mục đích nhân đạo, thực hiện mang thai hộ ở cơ sở y tế không có giấy phép, không đủ điều kiện, thì rất khó để cơ quan chức năng kiểm soát", ông Quang nói.

Ông Quang ví dụ, bác sĩ Nguyễn Danh Hòa, người thực hiện hỗ trợ sinh sản cho hai ca mang thai hộ bị công an điều tra ngày 7/4 trong vụ án nêu trên, đã thôi làm việc tại một bệnh viện ở Hà Nội từ ngày 20/8/2020. Từ đó đến nay, bác sĩ Hòa muốn hành nghề tiếp thì phải đăng ký hành nghề tại sở y tế sở tại, cụ thể ở đây là Sở Y tế Hà Nội.

Luật chỉ cho phép những người có quan hệ thân thích 3 đời cùng hàng với cặp vợ chồng nhờ mang thai được phép mang thai hộ, như vậy sẽ rất hạn chế đối tượng được phép mang thai hộ và tạo ra sự bất bình đẳng cho các trường hợp không có người thân thích cùng hàng. Ngoài ra, việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đòi hỏi chi phí lớn cũng là một trở ngại đối với những cặp vợ chồng không thể có con nhưng cũng không có tiền để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ. Những điều này có thể cũng sẽ gây ra hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại, hoặc tình trạng đẻ thuê bằng cách quan hệ trực tiếp để có con.

Theo chuyên gia, việc đầu tiên hạn chế tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại là tất cả các bên cần tự giác, thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Hiện, một số bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm các bệnh viện Phụ sản Trung ương, Đa khoa Tâm Anh, Đa khoa Trung ương Huế, Phụ sản Từ Dũ TP HCM, Hùng Vương TP HCM, Mỹ Đức và một số bệnh viện khác...

Ngày 7/4, Nguyễn Anh Thư, Phạm Ngọc Thảo và bác sĩ khoa sản Nguyễn Danh Hòa đang bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội điều tra về hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại. Theo đó, đầu năm 2019, một cặp đôi không phải vợ chồng nhưng muốn có con chung nên tìm người mang thai hộ. Cặp đôi thuê Thư và Thảo mang thai hộ với giá 400 triệu đồng một người, riêng Thảo hưởng lợi thêm 80 triệu đồng. Sau thỏa thuận, bác sĩ Hòa thực hiện cấy 2 phôi vào tử cung Thư và Thảo.

Thúy Quỳnh

Trịnh Sảng phờ phạc trong phiên tòa ở Mỹ Trịnh Sảng phờ phạc trong phiên tòa ở Mỹ
Lần đầu xét xử vụ án tổ chức mang thai hộ tại Hà Nội Lần đầu xét xử vụ án tổ chức mang thai hộ tại Hà Nội
Đường dây thuê phụ nữ Việt mang thai hộ giá 300 triệu đồng Đường dây thuê phụ nữ Việt mang thai hộ giá 300 triệu đồng
/ vnexpress.net