Điện tiền Ngự sử Nguyễn Biểu thản nhiên lấy đũa khoét đôi mắt cho vào miệng nuốt chửng.
Trong bữa tiệc quái đản với cái đầu người luộc chín của tướng giặc Trương Phụ, Điện tiền Ngự sử Nguyễn Biểu thản nhiên lấy đũa khoét đôi mắt cho vào miệng nuốt chửng và nói: "Chẳng mấy khi người Nam được ăn đầu người Bắc".
Nguyễn Biểu là tướng nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam, quê ở làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh). Theo sử sách, không rõ Nguyễn Biểu sinh năm nào và cha mẹ là ai, làm nghề gì nhưng ông mất vào năm 1413.
Ông đỗ Thái học sinh thời cuối nhà Trần, làm quan đến chức Điện tiền Ngự Sử. Khi quân Minh xâm lược nước ta, ông phò Vua Trần Trùng Quang tổ chức kháng chiến. Ông bị tướng nhà Minh là Trương Phụ sát hại một cách hèn hạ khi đại diện Vua Hậu Trần đi sứ sang trại giặc.
Miếu thờ Nguyễn Biểu ở xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Một số tài liệu chép rằng, vào năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, Vua Trùng Quang phải chạy vào Hóa Châu và sai Nguyễn Biểu đi sứ giảng hòa. Và vì biết rõ bản chất tàn bạo của giặc Minh, Nguyễn Biểu xác định rõ lần đi này là một sống mười chết. Nhưng với khí phách của một tướng lĩnh nước Nam, ông không hề run sợ.
Đoàn sứ giả do Nguyễn Biểu dẫn đầu mang sản vật và biểu cầu phong định đi sang nhà Minh, nhưng mới đến Nghệ An thì bị Trương Phụ bắt giữ lại. Khi nghe Nguyễn Biểu đề nghị hòa hoãn, tướng giặc đã khước từ, nhưng tỏ vẻ là người trọng nghĩa, Phụ đã thiết tiệc chiêu đãi.
Để đe dọa tinh thần sứ ta, Trương Phụ đã cho dọn cỗ tiệc đầu người nhằm "trả đũa" sự ngang tàng của Nguyễn Biểu. Sử sách ghi: Trong căn phòng trang trí lộng lẫy, một mâm cỗ đặt trên chiếc sập gụ màu nâu sẫm. Chiếc lồng bàn đan bằng sợi ngà trắng toát chụp trên mâm đồng trạm trổ tinh vi càng làm cho mâm tiệc thêm vẻ thanh lịch.
Cạnh mâm, một nậm và cái chén đặt ngay ngắn trên khay khảm xà cừ... Tuy nhiên, khi tên lính hầu nhấc chiếc lồng bàn ra thì cũng là lúc Nguyễn Biểu sững sốt: Mâm cổ quái đảng và ghê tởm: Một cái đầu người!
Cái đầu của một người bất hạnh nào đó đã được luộc chín, hai hàm răng nhe ra như trút oán hờn. Nguyễn Biểu không ngờ Trương Phụ dã tâm đến mức gây ra trò hung bạo nhường ấy. Đây là cái đầu của ai vậy? Và tại sao Trương Phụ lại giở trò này?
Để ứng phó với hành động man rợ quỷ quyệt của tướng giặc, Nguyễn Biểu không có thì giờ suy nghĩ nhiều. Những chuyện đối đáp thử thách với sứ giả xưa nay có nhiều, Nguyễn Biểu đã từng nghe nói hoặc đọc trong sách vở. Nhưng đến mức này, Nguyễn Biểu chưa hề thấy.
Chắc chắn rằng đây là đầu một người dân lành đã bị Trương Phụ bắt và hành tội. Không ăn thì tên tướng giặc cho là sứ giả hèn nhát, còn ăn thì ghê tởm mà lại ăn thịt đồng bào... Song, không chút do dự, Nguyễn Biểu ngồi xuống sập, ung dung rót rượu.
Sau uống một ngụm rượu khai vị, Nguyễn Biểu cầm đũa ngà moi đôi mắt chấm vào dấm muối nuốt một cách ngon lành và kiêu hãnh ứng khẩu một bài thơ: Ngọc thiệt, trân tu đã đủ mùi/ Gia hào thêm có cỗ đầu người/ Nem công, chả phượng còn thua béo/ Thịt gấu, gan lân cũng kém tươi/ Cá lối lộc minh so cũng một/ Vật bày thỏ thủ bội hơn mười/ Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn/ Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời.
Không dừng ở đó, Điện tiền Ngự sử Nguyễn Biểu còn nhắn bảo Trương Phụ: "Thật chẳng mấy khi người Nam được ăn đầu người Bắc".
Lại nói tướng nhà Minh, khi nghe quân hầu thuật về hành xử của Nguyễn Biểu, Trương Phụ tròn xoe mắt kinh ngạc. Trong cái nghề làm tướng cầm quân đánh đông dẹp bắc của mình, chưa bao giờ hắn gặp một người như Nguyễn Biểu. Tự cho mình là anh hùng hảo hán, tỏ ra mình cũng biết trọng những kẻ có tài năng, khí phách, Trương Phụ lấy lễ tiếp đãi Nguyễn Biểu, rồi tiễn chân sứ giả.
Vậy, tại sao Trương Phụ đã để Nguyễn Biểu bình an ra về, nhưng ông lại bị giết chết? Theo bản chép tay Gia phả họ Nguyễn, vì cảm phục khí phách ngất trời của Nguyễn Biểu, Trương Phụ đã hỏi viên hàng thần Phan Liêu: “Nguyễn Biểu là người thế nào?” Liêu bèn nói: “Người ấy là hào kiệt của nước Nam, ngài muốn lấy nước Nam mà không có người này thì việc thành sao được”.
Trương Phụ sai người đuổi theo bắt Nguyễn Biểu lại, hòng uy hiếp mua chuộc nhưng khi Nguyễn Biểu bị dẫn đến trước dinh, Trương Phụ bắt ông lạy ông vẫn đứng thẳng không hề run sợ. Nguyễn Biểu nói: "Ta là tôi của Vua phương Nam, ngươi là tôi của Vua đất Bắc; cùng là bề tôi cả sao lại bắt nhau quỳ được?".
Phụ mắng ông vô lễ, ông bèn vạch âm mưu và tội ác của giặc: “Trong bụng muốn đánh lấy nước người, bên ngoài giả làm quân nhân nghĩa; đã hứa lập con cháu nhà Trần nay lại đặt quận huyện, không những chỉ cướp lấy vàng bạc, châu báu mà còn giết hại nhân dân, thực là giặc tàn ngược” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Tướng giặc đã rất tức giận, sai quân đưa Nguyễn Biểu ra trói dưới cầu Yên Quốc (tức cầu Lam, một nhánh sông Lam chảy giữa hai làn Vệ Chánh và Quang Dụ xưa) cho nước lên dìm chết. Ông lấy móng tay vạch vào cột cầu 8 chữ: “Thất nguyệt, sơ nhất nhật, Nguyễn Biểu tử” (ngày mồng 1 tháng 7 Nguyễn Biểu chết).
Trương Phụ giết ông nhưng phải ngầm kính phục cho đưa thi hài về Bình Hồ an táng. Vua Trùng Quang được tin ông tử tiết hết sức thương xót sai làm văn Dụ tế, nhà sư chùa Yên Quốc cũng soạn bài tụng, làm lễ cầu siêu cho ông. Chưa hết, nhân dân miền Nghệ - Tĩnh đã lập miếu thờ, suy tôn ông là Nghĩa vương. Các triều đại sau cũng đều truy phong ông làm Phúc thần.
Như vậy, Nguyễn Biểu - vị sứ giả can trường của dân tộc - đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Minh. Tiết tháo của ông thật là lẫm liệt, trước giặc giữ lòng chỉ nghĩ đến Vua, trước vận suy của nước vẫn làm rạng danh quốc thể. Hiện nay, tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ có đền thờ Nguyễn Biểu được xây dựng vào thời nhà Lê để tưởng nhớ công lao của ông.